1001 điều mẹ nhất định phải biết để con được làm em bé hạnh phúc những ngày đầu đời đi lớp

Để con có được những trải nghiệm đầu đời đến lớp thật ý nghĩa, chị Thanh Trúc (25 tuổi, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã chuẩn bị khá chu đáo tất cả mọi mặt, dù biết trước sẽ không tránh khỏi chuyện con đau ốm và vất vả hơn những ngày đầu tiên đi lớp.

Chị Trúc chia sẻ, bé Bắp được mẹ cho đi học lúc hơn 17 tháng. Nhiều người nói cho bạn đi học sớm tội nghiệp quá nhưng chị lại thấy, việc con được đến trường quen nhiều bạn và học được nhiều điều hay, thì không có gì gọi là tội nghiệp cả.

Bé Bắp rất kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)

Bé Bắp rất kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)

“Buổi sáng khi đi học con biết lấy nón đội, chiều về nhà tự biết cởi giày cất lên kệ, ăn xong tự biết dọn đưa mẹ, có điều con bám mẹ hơn. Bình thường ba sẽ tắm và vệ sinh cho con, nhưng đi học về con không muốn ba làm giúp nữa, mà muốn mẹ làm. Thực ra điều đó không có gì khó khăn cả, con muốn thì mình chiều một chút thôi”, chị Trúc tâm sự.

Theo đó, trước khi cho con bước chân đến trường, chị Trúc đã nghiên cứu và đưa ra một số một số yếu tố quan trọng cần chuẩn bị như sau:

Chọn trường cho con

Tùy theo điều kiện kinh tế và tiêu chí các mẹ sẽ có chuẩn chọn trường cho con. Muốn cho con học ở đâu, phương pháp nào, cần phải tìm hiểu phương pháp đó là gì, dạy học như thế nào, môi trường giáo dục đó tác động thế nào lên con của bạn.

Về vấn đề này, chị Trúc chia sẻ thêm: “Nhiều mẹ cho rằng, con còn nhỏ thế, không biết gì nên học ở đâu cũng vậy. Mình lại nghĩ khác, khi chọn trường cho con điều mình quan tâm là các cô sẽ đối xử với con thế nào, con có được tôn trọng và được quan tâm không? Nên mình muốn đặt con vào ngôi trường mình cảm thấy tốt nhất, trong khả năng của gia đình, trong môi trường ấy con được yêu thương, quan tâm đúng mức và tạo điều kiện để con học hỏi phát triển.

Khi mình chọn trường để gửi con 9 tiếng một ngày, mình cũng muốn chọn trường có camera để “tiện quan sát”. Nhưng rồi cuối cùng mình chọn ngôi trường mình cảm thấy phù hợp, hoàn toàn yên tâm mặc dù mình không xem camera trực tuyến. Mình chọn cách trao niềm tin cho các cô và thẳng thắn trao đổi nếu có vấn đề gì đó mà mình không thỏa mãn”.

Những ngày đầu đi học con còn bám mẹ và khóc không ngớt (Ảnh: NVCC)

Thái độ của giáo viên

Thái độ của giáo viên là điều chị Trúc quan tâm nhất. Trước khi bé Bắp nhập học, buổi chiều chị hay chở con đến sân trường để chơi, còn bản thân ngồi quan sát. Theo đó, chị sẽ quan sát được thái độ và cách nói chuyện của các cô với các bạn khác, cũng như cách các cô xử lý khi các con khóc lóc....

Chế độ ăn uống

Bé Bắp ăn dặm bé chỉ huy hoàn toàn, lúc này con ăn khá tốt và xúc khá gọn gàng. Khi đến tham quan trường, mẹ trẻ 9X có trao đổi với cô Hiệu trưởng với mong muốn, các cô tạo điều kiện cho con tự xúc ăn, ăn bao nhiêu thì tùy con, mong là các cô đừng ép con ăn và sau bữa ăn thì không bù sữa, theo đó các cô vui vẻ thực hiện cho đến tận bây giờ.

Chuẩn bị tâm lý cho con

Đây là khâu chuẩn bị chị Trúc cho là rất quan trọng. Do đó, trước khi đi học chị có thủ thỉ với con, rằng con sẽ được đi học, đi học sẽ có nhiều bạn, mẹ kể tên các bạn trong lớp, đi học có nhiều hoạt động sẽ vui thế nào, các cô sẽ yêu thương ra sao. Đồng thời nói cho con biết, me gửi con đi học không có nghĩa là mẹ không còn yêu thương con nữa, mà là vì con lớn rồi đã đến lúc phải đi học...

