100 năm cải lương: Trần Đắc Nghĩa, chủ doanh nghiệp bảo trợ sân khấu nghệ thuật

Năm nay là năm kỷ niệm 100 năm thành hình sân khấu cải lương. Chúng ta ghi nhớ công lao và thành tựu của các gánh cải lương như Phước Cương, Trần Đắc, Phụng Hảo và các nghệ sĩ tiên phong như Năm Châu, Phùng Há, Tư Chơi, Năm Phỉ nhưng cũng nên nhớ đến các doanh nhân, nhà công nghiệp dân tộc không những chỉ làm giàu cho mình và xã hội mà còn làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Một trong những người đó là ông Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ, nhà doanh nghiệp tiên phong trong dịch vụ xe chở khách từ Sài Gòn đi miền Tây trong thập niên 1920 và 1930, khi xe hơi bắt đầu vào Nam Kỳ và thay thế dần thuyền bè là phương tiện chở khách chủ yếu thời đó.

Nghệ sĩ Phùng Há bên cạnh radio (sóng bắt gió). Nguồn: L’Asie Nouvelle tháng 3-1933

Cải lương ra đời và phát triển chủ yếu ở Sài Gòn và Mỹ Tho nhưng đến năm 1926 thì ở Cần Thơ xuất hiện gánh cải lương Trần Đắc và chỉ trong vòng vài năm thì ai cũng nghe tiếng. Trong cả thập niên 1930, hai gánh cải lương có tiếng ở Sài Gòn và lục tỉnh là gánh Phước Cương ở Sài Gòn và gánh Trần Đắc. Gánh Trần Đắc do ông Trần Đắc Nghĩa, chủ công ty “Trần Đắc” lập.

Ở Sài Gòn, công ty xe đò chở khách của ông Nghĩa đi tuyến đường Sài Gòn - Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, có trụ sở ở số 214 đường La Grandìere (nay là Lý Tự Trọng). Theo như quảng cáo trên tờ Écho Annamite (ngày 19-2-1929) thì từ ngày 1-10- 1928, hãng xe Trần Đắc có thêm 6 cỗ xe camions phục vụ tuyến đường Sài Gòn - Cần Thơ - Sài Gòn. Mỗi ngày có ba chuyến đi Cần Thơ từ Sài Gòn và ngược lại, mỗi chuyến đi hết năm tiếng đồng hồ. Ở Cần Thơ, ông có nhà hàng khách sạn Trần Đắc, là nơi nghỉ chân cho hành khách từ Sài Gòn đi Cần Thơ trên các chuyến xe đò Sài Gòn - Cần Thơ của công ty. Ngoài ra, ông còn là chủ một nhà máy nước ngọt lemonade và chủ rạp hát chiếu bóng ở Cần Thơ.

Năm 1928, ông Nghĩa xây rạp chiếu bóng hiện đại “Trần Đắc”. Đây là rạp chiếu bóng thứ hai, cạnh tranh với rạp chiếu bóng Casino của ông Léopold (chủ rạp Casino ở Sài Gòn, góc đường Bonard và Pellerin, Lê Lợi và Pasteur ngày nay). Theo Écho Annamite ngày 29-10-1928 thì để cạnh tranh, rạp Casino dùng chuông điện thông báo cho công chúng một giờ trước khi chiếu. Còn tại rạp Trần Đắc, từ lúc 3 giờ trưa đã có đánh trống và chuông quảng bá cho buổi chiếu phim lúc 7 giờ hay 9 giờ tối.

Nghệ sĩ Năm Châu (chân dung do nhà nhiếp ảnh Khánh Ký chụp). Nguồn: L’Asie Nouvelle tháng 3-1933)

Theo tờ Écho Annamite ngày 11-3-1929, để lập ra gánh cải lương Trần Đắc, ông phải bỏ dở công việc nhà hàng - khách sạn Trần Đắc. Lúc này đối diện với nhà hàng - khách sạn của ông là một rạp chiếu phim mới gọi là “Nam thiên hí viện” của ông Lâm Xuyên (tư sản mại bản cho ngân hàng Đông Dương, Banque de l’Indochine chi nhánh Cần Thơ). Có lẽ lúc này ông cũng muốn biến rạp chiếu phim của ông thành sân khấu trình diễn cải lương vì có nhiều sự cạnh tranh với rạp Casino và rạp mới Nam thiên hí viện này. Ông giao cho con rể là Pierre Trương Công Đại làm bầu trông lo gánh cải lương Trần Đắc.

