100 năm sân khấu cải lương - tằm mãi vương tơ: Xây nền móng từ nền móng

Thực tế, vẫn còn không ít khán giả mê cải lương, mong muốn được đến rạp xem hát, ủng hộ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhưng, với muôn khó khăn bủa vây người làm nghề, sàn diễn cải lương hôm nay không thể sáng đèn thường xuyên thì khó mà đòi hỏi khán giả tìm đến, gắn bó với hoạt động sân khấu.

Sự đơn độc của những người làm nghề

Trả lời câu hỏi do chính mình nêu ra, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy đúc kết: “Để sống được, nghệ thuật cải lương phải có ít nhất ba yếu tố: Đầu tiên là tuồng hay, hấp dẫn khán giả; thứ đến là đào kép hát hay, diễn giỏi; sau cùng là yếu tố khán giả. Đây là ba yếu tố sống còn, đơn giản nhưng không dễ để thực hiện”.

Để cải lương sống được vốn là điều không dễ. TPHCM hiện nay có gần 30 CLB, đội nhóm tài tử - cải lương, hoạt động rôm rả ở khắp các quận huyện. Đây là nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ năng ca diễn của rất nhiều bạn trẻ mê cải lương. Tuy nhiên, với các CLB, đội nhóm, chất lượng lẫn quy mô tổ chức biểu diễn vẫn còn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Và không dễ để kiếm sống nuôi mộng làm nghề với những CLB nhỏ lẻ như vậy.

Nhóm Bầu Trời Xanh quy tụ lực lượng diễn viên nhí có năng khiếu ca diễn cùng tiếp bước, nối nghề ông bà, cha mẹ

Nhóm Bầu Trời Xanh quy tụ lực lượng diễn viên nhí có năng khiếu ca diễn cùng tiếp bước, nối nghề ông bà, cha mẹ

Với các đơn vị xã hội hóa làm sân khấu chuyên nghiệp, việc bắt tay dàn dựng một tác phẩm sân khấu càng không hề dễ dàng. Không ít ông bà bầu sân khấu cải lương phải mang nợ vì thua lỗ trong khi cố gắng duy trì tổ chức biểu diễn. Ông bầu Vũ Luân từng phải ôm nợ vì niềm đam mê của mình, muốn điểm diễn sân khấu Hoàn Vũ tại công viên Lê Thị Riêng sáng đèn thường xuyên. Sau chừng 3 tháng cầm cự, Vũ Luân phải buông tay với một số nợ khủng, trả lây lất đến mấy năm.

Công ty Á Châu và đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang từng bắt tay thực hiện kế hoạch tổ chức sân khấu cải lương ở khách sạn Oscar Sài Gòn, nhưng sau suất diễn đầu tiên, sàn diễn này phải đóng cửa vì khó có hiệu quả về kinh tế.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Hội Sân khấu TPHCM cũng từng tâm huyết hợp tác thực hiện chương trình Tôi yêu cải lương tại Nhà hát Bến Thành, mong muốn biểu diễn cải lương giá rẻ để phục vụ mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng dự án đã gặp nhiều trục trặc nên đành dừng lại. Ông bầu Lê Hoàng đóng đô sàn diễn tại Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, cũng phải bù lỗ thường xuyên vì các suất diễn khó lấp đầy ghế trống…

Nhìn vào hoạt động của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, thấy rõ sự đơn độc, lẻ loi của những người mê nghề. Trong khi họ quay cuồng với chuyện cơm áo gạo tiền, thu chi mỗi suất diễn, chạy vạy thuê mướn sàn diễn để có thể thắp sáng những đêm diễn nghệ thuật cải lương thì không hề thấy bất cứ hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực nào từ phía các cơ quan quản lý văn hóa. Họ “sống” hay “chết” cũng đơn độc, lặng lẽ tự thân.

Vậy thì làm sao có thể nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy được loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa miền Nam trong hiện tại và kể cả tương lai? Câu hỏi “cải lương sống bằng gì?”, e rằng nên đổi thành “cải lương chết như thế nào?” có vẻ hợp lý hơn trong thời điểm này.