Mẹ trẻ Sài thành cũng không bao giờ nói dối con và mang việc đi học của con ra làm trò đùa để dọa nạt. Chị cũng không bao giờ hỏi con những câu đại loại như là “Cô có đánh con không....” nếu hỏi như thế sẽ tạo cho con những nghi ngờ là đi học sẽ bị cô đánh, sẽ không vui....sẽ tạo cho con những suy nghĩ tiêu cực.

Chuẩn bị đồ dùng mang đi học

-Sữa: Chị Trúc cho hay, chị không chuẩn bị sữa mang theo cho bé Bắp, buổi sáng con uống sữa ở nhà, đến trường sẽ được ăn sáng. Tối đến con sẽ được ti một bình nữa và đi ngủ.

-Quần áo: đem cho con 3 bộ, 3 khăn tay, tã 4 miếng.

-Nệm: trường con có nệm riêng cho từng bạn, nhưng những ngày đầu đi học chị mang theo nệm của con để con có cảm giác thân quen. Bên cạnh đó, chị Trúc cũng cẩn thận mang theo vật trấn an, chính là thú bông quen thuộc của con, xem như một người bạn.

Thực tế khi đi học

“Bé Bắp cực kì nhạy cảm với người lạ. Ngày đầu tiên, mình đưa đến trường, cùng con vào trường để làm hồ sơ nhập học. Lúc có mẹ con vẫn chơi. Đến giờ lên lớp, mẹ tạm biệt thì con khóc hơn 1 tiếng.

Ngày thứ 2, con vẫn khóc và bỏ ăn sáng. Cô có hỏi mình có mang sữa cho con không nhưng mình vẫn dặn cô mặc kệ để con đến bữa tự ăn. Ngày thứ 3, mẹ đưa gần đến trường con lắc đầu liên tục. Khi mẹ ra về vẫn khóc như mọi khi, nhưng đến hôm sau con đã không còn khóc nữa, không bỏ ăn sáng, thậm chí còn ăn tận 2 bát bún”, chị Trúc kể lại.

Thậm chí đã có sự cố xảy ra khi con bị bạn cùng lớp cắn sưng mũi (Ảnh: NVCC)

Khi con đi học được 1 tuần, điều mà bất cứ người mẹ nào lo lắng cũng đã xảy đến với bé Bắp, con bị bạn trong lớp làm tổn thương, cắn sưng mũi. Điều này chị Trúc có được cô giáo phản ánh, nhưng chị đã chọn cách xử trí hài hòa nhất.

“Mình không trách cô, cũng không nói là "không sao đâu". Vì nếu mình nói “Không sao đâu" thì có thể an ủi con, nhưng mình không muốn điều này lặp lại con sẽ chỉ biết chịu đau. Mình cũng không dạy con cắn lại bạn, mà chỉ nói với cô là mình hiểu, mình thông cảm, nếu lần sau Bắp có bị bạn làm tổn thương, sau khi cô an ủi con thì cô hãy dạy con cách tự vệ”.

Cho đến ngày thứ 22 đi học, mặc dù còn chút thút thít khi mẹ rời đi, nhưng bé Bắp đã bắt đầu quen với môi trường mới. Buổi chiều được mẹ đón, con rất vui vẻ và quay sang hôn tạm biệt cô.

Nhưng sau một thời gian con đã hòa nhập được với môi trường mới và là một em bé ngoan đi lớp (Ảnh: NVCC)

Đưa ra quyết định cho con đi lớp sớm, cũng như trải qua những ngày đầu khó khăn khi con rời mẹ đến trường, chị Trúc chia sẻ rằng, bản thân người lớn, nếu bắt đầu công việc mới ở công ty, cũng cần thời gian để làm quen đồng nghiệp, để thích nghi với môi trường. Do đó bất cứ khi nào con thấy bất an, chị đều chia sẻ và trấn an, chưa một lần căng thẳng với con vì sự lạ lẫm, lo lắng của con.

Tóm lại, cho con đi lớp thời điểm nào là lựa chọn của mỗi bậc cha mẹ, tuy nhiên hãy trở thành những người làm cha mẹ tâm lý, khoa học, để con được hòa nhập với cộng đồng và được phát triển kỹ năng tốt nhất.

Văn Anh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/1001-dieu-me-nhat-dinh-phai-biet-de-con-duoc-lam-em-be-hanh-phuc-nhung-ngay-dau-doi-di-lop-20191016103846672.htm