Gánh cải lương Trần Đắc ra mắt công chúng ở Cần Thơ ngày Chủ nhật 19-5-1929 với vở “Héroisme de femme” của soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu). Trong diễn văn ra mắt gánh cải lương Trần Đắc trước khi vở cải lương này được trình diễn, ông Trần Đắc Nghĩa cho biết ông lập gánh để cải tiến nghệ thuật cải lương và tiếp nối những gánh cải lương đi trước đó như Văn-hí-ban, Tập-ích-ban, Tân Thịnh, Phước Cương, Huỳnh Kỳ... (Écho Annamite ngày 22-5-1929).

Lúc này cũng có gánh Huỳnh Kỳ của Bạch công tử Lê Công Phước. Khi gánh Huỳnh Kỳ tan rã vào năm 1932 do hôn nhân giữa Bạch công tử và Phùng Há bị đổ vỡ thì Phùng Há và nhiều nghệ sĩ phải bỏ đi qua các gánh khác như gánh Trần Đắc. Như vậy, từ năm 1932, ngoài gánh Phước Cương có cô Năm Phỉ thì gánh Trần Đắc quy tụ hầu như tất cả các nghệ sĩ danh giá của cải lương. Gánh Trần Đắc đã đi trình diễn ở nhiều nơi, kể cả Sài Gòn. Báo Saigon (ngày 6-12-1933) có đăng quảng cáo của gánh cải lương Trần Đắc ở rạp Modern-Cinéma rất thi vị như sau (nguyên văn):

“Đêm 6 Décembre là đêm gì?

Đêm gánh Trần-Đắt sẽ hát giúp anh em thất nghiệp hội Association mutuelle des employé des Hotels de Cochinchine.

Đêm ba vị Ngự Lâm pháo thủ sẽ trỗ tài.

Đêm cho ta biết oai quyền của đức Hồng-Y giáo-chủ

Đêm mà cô 7 Phùng-Há và thầy năm Châu sẽ trỗ tài tại rạp Modern-Cinéma.

Đêm mà anh em châu thành Saigon Cholon nên bỏ chút thì giờ trước mua vui sau làm nghỉa”.

Gánh cải lương Trần Đắc ở Cần Thơ từng được hội thể thao “Khanh Hoi Sport” mời trình diễn vở cải lương “Tội của ai ?” của soạn giả Năm Châu để gây quỹ cho hội vào ngày 10-8-1930. Năm Châu cũng đóng một trong các vai chính của vở này (Echo Annamite, 6-8-1930, A11, N1556). Đây là một vở cải lương có đề tài xã hội đương thời, được gọi là cải lương xã hội. Trước đó, ngày 30-5-1929, tại Nhà hát lớn Sài Gòn, gánh cải lương Trần Đắc đã diễn vở ăn khách này. Việc diễn cải lương để gây quỹ cũng từng diễn ra, như vào ngày 4-6-1929, để gây quỹ xây khán đài cho Ủy ban liên hội thể thao An Nam (Commission Interclub Annamite) (Écho Annamite ngày 31-5-1929).

Tạp chí L’Asie Nouvelle (tháng 3- 1933) có đăng bài nói gánh cải lương Trần Đắc là gánh đầu tiên được quay lên phim ảnh.

Năm 1935 xảy ra khủng hoảng kinh tế, đời sống dân tình và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có công ty Trần Đắc. Đến năm 1936 thì gánh Trần Đắc tan rã, nhiều nghệ sĩ nhập với gánh Phước Cương. Từ đấy chúng ta không nghe về ông Trần Đắc Nghĩa nữa.

Nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương từ thuở ban đầu đã được các nhà tiên phong doanh nghiệp đỡ đầu. Nam Trung khách sạn ở số 4 đường Amiral Krantz (nay là Hàm Nghi), sát tòa soạn báo Lục Tỉnh Tân Văn (6 Amiral Krantz) và kế trạm xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn - Mỹ Tho ở đầu đường Amiral Krantz cạnh bến Bạch Đằng, cơ sở đầu tiên của phong trào Minh Tân, khai trương ngày 15-11-1907, do ông Trần Chánh Chiếu làm giám đốc, có trình diễn đờn ca tài tử giúp vui cho khách từ chiều tối.

Sau này, ông Nguyễn Phong Cảnh, chủ nhân Phong cảnh khách lầu trên đường Filippini (nay là Nguyễn Trung Trực) và nhà hàng - khách sạn Cửu Long (góc rue Poulo Condor, sau là Aviateur Garros, nay là Thủ Khoa Huân và rue d’Espagne, nay là Lê Thánh Tôn), cũng tổ chức các nhóm đờn ca tài tử giúp vui thập khách, trong đó có nhóm đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều từ Mỹ Tho.

Nguyễn Đức Hiệp

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275429/100-nam-cai-luong-tran-dac-nghia-chu-doanh-nghiep-bao-tro-san-khau-nghe-thuat-.html