1001 điều mẹ cần biết về tuần khủng hoảng và cách rèn luyện cho bé từ 1 đến 4 tháng tuổi

Chị Ánh Tuyết (29 tuổi, kinh doanh quần áo, sống tại Bình Thạnh) cho rằng, vấn đề tuần khủng hoảng và hệ vận động nghe có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng thực chất lại liên hệ mật thiết và có những cách giải quyết mà mẹ nhất định phải biết.

Theo chị Tuyết, trong 20 tháng đầu đời trẻ sẽ có 10 giai đoạn nhảy vọt quan trọng, trong các giai đoạn này các bé sẽ trải qua những thay đổi lớn trong quá trình phát triển và điều đó khiến trẻ khó chịu. Đây đều là các mốc bé rơi vào tuần khủng hoảng và sẽ tập được nhiều kỹ năng mới trong giai đoạn này.

Gia đình hạnh phúc của chị Ánh Tuyết (Ảnh: NVCC)

Gia đình hạnh phúc của chị Ánh Tuyết (Ảnh: NVCC)

Bà mẹ trẻ cũng cho rằng, tuần khủng hoảng có liên quan đến hệ vận động. Một đứa trẻ nếu được rèn luyện các kỹ năng vào từng giai đoạn phát triển, thì khi bước vào tuần khủng hoảng, bé sẽ học được các kỹ năng rất nhanh vì đã được ba mẹ tập cho trước đó. Vì các vận động phản xạ của bé chỉ rơi vào 1 vài thời điểm, nếu để qua giai đoạn vàng thì khi đến tuần khủng hoảng, bé sẽ trải qua khá khó khăn và có thể chậm hơn so với sự phát triển theo tuần tuổi của bé.

“Mặc dù là sinh đôi - non tháng - nhẹ cân nhưng 2 bé nhà mình khá cứng, không thua bất kỳ em bé nào. Từ khi Rin - Ren mới chào đời mình đã thích để con sương gió một tý chứ không thích ấp ủ con. Khi 0-1 tháng 2 con đã có thể ngóc đầu rất cao khi nằm sấp. 1-2 tháng 2 bạn đã có thể giữ thẳng cổ khi được bế ngồi. 2-3 tháng đã có thể nắm tay mẹ kéo đứng lên, biết lật. 3-4 tháng biết lẫy. 4-5 tháng biết cầm bình sữa, mon men đi được khi có người giữ. 5-6 tháng biết ngồi, nhai. 6-7 tháng biết trườn và đã ủn mông gần bò được”, mẹ trẻ 9X chia sẻ.

Hai bé Rim - Ren vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)

Theo đó, tùy theo mỗi một giai đoạn phát triển, chị Ánh Tuyết đưa ra cách tập luyện cụ thể cho bé như sau:

Giai đoạn 0-1 tháng tuổi

- Rèn luyện thính giác bằng đồ chơi xúc xắc để bé xoay đầu tìm hướng.

- Rèn luyện thị giác bằng cho con nhìn những màu trắng đen, quả cầu đỏ, cánh diều trong tầm 20cm. Cho bé tập tummy time, tức là tập nằm sấp ngóc đầu) để luyện lưng và cổ. Kết hợp với xúc xắc để bé xoay cổ.

- Rèn luyện kéo giãn chân tay cho bé bằng cách sờ nhẹ lòng bàn tay, bàn chân kéo giãn ra. Kích thích bé nắm tay mở tay.

- Luyện cho bé tập bò. Trong giai đoạn sơ sinh bé có phản xạ bò, mẹ dùng tay nắm nhẹ gót chân bé, bé sẽ có phản xạ rướn người lên. Rồi mẹ lại dùng tay đẩy gót chân bé lên 1 chút. Cứ từ từ bé sẽ bò được xa hơn.

