100 ngày chiến sự, Nga và Ukraine đang bước vào cuộc 'xung đột đóng băng'

Theo nhiều nhà phân tích, cuộc chiến tranh nóng tại châu Âu đang có xu hướng chuyển thành một cuộc xung đột đóng băng.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine kéo dài suốt 100 ngày qua đang làm thay đổi trật tự thế giới, vẽ lại bản đồ châu Âu, tác động đến an ninh lương thực và kinh tế toàn cầu.

“Xung đột cục bộ đóng băng”

Ngày 3/6 đánh dấu tròn 100 ngày Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hiện giờ mục tiêu của Moscow đã thu hẹp lại. Nếu như trước đây, Nga đặt ra kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”, với tham vọng kiểm soát các thành phố trọng yếu trong đó có thủ đô Kiev trong một vài ngày hoặc một vài tuần thì nay quân đội Nga đang phải tập trung vào những mục tiêu ít tham vọng hơn nhiều. Trọng tâm của Moscow bây giờ là tiến hành các cuộc tấn công dữ dội vào miền Đông Ukraine, tìm cách “giải phóng” 2 tỉnh Lugansk và Donetsk.

Một xe thiết giáp bị đốt cháy trên đường phố tại Kharkiv. Ảnh: AP

Một xe thiết giáp bị đốt cháy trên đường phố tại Kharkiv. Ảnh: AP

Về ngắn hạn, Moscow có thể tạm hài lòng với việc loại bỏ các tuyến phòng thủ của Ukraine và đưa thêm nhiều khu vực ở phía Đông vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Một chiến lược như vậy được thể hiện rõ ràng trong tuần này khi quân đội Nga tìm cách giành quyền kiểm soát thành phố Sievierodonetsk – một khu vực có tầm quan trọng về chiến lược tương tự như Mariupol. Nhưng nhìn toàn cảnh, chiến sự đang dần rơi vào bế tắc tại Donbass.

Thay vì trải rộng khắp Ukraine, cuộc chiến chỉ giới hạn ở một số khu vực nhỏ hơn tại miền Đông và miền Nam. Các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng, cả Nga và Ukraine không tham gia vào một cuộc xung đột làm thay đổi toàn bộ lục địa mà là rơi vào một “kỷ nguyên xung đột cục bộ đóng băng”. Thực tế này có thể dẫn tới kết quả là các bên giành được ít thắng lợi trên chiến trường dù con số thương vong và thiệt hại về cơ sở vật chất gia tăng.

Theo giới phân tích, mục tiêu dài hạn của Tổng thống Putin là ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và thành lập một chính quyền thân Nga tại Ukraine có lẽ không thay đổi. Nhưng giờ đây ông buộc phải theo đuổi chiến lược đó một cách từ từ và tính toán kỹ lượng hơn bằng cách làm xói mòn tham vọng Ukraine và buộc phương Tây phải trả giá bằng “vũ khí năng lượng”.

Ông Philip M. Breedlove – cựu Tư lệnh quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhận định: “Theo tôi, đã đến lúc Tổng thống Putin và quân đội Nga nhận ra rằng họ buộc phải thay đổi kỳ vọng tổng thể của mình”.

Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Dự án An ninh Mỹ tổ chức, ông Breedlove cho biết: “Tôi không thấy có dấu hiệu cho thấy Nga tiến xa hơn về phía Tây Nam theo thướng Odesa. Họ đã bắt đầu củng cố một số vị trí. Điều này đồng nghĩa với việc Nga chưa có ý định tiến lên”.

“Những gì chúng ta thấy trên chiến trường là Nga đang cố gắng giữ vững những khu vực mà họ đã giành được, dù ít ỏi nhưng rất quan trọng với họ để Tổng thống Putin có thể sớm tuyên bố giành chiến thắng ở Donbass”, ông Breedlove lưu ý.

Đối với Ukraine, một cuộc xung đột đóng băng đồng nghĩa với việc nước này sẽ rơi vào tình trạng bất ổn hơn trong khi cơ hội giành chiến thắng ngày càng hiếm hoi nếu không có sự hậu thuẫn liên tục của phương Tây. Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, các lực lượng chính phủ Ukraine đã giao tranh với phe ly khai thân Nga tại Donbass trong suốt nhiều năm. Nhưng Kiev vẫn chưa thể giành quyền kiểm soát tất cả các khu vực do phe ly khai kiểm soát.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng: “Xét về nhiều khía cạnh, đây là một cuộc chiến giáp lá cà. Có những địa điểm, thị trấn, làng mạc, thôn xóm mà cả người Nga lẫn người Ukraine điều có mối liên hệ chặt chẽ. Nga có thể kiểm soát một số khu vực sau đó Ukraine sẽ giành lại chúng và vòng quay cứ thế tiếp diễn. Rất khó để dự đoán cuộc chiến sẽ dài bao lâu hoặc bên nào sẽ giành chiến thắng”.

