100 triệu cử tri Nga bắt đầu bỏ phiếu bầu Tổng thống

Từ 8h sáng nay 18/3 (giờ địa phương, tức 3h theo giờ Hà Nội), những điểm bỏ phiếu đầu tiên ở vùng cực Đông của Nga đã mở cửa đón cử tri đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới, người sẽ lãnh đạo nước Nga trong vòng 6 năm tới.

Ảnh: RIA Novosti

Tổng thống được bầu theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp với hơn 100 triệu cử tri hợp lệ.

Những điểm bỏ phiếu cuối cùng sẽ đóng cửa vào lúc 18 giờ GMT ngày 18/3 (1 giờ sáng 19/3 theo giờ Hà Nội) ở vùng lãnh thổ Kaliningrad.

Luật bầu cử Nga quy định nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số trên 50% phiếu bầu, vòng 2 sẽ được tiến hành giữa 2 ứng viên có số phiếu bầu cao nhất.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan thăm dò công luận Nga (VSIOM), đương kim Tổng thống Vladimir Putin được khoảng 69% số cử tri ủng hộ.

Đứng thứ hai là ứng cử viên đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin với 7%, còn đại diện đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky nhận được 5%.

Công tác bảo đảm an ninh cho bầu cử được tăng cường với sự vào cuộc của hầu hết các lực lượng chức năng. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết sẽ triển khai 115.000 nhân viên và gần 19.000 trang thiết bị để bảo đảm an ninh cho tất cả các khu vực bầu cử trên cả nước.

Ảnh: RIA Novosti

Chỉ riêng tại thủ đô Moscow, chính quyền thủ đô đã huy động hơn 17.000 nhân viên thực thi pháp luật nhằm bảo đảm trật tự vào ngày bỏ phiếu 18/3. Hoạt động giao thông trong ngày bỏ phiếu ở thủ đô vẫn động bình thường, nhưng hoạt đồng tuần tra, kiểm soát được siết chặt.

Hôm 16/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi người dân nước này tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 18/3, để ý kiến của mỗi người trong việc xác định con đường phát triển tương lai được chú ý tới.

Ảnh" Tass

Trong bức thư đặc biệt gửi tới toàn bộ cử tri, Tổng thống Putin nhấn mạnh theo Hiến pháp Nga “nguồn gốc duy nhất của chính quyền là nhân dân.”

Điều này có ý nghĩa rất to lớn bởi chính đường hướng phát triển đất nước, tương lai nước Nga phụ thuộc vào ý chí nhân dân, vào mỗi công dân.

Người Nga tại Ukraine không thể bầu tổng thống

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov ngày 18/3 thông báo họ sẽ không để công dân Nga tại nước này tiếp cận các cơ sở bầu cử của phái đoàn Ngoại giao Nga ở Kiev, Kharkiv, Odessa và Lviv. Đây là động thái để trả đũa cho việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Bộ Ngoại giao Moscow chỉ trích động thái này, gọi đó là "sự can thiệp công khai vào các vấn đề nội bộ của Liên bang Nga".

Theo AFP, đương kim Tổng thống Putin, người nắm quyền ở Nga gần 2 thập niên, nhận được khoảng 70% tỷ lệ ủng hộ từ các cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

Tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, ông Putin gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu và tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 4 tới năm 2024.

Cuộc đua vào Điện Kremlin năm nay được đánh giá là bài thử thách bản lĩnh của các ứng cử viên bởi nước Nga, dù đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, song vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt khi chiếc “vòng kim cô” trừng phạt của phương Tây chống Nga đang ngày càng siết chặt, mối quan hệ Nga-Mỹ ngày càng căng thẳng...

Ảnh: RIA Novosti

Trong bối cảnh đó, ứng cử viên được người dân Nga tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” trong cuộc bầu cử ngày 18/3 sẽ phải gánh vác trọng trách nặng nề, đưa nước Nga tiếp tục phát triển giàu mạnh và củng cố hơn nữa vị thế trên trường quốc tế.

Cuộc đua đến Điện Kremlin năm nay diễn ra rất sôi động với sự tham gia của 8 ứng cử viên đại diện cho những quan điểm chính trị khác nhau, trong đó có không ít gương mặt mới. Ngoại trừ đương kim Tổng thống Vladimir Putin, ứng cử viên độc lập, không công bố cương lĩnh tranh cử cũng không tham gia tranh luận trực tiếp, 7 ứng cử viên còn lại đã có những màn “đấu khẩu” kịch tính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời tiến hành chiến dịch tranh cử rầm rộ nhằm thu hút lá phiếu của cử tri.

Ảnh: Reuters

Giới quan sát dự đoán Tổng thống Putin sẽ tiếp tục có chiến thắng cách biệt trong kỳ bầu cử lần này và sẽ tại nhiệm thêm 6 năm nữa. Đây sẽ là cơ hội để vị cựu điệp viên KGB củng cố quyền lực.

