100% dân nông thôn Hà Nội được dùng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh

Hết quý I/2019, trên địa bàn thành phố có tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%.

Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn thành phố có tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%, trong đó có trên 55,5% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, trong đó huyện Hoài Đức (91%), Quốc Oai (82%), Thạch Thất (81%), Thanh Trì (78%), Gia Lâm (75,4%).

Hà Nội cũng đặt mục tiêu năm 2019 có 75% người dân nông thôn được dùng nước sạch. Và đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 100%.

Với nỗ lực của Hà Nội, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn này đang dần tăng. Việc tiếp tục mở rộng mạng lưới nước sạch, mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch được các chuyên gia cho là không khó đạt.

Tại triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam diễn ra vào ngày 30.5, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, Hà Nội đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn và tiền đề phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam rất rộng mở.

Được biết, nước hợp vệ sinh là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Nước hợp vệ sinh có thể là nước mưa được trữ trong các thiết bị dự trữ, hoặc là nguồn nước mặt được bơm lên sau đó đưa vào bồn chứa và truyền dẫn đến người dân sử dụng, hoặc là nước từ các công trình nước sinh hoạt tập trung,..

Còn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người (viết tắt là nước sạch) đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT do Bộ Y tế ban hành.

Theo các chuyên gia về môi trường, nước hợp vệ sinh có thể được đánh giá bằng cảm tính. Còn với nước sạch thì phải kiểm định dựa vào thiết bị thí nghiệm theo QCVN 01-1:2018/BYT do các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân thực hiện.

Với định nghĩa về nước sạch như đã nêu trên, để có nước sạch theo đúng QCVN 01-1:2018/BYT thì nguồn nước không bị ô nhiễm và phải có dây chuyền công nghệ xử lý nước phù hợp với từng nguồn nước. Sau đây là 02 dây chuyền xử lý nguồn nước ngầm và nước mặt được sử dụng phổ biến:

Với nguồn nước ngầm:

Với nguồn nước mặt

Theo các chuyên gia, nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, rửa rau, vo gạo... Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày. Nước sạch không chỉ là trong, không màu, không mùi, không vị mà còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.

Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp… Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư.

Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả… Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/100-dan-nong-thon-ha-noi-duoc-dung-nuoc-sinh-hoat-dam-bao-ve-sinh-d99599.html