Không khán giả, cải lương không tồn tại

Lý giải cho sự cần thiết của ba yếu tố nêu trên, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cho rằng, muốn có tuồng hay thì cần soạn giả có tài, đạo diễn có tay nghề và nội dung luôn gắn với đời sống. Trong giai đoạn 1955 - 1975, ngày nào trang nhất các tờ báo ở Nam bộ cũng có tin chiến sự nhưng cải lương vẫn đỏ đèn và đông khách. Đó là vì cải lương không bó mình trong một góc an toàn nào đó, không ôm quá khứ vàng son, mà chuyển mình, lăn vào cuộc sống sôi động.

Còn yếu tố đào kép hát hay, diễn giỏi thì như đã nói, đội ngũ này cần những “ngón độc” mà người khác không có. Muốn vậy, cần phải đào tạo và có môi trường cho nghệ sĩ cọ xát. Riêng với yếu tố khán giả, có thể khẳng định, số người “biết và yêu cải lương” không thể thiếu. Cải lương luôn cần có khán giả ruột và để làm được như vậy, cần chú trọng “giáo dục”. Không thích, không yêu thì làm sao mà đến với cải lương được?

Về đội ngũ làm nghề, TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ: “Đội ngũ làm nghề cải lương hiện nay vừa thiếu vừa thừa!”. Nguyên nhân, một phần do tác động của xã hội, diễn viên dễ dãi coi nghề hát chỉ là công cụ mưu sinh, người trẻ thiếu nhiệt huyết, lớp nghệ sĩ lớn tuổi chấp nhận buông xuôi. Rồi dàn nhạc cổ - linh hồn vở diễn cải lương ngày càng thu hẹp biên chế. Nghệ sĩ hát nhép, thoại nhép… đánh lừa khán giả. Sự thiếu hụt nhân tố mới làm nghề ngay trong cả các mùa hội diễn, liên hoan. Đó là dịp mà đất diễn dành cho hàng loạt những tên tuổi kỳ cựu, dẫn tới tình trạng trùng lắp, rập khuôn.

Điều đáng lo nhất khi nói đến cải lương ở thời điểm này, chính là thiếu khán giả trầm trọng, nhất là công chúng trẻ. Như NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc nhìn nhận: “Không có khán giả, sân khấu cải lương không thể tồn tại và phát triển. Cần có một chính sách lâu dài, bền bỉ và hiệu quả trong việc giáo dục một lớp công chúng cải lương”.

“Thành phố tốn tiền mỗi tuần để phổ biến nhạc dân tộc đến du khách trước Nhà hát Thành phố. Nhưng loại âm nhạc ấy không ăn nhập gì đến âm nhạc của phương Nam. Tại sao không đưa nhạc tài tử ra đó? Tại sao trường học ở các tỉnh Nam bộ không có một giờ mỗi tuần đưa cải lương vào lớp. Không học, không biết thì làm sao mà thích. Không thích thì sao có thể ngồi vài giờ chỉ để coi hết một tuồng cải lương?”, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy đặt câu hỏi.

Muốn chấn hưng cải lương thì phải đầu tư và đầu tư ở đây là từ giáo dục. Phải có trường chuyên dạy những người có lòng và có năng khiếu với cải lương; dạy cách soạn một tuồng cải lương; đờn thì nhấn nhá sao cho mùi, chạy ngón thế nào cho tinh tế, hơi đờn sao cho hấp dẫn. Và trên hết, cần một đến hai trường chuyên nghề cho cải lương ở Nam bộ. “Có học mới biết, còn không biết thì chúng ta không có gì cả, đừng hy vọng”, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy đúc kết.

Rõ ràng, ở xứ Nam bộ, người biết và yêu cải lương không thiếu, nhưng không bền vững, lâu dài. Cải lương 100 năm không thể thoát khỏi quy luật tất yếu của sự phát triển, nếu không có sự thay đổi. Cải lương đã có nền móng 100 năm, tại sao không tiếp tục xây dựng trên những tinh hoa cũ, để làm nó tươi trẻ, hấp dẫn như những ngày mới ra đời? Câu hỏi đó, không chỉ dành riêng cho những người làm nghề.