Giai đoạn 1-2 tháng tuổi

- Rèn luyện thị giác bằng xem tranh. Dán vài bức tranh trên tường trong phòng. Các hình ảnh đơn giản như con người, con vật, hoa quả. Bế bé lên và chỉ cho bé bằng những từ đơn giản.

- Kiểm tra xem bé có bị rối loạn khả năng nghe bằng cách dùng đồ chơi phát ra tiếng, hoặc mẹ gọi bé từ 1 hướng xem bé có quay lại không. Nếu nhiều lần mà bé không phản ứng gì, hoặc quay không đúng hướng nên đưa bé đi kiểm tra.

- Rèn luyện thính giác bằng các trò chơi như mở nhạc cho bé nghe, 1 bài mở 5-10 phút. Cũng có thể lắc chuông bên tai bé để kích thích bé quay lại tìm tiếng chuông.

- Giao lưu nói chuyện với con. Làm gì cũng giải thích cho con nghe là ba mẹ đang làm gì bằng những từ ngữ êm dịu. Giúp bé cảm nhận được tình cảm của ba mẹ.

- Rèn luyện xúc giác bằng trò chơi như chạm vào môi con, bé sẽ có động tác như bú sữa. Sờ nhẹ lòng bàn tay bé sẽ nắm lại. Hoặc có thể dùng các vật dụng khác như khăn, chổi lông sờ nhẹ vào người bé để bé cảm nhận.

- Cho bé làm quen với bên ngoài để bé hít thở không khí trong lành, làm quen nhiều người, ngắm cây cảnh con vật. Vừa đi có thể vừa chỉ cho bé tên từng loại.

- Bế đứng bé nhìn đồ vật để rèn luyện cổ. 1 tay đỡ trước ngực, 1 tay đỡ dưới mông. 1 thời gian bé sẽ vô cùng cứng cổ và có thể tập quan sát xung quanh.

Giai đoạn 2-3 tháng tuổi

- Rèn luyện thị giác bằng cách cho bé nằm ngửa chơi kệ chữ A.

- Rèn luyện vận động thì bằng thảm nhạc, khi bé đạp chân sẽ phát ra tiếng nhạc vui tai, bé sẽ rất thích.

- Rèn luyện cảm quan, phát triển trí tưởng tượng cho con bằng đọc sách - đọc truyện cho con. Nên lựa những loại sách cho bé sơ sinh hình thù đơn giản, màu sắc sinh động. Kể bằng giọng thu hút, mẹ nên cố gắng để cùng con phối hợp vô câu chuyện.

- Cho con nghe nhạc cổ điển, nhẹ nhàng và dễ nghe. Khoản 10 phút.

- Cho con tập phân biệt đồ vật, con vật bằng tranh ảnh. 1 lần chỉ đưa cho con 5 hình, lặp đi lặp lại từng hình nhiều lần để giúp con phân biệt.

- Luyện khứu giác bằng cách cho con ngửi các mùi như đồ ăn, hoa, quả.

- Rèn luyện khả năng tập trung cho con bằng cách 1 lần chỉ cho con chơi 1 loại đồ chơi, đừng đưa ra quá nhiều, con sẽ bị rối và mất tập trung. Nên tập cho bé chơi tự lập, như vậy bé sẽ tập trung cao hơn.

- Rèn luyện lực nắm tay cho bé bằng các động tác cho ngón trỏ vào lòng bàn tay bé, bé sẽ có phản xạ nắm lại, mẹ kéo nhẹ ngón tay lên, bé sẽ có phản xạ kéo lại, từ từ bé sẽ lên được. Nên tập từ từ từng chút 1 vì lực tay và cơ thể con còn yếu. Lâu dần con có thể tự đứng lên được khi mẹ đưa tay cho bé nắm.

