100% container hàng hải sản xuất khẩu sang EU bị kiểm tra 'nguồn gốc' vì Thẻ vàng

100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, với chi phí kiểm tra 'nguồn gốc' khoảng 500 bảng Anh/container vì Thẻ vàng.

Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.

Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố những con số về tổn thất của hải sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, hệ lụy của việc bị dính Thẻ vàng trong suốt thời gian qua. Thông tin được nêu cụ thể trong Tài liệu về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam.

Theo VASEP, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị Thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Việc kiểm tra sẽ khiến thời gian vận chuyển mất thêm thời gian, thậm chí tới 3-4 tuần/container.

Chi phí cho kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.

Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.

VASEP cảnh báo, nếu không được gỡ bỏ, việc nhận Thẻ vàng từ EC sẽ gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU của Việt Nam, sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.

Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU đã chịu tổn thất nặng nề và đang tiếp tục phải đối mặt từ khi dính Thẻ vàng từ EU.

Sau 2 năm EC cảnh báo Thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và gần 372 triệu USD trong năm 2019 (giảm 5% so với năm 2018). So với năm 2017, xuất khẩu hải sản sang EU năm 2019 giảm 10,3%, trong đó giảm sâu nhất là mực, bạch tuộc (-37%).

Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau Thẻ vàng, thị trường EU đã xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. Thẻ vàng đã tác động xấu và trực tiếp tới xuất khẩu hải sản. Nhiều khách hàng truyền thống của thủy sản Việt Nam tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định chống khai thác IUU của EC nên giảm hoặc ngừng nhập khẩu hải sản của Việt Nam.

Thẻ vàng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của EC và nguy cơ Thẻ đỏ đã, đang tiếp tục là một thách thức lớn của ngành thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung, VASEP nhận định.

Giải quyết được khó khăn, tồn tại này, mặt khác, cũng là thực hiện được mục tiêu lâu dài của Việt Nam trong việc tổ chức lại ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế.

Tính đến hết năm 2019 có 26 quốc gia đã bị EC áp dụng hình thức phạt thẻ, trong đó, 3 nước bị áp dụng Thẻ đỏ (Campuchia, Comoros, Saint Vincent & Grenadines); 07 nước bị Thẻ vàng (Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Sierra Leone, Trinidad and Tobego, Tuvalu và Việt Nam).

Hiện, Việt Nam hiện đang ở trong danh sách 07 quốc gia nhận Thẻ vàng. Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động khai thác IUU, công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt là chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC.

Mục tiêu trong thời gian của Việt Nam là đáp ứng đủ điều kiện của EU để được gỡ Thẻ vàng, tránh việc nhận Thẻ đỏ, gây bất lợi lớn cho kinh tế thủy sản nói riêng và cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/100-container-hang-hai-san-xuat-khau-sang-eu-bi-kiem-tra-nguon-goc-vi-the-vang-d123405.html