100 câu chuyện trẻ em VN qua ảnh

Đây là bé Hân bên những trái điều chín mọng, còn đây là Thiết và tấm lưới đánh cá giữa lòng hồ mênh mông, kia bé Ngà cùng nàng Elsa nhặt được trên đồi rác... Cuộc sống của những đứa trẻ lam lũ nhưng trong trẻo được khắc họa đầy cảm xúc dưới tay máy Đinh Chí Trung vốn là một kỹ sư nông nghiệp.

Bé Ngà qua ống kính của Trung - Ảnh: Đinh Chí Trung

Cái nhìn đồng cảm và thấu hiểu với trẻ thơ

Đinh Chí Trung (30 tuổi, quê Bình Phước) từng tốt nghiệp ngành nông học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Đi làm được một năm, Trung chuyển hướng sang học thiết kế đồ họa. Trong ngành học này có môn nhiếp ảnh. Càng học, Trung càng cảm thấy nhiếp ảnh mang đến những điều vô cùng thú vị. Những bức ảnh nghệ thuật đầu tiên mà Trung chụp, chính là cháu gái của mình.

Dự án ảnh "100 câu chuyện trẻ em VN" mà Trung đang thực hiện, được manh nha từ lời khuyến khích của đồng nghiệp cách đây mấy năm. Lúc đó, Trung đang làm cho một công ty về thiết kế đồ họa. Thấy Trung chụp hình trẻ em rất đẹp, một nữ đồng nghiệp nói “hay là anh Trung đi khắp nước chụp trẻ em đi”. Khi công ty này gặp khó khăn, Trung nghỉ làm và về quê. Trong lúc rảnh rỗi, nhớ lại lời đồng nghiệp, Trung bắt đầu ấp ủ ý tưởng và hăm hở lên kế hoạch.

Đó là một dự án kể về cuộc sống chân thực của những đứa trẻ ở khắp nơi trên đất nước, qua từng nét sinh hoạt hoàn toàn tự nhiên hằng ngày. Qua dự án này, Trung mong muốn cộng đồng sẽ có cái nhìn đồng cảm và thấu hiểu hơn đối với trẻ thơ - lứa tuổi trong trẻo mà ai cũng đã từng đi qua và ai cũng từng có nỗi “khổ tâm” vì chưa được người lớn thấu hiểu. Bên cạnh đó, khi xem, ai cũng sẽ tìm thấy hình ảnh hồn nhiên, đáng yêu, bình yên ngày nào của chính mình.

Bé Hân dưới vườn điều - Ảnh: Đinh Chí Trung

Những khoảnh khắc cảm động

Thật bất ngờ khi tất cả những đứa trẻ mà Trung gặp để thực hiện cho các bộ sưu tập, đều rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. “Chính sự khó khăn, thiếu thốn đó làm nên những khoảnh khắc sinh động và cảm động. Các bé phải phụ giúp cha mẹ khi còn rất nhỏ, nhưng dù vất vả thế nào, vẫn luôn cười thật tươi và ánh mắt trong sáng vô ngần”, Trung cho biết. Từ đầu năm đến nay, Trung đã thực hiện được 5 bộ ảnh cho dự án này.

Vốn là người nhút nhát và hiền lành, Trung tự thấy công việc chụp ảnh này vô cùng phù hợp với cá tính của mình.

Trung lang thang qua rất nhiều nơi để tìm kiếm nhân vật. Ở bộ ảnh đầu tiên, Trung đi Sóc Trăng và may mắn tìm được bé Hân. Năm nay Hân mới 4 tuổi nhưng đã theo ba mẹ đi làm công. Những bức ảnh kể lại cuộc sống của một em bé lần đầu tiên rời xa quê hương của mình, từ đồng bằng lên vùng núi hoang vu. Hằng ngày bé tha thẩn dưới vườn điều, chơi bên những quả điều chín mọng. Hay ở bộ ảnh thứ 2, là câu chuyện về bé Thiết “định cư” tại một lòng hồ lớn thuộc tỉnh Bình Phước. “Gia đình Thiết không có đất, họ sống trong một ngôi nhà nổi giữa lòng hồ, ngôi nhà bé nhỏ bằng tre, trôi nổi theo con nước. Phần lớn mọi người trong đại gia đình làm nghề đánh cá, vì vậy tấm lưới trên tay em là vật dụng rất đỗi thân thuộc, là một phần tuổi thơ của em ấy”, Trung xúc động kể.

Đinh Chí Trung - Ảnh: Việt Cường

Nhưng câu chuyện gây cho Trung nhiều ấn tượng và xúc động nhất là bé Ngà ở Phú Quốc. Trong một lần đi lang thang ở làng chài tìm kiếm nhân vật nhưng mãi không thấy, đang chuẩn bị về thì có 2 bé gái xin Trung quá giang. Chở các bé về đến nhà, Trung quá bất ngờ khi “nhà” nằm ngay trên bãi rác khổng lồ. Trung đã ở lại chơi với các bé một ngày để lên ý tưởng cho bộ ảnh. Có lẽ, bức hình Ngà ôm búp bê Elsa ngồi giữa bãi rác mênh mông, mắt ánh lên niềm hân hoan và hạnh phúc của một đứa trẻ khốn khó vừa được bãi rác tặng một món quà, gây ấn tượng mạnh cho cảm xúc. Ngà đã có rất nhiều đồ chơi lượm được từ bãi rác đó.

Được làm trẻ thơ một lần nữa

Đi qua nhiều vùng đất, tiếp xúc với nhiều đứa trẻ, Trung cảm thấy mình như được sống lại tuổi thơ một lần nữa. “Những ánh mắt, nụ cười và tâm tư, tình cảm của các bé làm mình rung động. Khi trưởng thành rồi, con người phải lo toan cuộc sống, đánh mất đi những điều tốt đẹp của tuổi thơ và quên rằng ngày xưa mình đã có những ước mong gì. Một trong những ước mong đó là được người lớn thương yêu, đồng cảm”, Trung chia sẻ.

Từ nay đến cuối năm, Trung sẽ tiếp tục đi Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa… để thực hiện các bộ ảnh tiếp theo. Được biết, toàn bộ chi phí cho dự án Trung đều tự túc, nhờ vào thu nhập từ tiệm ảnh nhỏ ở Bình Phước. Hỏi liệu Trung có đủ tiềm lực để thực hiện được tới 100 bộ ảnh hay không, thì Trung cho biết đến lúc nào đó nếu quá khó khăn, có thể Trung sẽ kêu gọi tài trợ để duy trì và phát triển dự án.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/100-cau-chuyen-tre-em-vn-qua-anh-1010258.html