10 tên lửa S-200 Syria không hạ được 1 tiêm kích F-16 Israel

Mặc dù lực lượng phòng không Syria đã đáp trả mạnh mẽ cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Israel, nhưng mọi nỗ lực của họ đều chưa mang lại kết quả.

Không quân Israel mới đây lại thực hiện cuộc tấn công vào các mục tiêu trên đất Syria, họ vẫn sử dụng chiến thuật cũ đó là phóng tên lửa hành trình tầm xa Delilah từ trên không phận quốc gia láng giềng Lebanon.

Tuy nhiên khác với những lần trước, trong nhiệm vụ mới đây, các máy bay chiến đấu F-16I Sufa của Không quân Israel đã phải hứng chịu đòn đáp trả trực tiếp từ quân đội chính phủ Syria (SAA) thông qua hệ thống tên lửa tầm xa S-200 Angara.

Mặc dù vậy, hiệu quả của tên lửa phòng không Syria là rất thấp, theo số liệu được chính quyền Tel Aviv cung cấp thì có tới 9 trên tổng số 10 quả đạn đánh chặn đã mất mục tiêu và tự hủy, trong khi quả còn lại bay theo quán tính và rơi trong đất Israel.

“Dựa trên kết quả điều tra vừa được Tel Aviv công bố một phần, lực lượng phòng không Syria đã bắn 10 tên lửa hạng nặng S-200 vào máy bay chiến đấu F-16 của họ nhưng không gây ra bất cứ thiệt hại nào".

"Hầu hết các tên lửa S-200 đều tự hủy khi không gặp mục tiêu, đây rõ ràng là kết quả từ các biện pháp đối kháng điện tử, được biết đạn đánh chặn có cơ chế tự phát nổ nếu nó bắn trượt, ngoại trừ duy nhất một quả gặp lỗi".

"Quả tên lửa này đã lên tới độ cao khoảng 12 km, sau đó bắt đầu rơi xuống phần lãnh thổ phía Nam đất nước. Ở giai đoạn này, Bộ tư lệnh phòng không Israel phải quyết định có phóng tên lửa đánh chặn hay không".

"Nhưng tên lửa đánh chặn được bố trí cách xa đường bay của S-200 và sẽ không thể đến kịp, ngoài ra ước tính xác suất thành công trong việc đánh chặn là dưới 50% nên không có phản ứng đưa ra", trang NZIV cho biết sau khi trích dẫn các nguồn trong Bộ Quốc phòng Israel.

Giải thích cho tình trạng 10 tên lửa được phóng đi mà không hạ nổi chiếc F-16 nào, ngoài lý do các tổ hợp S-200 của Syria đã rất lạc hậu, hiệu quả chế áp điện tử không theo kịp môi trường tác chiến hiện đại thì còn một nguyên nhân khác rất quan trọng.

Đạn tên lửa 5V28E của S-200 có kích thước rất lớn với trọng lượng 7,1 tấn; chiều dài 10,8 m; mang theo đầu đạn nặng 217 kg (chứa bên trong 16.000 mảnh văng loại 2 gram và 21.000 mảnh nhỏ 3,5 gram) cho bán kính sát thương rất rộng và vươn tới cự ly 240 km.

Tuy vậy khả năng cơ động của đạn 5V28E lại rất hạn chế vì Liên Xô chế tạo ra nó nhằm tiêu diệt đối tượng là máy bay ném bom chiến lược tầm xa kích thước khổng lồ, hoạt động ở độ cao lớn của Mỹ.

Gặp phải địch thủ là tiêm kích F-15I Ra'am hay F-16I Sufa tối tân có diện tích phản xạ radar nhỏ, tính năng thao diễn cực kỳ linh hoạt, được tích hợp những khí tài tác chiến điện tử tối tân thì S-200 tỏ ra rất yếu thế.

Đài radar cảnh giới kiêm chiếu xạ 5N62 đã lạc hậu của tổ hợp S-200 rất khó dẫn bắn hiệu quả cho đạn 5V28E khi tiêu diệt các mục tiêu bay thấp và còn lợi dụng địa hình địa vật để tấn công.

Tuy vậy việc Quân đội Syria bắt đầu tấn công thẳng vào tiêm kích Israel cho thấy thông tin trước đó về việc Nga cho phép đồng minh đánh trả tiêm kích Israel ngay trên bầu trời quốc gia láng giềng là đáng tin cậy.

Nhưng để tăng hiệu quả, phòng không Syria sẽ phải huy động tới các tổ hợp S-300PMU-2 Favorit trang bị đạn đánh chặn 48N6E3 tối tân hơn nhiều mới mong có thể bắn rơi tiêm kích Israel trên bầu trời Lebanon.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-10-ten-lua-s-200-syria-khong-ha-duoc-1-tiem-kich-f-16-israel-post464938.antd