- Tập cho bé lật người chủ yếu là rèn luyện cơ cột sống và cơ lưng cho bé, rèn luyện độ linh hoạt. Khi bé lật sang trái, mẹ dùng tay phải đỡ lấy vai trái của bé, tay trái đỡ lấy hông, nhẹ sức giúp bé. Như vậy bé sẽ lật người được. Cứ làm vài lần bé sẽ quen dần và tự làm được. Nên chú ý không được làm mạnh, tránh tổn thương đến bé.

- Rèn luyện cho bé ngồi thẳng đầu bằng ôm bé ngồi 1 bên đùi, lưng và đầu dựa vào ngực bố mẹ. bố mẹ 1 tay vòng đỡ ngực con, để trước mắt bé là 1 khoản không gian rộng.

Giai đoạn 3-4 tháng tuổi

- Rèn luyện thị giác bằng các đồ chơi chạy được để bé hướng theo vật chạy đi. Ngoài ra khi để đồ chơi gần bé, bé sẽ vươn người xa hơn để nhìn đồ chơi.

- Tạo môi trường sinh hoạt đa dạng nhiều màu sắc cho bé như treo bóng bay, treo đồ chơi quanh giường, dùng thảm nhiều màu, dán tranh quanh phòng.

- Giúp bé tập nằm sấp - yêu thích nằm sấp. Nằm sấp vô cùng quan trọng với trẻ sơ sinh, nên tại sao lúc nào cũng nên cố cho bé nằm sấp nhiều nhất có thể, nó giúp bé phát triển não phía đằng sau nên các bé nằm sấp nhiều não rất phát triển và thông minh.

Ngoài ra còn giúp bé chống bẹp đầu. Bé nằm sấp nhiều sẽ giúp khả năng ổn định cơ thể, chân tay phối hợp hài hòa, điều khiển đầu linh hoạt. Ngoài ra còn giúp bé trườn nhanh, lật người giỏi, bò nhanh. Rèn luyện cho bé ngồi bằng các trò chơi. Đầu tiên nên cho bé nằm ngửa trên giường và kéo nhẹ cho bé ngồi dậy. Sau đó để cho bé ngồi khoảng 5 phút, rồi thả nhẹ cho bé nằm lại và kéo lên. Sau này thời gian ngồi sẽ tăng lên dần. Không nên cố ép bé ngồi quá lâu.

- Rèn luyện khả năng cầm nắm bằng cách mẹ có thể chuẩn bị 2 quả bóng được nối bằng sợi dây, mẹ hơi kéo nhẹ dây và thu dây về. lặp lại vài lần, dụ bé kéo dây lại.

- Luyện tập cơ chân bằng cách có thể cho con nằm gần tường có treo các tấm phát ra âm thanh cho con tập đạp.

- Khích lệ con phát âm bằng đọc sách hoặc cho con xem tranh, vật để chỉ cho con và khuyến khích con nói lại.

- Tập bé tự cầm bình sữa bằng cách đưa bình sữa vào tay bé cho bé tự cầm, khuyến khích bé tự uống. Ban đầu bé có thể chưa biết bỏ chính xác vào miệng nên hỗ trợ bé từng chút. Đặc biệt nếu tập lúc bé đói, bé sẽ rất nhiệt tình.

- Tập bé nhận thức về bản thân bằng soi gương, ban đầu bé sẽ chưa biết đó là mình. Bé chỉ cảm thấy thích thú và ngạc nhiên khi có 1 đứa bé trong gương.

Bên cạnh đó, chị Ánh Tuyết cũng lưu ý rằng, đây là những kinh nghiệm cá nhân của chị trong quá trình nuôi con, vì vậy nên các mẹ hãy lưu ý trước khi áp dụng. Mỗi bé có sự phát triển cũng như cơ địa khác nhau, mẹ nên chú ý quan sát sự thay đổi của con để có sự rèn luyện phù hợp nhất.

Văn Anh

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/1001-dieu-me-can-biet-ve-tuan-khung-hoang-va-cach-ren-luyen-cho-be-tu-1-den-4-thang-tuoi-20190916101658359.htm