Ảnh: Reuters

"Tôi tin nhiệm kỳ 2018-2024 sẽ không phải là nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của Putin. Ông ấy không phải một chính trị gia đơn thuần. Ông ấy có gì đó rất khác biệt", Vasily Slonov, một cử tri 48 tuổi nhận định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) Nicolai Bulaev cho biết, Nga đã cấp phép cho 1.300 quan sát viên quốc tế giám sát cuộc bầu cử tổng thống Nga. Trong số đó, có 420 quan sát viên thuộc phái bộ Hội đồng liên Nghị viện các nước Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE PA).

Đến trước ngày bầu cử chính thức hôm nay 18/3, đã có hơn 100.000 cử tri đi bỏ phiếu sớm tại nhiều điểm bỏ phiếu trong và ngoài nước.

Ảnh: Tass

Bỏ phiếu sớm trong nước Nga được bắt đầu từ ngày 25/2 tại những khu vực xa xôi, đi lại khó khăn, trên những tàu thuyền dự kiến ở ngoài khơi trong ngày 18/3. Hơn 21.000 cử trị sinh sống, làm việc và học tập tại 33 quốc gia trên thế giới cũng đã đi bỏ phiếu sớm.

Nga lập 5 điểm bỏ phiếu tại Trung Quốc

Các điểm bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga được thiết lập tại 5 thành phố lớn của Trung Quốc, đó là: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Dương, Quảng Châu và Hong Kong.

Để có thể đi bỏ phiếu tại các điểm này, công dân Nga phải đủ 18 tuổi trở lên và có hộ chiếu Nga. Các điểm bỏ phiếu dành cho không chỉ người Nga sinh sống lâu năm ở Trung Quốc mà ngay cả người Nga mới đến trong thời gian ngắn.

97.000 điểm bỏ phiếu trên khắp nước Nga

Có hơn 97.000 điểm bỏ phiếu được mở cửa ở khắp nước Nga. Điểm bỏ phiếu bầu cử tổng thống đầu tiên tại khu tự trị Chukotka và vùng Kamchatka, Liên bang Nga bắt đầu mở cửa vào lúc 8h00 sáng 18/3 theo giờ địa phương, tức 3h00 theo giờ Việt Nam.

Các địa điểm bỏ phiếu này sẽ được mở cửa cho đến 20h00 ngày 18/3 theo giờ địa phương (tức 15h00 theo giờ Việt Nam).

Thách thức chờ tân tổng thống

Theo GS.TS khoa học lịch sử Boris Shmelev-Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Nga –Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm khoa học Nga, nước Nga đang ở trong tình hình quốc tế rất phức tạp, “chiến tranh lạnh” tiếp diễn, và triển vọng về lối thoát còn chưa nhìn thấy.

“Nhiệm vụ đặt ra với tổng thống mới, trong nhiệm kỳ 6 năm tới, là không được phép chuyển từ chiến tranh lạnh sang “nóng”, phải làm tất cả để điều đó không xảy ra. Nhiệm vụ thứ hai là tìm mọi khả năng có thể để hợp tác với Phương Tây vì đây là các đối tác kinh tế của chúng tôi. Nga phải tìm mọi khả năng, mặc dù bây giờ không lớn lắm, để tiếp tục hợp tác kinh tế với Phương Tây, để trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư, trao đổi nhân lực, điều này rất quan trọng đối với Nga. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng rằng Matxcơva sẽ đàm phán được với Phương Tây, không phải chóng vánh, tuy nhiên là nhiệm vụ chiến lược trong chính sách đối ngoại cần làm”, ông Shmelev nói.

1.500 quan sát viên quốc tế

Theo bà Ella Pamfilova - người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, khoảng 1.500 quan sát viên quốc tế đến từ 109 quốc gia sẽ cùng giám sát cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Khoảng 13.000 phóng viên, đại diện cho 2.400 cơ quan truyền thông Nga sẽ cùng tham gia đưa tin về sự kiện.

Khoảng 1.400 phóng viên, trong đó có 400 phóng viên nước ngoài, sẽ tác nghiệp tại trung tâm báo chí của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga.

Khi việc bỏ phiếu kết thúc, các ủy ban bầu cử địa phương sẽ mở hòm phiếu dưới sự chứng kiến của các nhà quan sát và bắt đầu tiến hành kiểm phiếu.

Ủy ban Bầu cử Trung ương sẽ thông qua kết quả bầu cử trong vòng 10 ngày sau đó. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số trên 50% phiếu bầu ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, thì vòng bỏ phiếu thứ 2 sẽ được tiến hành giữa 2 ứng viên có số phiếu bầu cao nhất trong vòng 3 tuần sau đó. Ứng viên nào giành đa số phiếu sẽ chiến thắng.Tiếp tục cập nhật

Tùng Dương - Minh Hạnh

Theo RT, RIA Novosti, Tass

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/cap-nhat-100-trieu-cu-tri-nga-bat-dau-bo-phieu-bau-tong-thong-1251455.tpo