Biden sẽ 'nói đi đôi với làm': Quyết không làm bạn và phải vượt xa Trung Quốc?

Cuộc cạnh tranh nhằm chi phối thế giới khiến chính quyền ông Biden coi Trung Quốc là kẻ thù chiến lược chứ không phải một đối tác hay người bạn tiềm năng của Mỹ.

Căn nguyên khiến chính quyền Biden quyết chống Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden nhậm chức với lời hứa sẽ nhanh chóng khôi phục và sửa chữa mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại thế giới, nhưng duy nhất một quốc gia vẫn chưa chứng kiến bất kỳ nỗ lực cải thiện mối quan hệ nào từ Mỹ, đó là Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Getty

Ảnh minh họa: Getty

Từ Iran cho tới Nga, từ châu Âu cho tới Mỹ Latin, Tổng thống Biden đang tìm cách làm giảm căng thẳng vốn gia tăng trong 4 năm ông Donald Trump làm Tổng thống. Tuy nhiên, không có động thái thương lượng nào được đưa ra với Bắc Kinh.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã dừng những cuộc đấu khẩu và các thông báo trừng phạt mới nhằm vào Trung Quốc, vốn đã quá quen thuộc dưới thời Tổng thống Trump, nhưng các quan chức Mỹ hiện nay chưa có ý định giảm bớt các động thái nhằm chống lại Bắc Kinh.

Tình trạng thù địch âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay có thể dẫn dến một vài hệ quả. Washington và Bắc Kinh là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là 2 nước có mức phát thải khí nhà kính lớn nhất. Sự đối đầu giữa 2 nước lớn này đã làm phức tạp thêm những nỗ lực của toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Lập trường cứng rắn của ông Biden có nguyên nhân sâu xa từ sự cạnh tranh quyền lực toàn cầu nhưng cũng là kết quả từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, khi mà ông Trump và các đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ nhiều lần tìm cách khắc họa ông Biden như một người “mềm yếu” với Bắc Kinh.

Vì thế, trong tháng đầu tiên khi nhậm chức, Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tiến hành nhiều động thái nhằm vào Trung Quốc, từ vấn đề nhân quyền cho tới việc bác bỏ những yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông.

Chính quyền mới cũng không có dấu hiệu cho thấy họ sẽ dỡ bỏ các biện pháp thuế quan hay các lệnh hạn chế với các nhà ngoại giao, nhà báo và học giả Trung Quốc được đưa ra dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Tổng thống Biden cũng xem xét nghiêm túc những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu qua công nghệ viễn thông, mạng xã hội, trao đổi văn hóa và giáo dục.

Không làm bạn hay đối tác, chỉ là kẻ thù

Ứng viên mà ông Biden đề cử cho vị trí người đứng đầu CIA - William Burns đã đặc biệt bày tỏ lo ngại về những vấn đề trên ngày 3/3. Đại sứ mới được bổ nhiệm của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cũng nhấn mạnh sẽ đối phó với những nỗ lực gây sức ép lên các quốc gia khác của Trung Quốc.

Nguyên nhân phía sau đã rất rõ ràng: Mỹ tin rằng nước này và Trung Quốc đang ở trong một cuộc cạnh tranh nhằm chi phối thế giới và không bên nào sẵn sàng rút lui.

Trung Quốc đã một số lần hy vọng rằng Tổng thống Biden sẽ đảo ngược những hành động của chính quyền Tổng thống Trump, điều mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho là "gây ra sự hủy hoại không thể đong đếm được trong quan hệ 2 nước".

Những bình luận trên được đưa ra sau một bài phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, theo đó yêu cầu chính quyền ông Biden dỡ bỏ các hạn chế về thương mại và giao lưu nhân dân giữa 2 nước, cũng như dừng các hành vi mà Bắc kinh coi là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước này trong các vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và Tân Cương.

Tuy nhiên, lập trường chống Trung Quốc của Mỹ vẫn không dừng lại. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết sẽ sử dụng mọi công cụ quyền lực có thể để kiềm chế điều mà nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa cho là mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc với các lợi ích và giá trị của Mỹ trong cũng như ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Họ cũng nhiều lần nhắc lại việc Trung Quốc là một kẻ thù chiến lược chứ không phải một đối tác hay một người bạn tiềm năng của Mỹ, đồng thời cho rằng Mỹ phải "cạnh tranh để vượt lên" Trung Quốc.

"Cạnh tranh để vượt Trung Quốc là điều then chốt với an ninh quốc gia của chúng ta trong những thập kỷ tới", ông Burns nhận định, đồng thời cho rằng, Trung Quốc là một trở ngại ghê gớm khi nước này sẵn sàng tăng cường năng lực đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, bắt nạt các nước láng giềng, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và xây dựng vị thế trong xã hội Mỹ.

"Đối với tôi, thật khó để thấy mối đe dọa cũng như thách thức nào với Mỹ trong thế kỷ 21 lớn hơn Trung Quốc. Đây là phép thử địa chính trị lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt", ông Burns đánh giá.

Danny Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định, ông Biden "đang gửi đi những thông điệp cho thấy ông ấy sẽ không mềm yếu với Trung Quốc, không ngây thơ trước Trung Quốc và không quá vội vàng đạt được đột phá về vấn đề biến đổi khí hậu để đánh đổi các lợi ích an ninh quốc gia".

Các học giả Trung Quốc cũng nhận thấy hầu như có rất ít sự khác biệt trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden so với cựu Tổng thống Trump.

Yu Wanli, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh cho rằng hiện nay, ông Biden sẽ phải đối phó với một Trung Quốc mạnh mẽ hơn và có tầm ảnh hưởng hơn so với những chính quyền Mỹ trước đó./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: AP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/biden-se-noi-di-doi-voi-lam-quyet-khong-lam-ban-va-phai-vuot-xa-trung-quoc-840727.vov