100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại

Đó là một trong nhiều mục tiêu cụ thể của Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình cũng đặt các mục tiêu cụ thể như: 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 52% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

75% cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Trên 95% cấp xã tiếp tục triển khai cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản vào năm 2025, đạt 100% năm 2030. Đồng thời, 75% trạm y tế thuộc vùng mức sinh cao đủ khả năng cung cấp các biện pháp tránh thai theo quy định vào năm 2025, đạt 95% năm 2030. Trên 95% cấp huyện có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới vào năm 2025, đạt 100% năm 2030…

100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng (ảnh minh họa)

Ngoài ra, Chương trình sẽ củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở các cấp; đào tạo liên tục cho người cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện biện pháp tránh thai; mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; thí điểm mô hình hỗ trợ sinh sản, dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ...

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; có biện pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn đồng thời thử nghiệm, phổ biến các kỹ thuật mới, hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác Chương trình đề cập đến là việc phát triển mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở các cấp; đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; ưu tiên đầu tư cho vùng có mức sinh cao.

Mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tương, từng địa bàn; thí điểm mô hình hỗ trợ sinh sản, dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ; can thiệp, điều trị sớm một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh…

Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tạo điều kiện huận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, chú trọng vào nhóm đối tượng thụ hưởng là nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là vị thành niên, thanh niên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/100-phu-nu-trong-do-tuoi-sinh-de-duoc-tiep-can-thuan-tien-voi-cac-bien-phap-tranh-thai-hien-dai-n183560.html