“Nghị quyết của Đảng đã khẳng định, nền văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi, hiền tài là nguyên khí quốc gia, văn nghệ sĩ là tài sản quý của đất nước, vậy thì Nhà nước hãy đầu tư nguồn lực tương xứng với tài sản quý của quốc gia. Trước hết là cơ sở vật chất, xây dựng nhà hát biểu diễn xứng tầm chuyên nghiệp, không có nhà hát cố định thì nghệ sĩ không có điều kiện sáng tác, dàn dựng và biểu diễn, đối nội, đối ngoại…”.

NSND GIANG MẠNH HÀ

“Chúng ta đang lúng túng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương. Nhà nước phải có phương án mang tính chiến lược: giữ cải lương đúng nguyên gốc, được truyền từ thế hệ này tiếp nối đến thế hệ khác. Nhà nước gìn giữ di sản này bằng cách hợp đồng với nghệ sĩ, đào tạo nghệ sĩ và có những chế độ, chính sách để họ giữ nghề cho Nhà nước. Đừng nghĩ rằng Nhà nước đang nuôi cải lương và những người này đang được bao cấp. Sân khấu cải lương được bao cấp, quan niệm như thế không sòng phẳng. Nhà nước phải quan niệm đây là di sản và tác giả, đạo diễn, diễn viên, kể cả công nhân đang làm công việc gìn giữ di sản cho nhà nước. Như vậy cần phải trả lương tương xứng với công việc ấy”.

NSND TRẦN NGỌC GIÀU

“Cần phải có một chiến lược bền bỉ lâu dài nuôi dưỡng người làm cải lương. Đó là chiến lược tạo ra công chúng cho sân khấu, đồng thời có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn và đạo diễn cải lương. Trước mắt, cần đào tạo những người quản lý, bởi họ cần có những hiểu biết của bầu gánh ngày xưa, biết nắm lấy thời cơ, quy luật thị trường… để duy trì khán giả cho sân khấu và ngược lại để sân khấu nắm bắt thị hiếu khán giả”.

NSƯT TRẦN MINH NGỌC

“Vở diễn có hay, nghệ sĩ có giỏi, kịch bản có tốt mà không có sân khấu thì cũng lụn bại. Tôi nghĩ, Nhà nước muốn cải lương phát triển mạnh hơn thì phải có sân khấu chuyên nghiệp dành cho cải lương, sáng đèn liên tục 5 ngày/tuần. Phải có rạp xây dựng dành cho hoạt động sân khấu truyền thống (không lấy tiền thuê sân khấu, chỉ lấy tiền điện, nước). Ngoài ra, cũng rất cần cải lương phải hiện đại hơn một chút, gần gũi với đời sống hơn một chút, mới có thể tiếp cận công chúng hôm nay, đặc biệt là giới trẻ. Khi đưa sân khấu cải lương vào học đường cũng phải được đầu tư chăm chút tỉ mỉ làm sao để chương trình vừa mang tính giáo dục, vừa tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả trẻ, góp phần đào tạo một lớp khán giả kế thừa”.

NSƯT KIM TỬ LONG

“Trước tình hình sân khấu cải lương heo hút, eo sèo trong hoạt động bảo tồn và phát triển, các đài truyền hình phải góp sức, có giờ phát sóng các vở sân khấu cải lương phù hợp để khán giả có thể xem. Chứ không thể phát cho có vào những giờ khuya lơ khuya lắc (23 giờ khuya, 1 giờ sáng), hoặc trong giờ hành chính, như thế khán giả rất khó thưởng thức các vở diễn. Ngoài ra, cần tăng cường giờ phát sóng với nội dung, hình thức quảng bá nghệ thuật sân khấu cải lương trên các kênh truyền hình giải trí”.

Khán giả MINH THI, đường Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/100-nam-san-khau-cai-luong-tam-mai-vuong-to-xay-nen-mong-tu-nen-mong-566178.html