Các kịch bản có thể diễn ra sau 100 ngày

Giới phân tích cho rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể phát triển theo nhiều chiều hướng.

Kịch bản đầu tiên là Nga tiếp tục giành được những thắng lợi từ từ nhưng đều đặn tại Donbass. Điều này sẽ giúp thổi luồng sinh khí mới vào chiến dịch quân sự mà Moscow phát động, tạo ra liều thuốc trấn an tinh thần cho các binh sỹ Nga sau thời gian dài đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ của phía Ukraine và giúp Tổng thống Putin có đòn bẩy để thúc đẩy lệnh ngừng bắn theo các điều khoản riêng của Nga.

Nhưng phân tích của các nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, nếu phương Tây tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, một kịch bản như vậy có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Hai chuyên gia Mathew Burrows và Robert A. Manning của Hội đồng Đại Tây Dương đã vạch ra một kịch bản khác mà theo đó, Nga giành thêm lãnh thổ ở Donbass và từ từ dập tắt sự kháng cự của Ukraine, còn phương Tây thì mệt mỏi với kế hoạch viện trợ cho Ukraine.

“Vào năm 2023, Mỹ và các đồng minh trong NATO tiếp tục gửi những vũ khí sát thương nguy hiểm hơn cho Ukraine. Chất lượng và số lượng ngày càng gia tăng của những khoản viện trợ này buộc Moscow phải tìm mọi cách để làm gián đoạn dòng chảy vũ khí đổ vào Ukraine. Điều đó sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO, thậm chí xung đột giữa liên minh này và Nga. Nhưng đến giai đoạn cuối năm 2023, sự đoàn kết của phương Tây sẽ xuất hiện nhiều rạn nứt. Thách thức về kinh tế, chi phí viện trợ quân sự, giánh nặng người tị nạn cùng lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ khiến Đức và Pháp dẫn đầu nỗ lực đa quốc gia nhằm thúc ép Ukraine tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Nga”.

Rào chắn chống tăng tại thành phố Odesa, Ukraine. Ảnh: AP

Kịch bản thứ 3 là quân đội Ukraine, nhờ nhận được thêm vũ khí có thể đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi các thành phố lớn và chấm dứt hoạt động quân sự của nước này tại Donbass.

Theo phân tích của Burrows và Manning, nếu xung đột tiếp tục “đóng băng” mà không bên nào đạt được lợi ích đáng kể trong vài tháng hoặc vài năm, Tổng thống Putin có thể đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng ở trong nước về việc chấm dứt chiến dịch quân sự và buộc phải đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Zelensky.

Việc Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ làm thế nào để chấm dứt một cuộc xung đột kéo dài hoặc bị đóng băng cũng là một câu hỏi quan trọng. Hiện tại, châu Âu hầu như vẫn giữ vững lập trường gây sức ép với Nga bằng các đòn trừng phạt kinh tế, đồng thời đang tìm cách nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Riêng Mỹ ngày 1/6 đã công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, nêu bật cam kết của Tổng thống Biden tiếp tục viện trợ Kiev cho đến khi họ đẩy lùi được cuộc tấn công của Nga.

Nhưng xung đột kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm có thể khiến cách tiếp cận như vậy trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của Mỹ châu Âu đang phải đối mặt với một loạt thách thức về chính trị, kinh tế trong nước.

Giá khí đốt tăng cao đã làm đảo lộn thị trường năng lượng. Cuộc chiến giữa hai trong số các nhà sản xuất ngũ cốc hàng dầu thế giới đang đẩy giá lương thực tăng vọt, khiến nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Á lao đao. Tổng thống Biden và những người đồng cấp châu Âu có thể sẽ sớm phải thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine nếu giá nhiên liệu và thực phẩm tiếp tục gia tăng.

Vấn đề đặt ra là lệnh ngừng bắn sẽ phải bao gồm những điều khoản như thế nào. Đây sẽ là một câu hỏi hóc búa với Tổng thống Zelensky. Các quan chức Ukraine khẳng định họ sẽ không bao giờ nhượng bộ chủ quyền, trong đó có cả Crimea. Còn Nga khẳng định chỉ dừng hoạt động quân sự khi Ukraine công nhận Crimea là của Nga, công nhận chủ quyền của hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR), cũng như thiết lập tình trạng "phi NATO". Mâu thuẫn về kỳ vọng và mục tiêu giữa các bên cũng là một trong những lý do khiến đàm phán hòa bình Nga-Ukraine rơi vào tình trạng bế tắc./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/100-ngay-chien-su-nga-va-ukraine-dang-buoc-vao-cuoc-xung-dot-dong-bang-post947886.vov