10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020

Một năm 2020 đầy căng thẳng, lo âu và bất thường đã kết thúc. Rõ ràng, với những diễn biến trên khắp thế giới, 2020 là một năm không ai muốn nhớ đến nhưng chắc chắn cũng sẽ chẳng thể nào quên, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến toàn thế giới chao đảo. Qua một năm đầy biến động và quá nhiều bất ổn, thế giới đón chào một Năm mới 2021 với nhiều niềm tin và hy vọng. Dưới đây là 10 sự kiện, vấn đề nổi bật của thế giới năm 2020 do Báo Công an TP Đà Nẵng bình chọn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

1. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công của Việt Nam

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã góp phần triển khai một cách hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, giúp Việt Nam tạo thế đứng vững chắc trong ASEAN và trong khu vực... Nhìn lại năm 2020, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét. Sự kiện đặc biệt gây chú ý trong năm qua là ngày 15-11, sau 8 năm đàm phán, 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.

Bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19 tại Central Park ở New York, Mỹ.

2. Đại dịch Covid-19 bùng phát

Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới. Cho đến nay, đã có gần 80 triệu người mắc bệnh và hơn 1,7 triệu người tử vong. Đại dịch đã đẩy nhiều quốc gia lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống kinh tế-xã hội, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp của con người, buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Các quốc gia đã nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian ngắn, làm thắp lên tia hy vọng trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh. Nhưng đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh.

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 thu hút con số kỷ lục 160 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu.

3. Bầu cử tổng thống bất thường ở Mỹ

Cuộc bầu cử năm nay rất được chờ đợi, vì vậy thu hút con số kỷ lục 160 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu dưới nhiều hình thức, trong đó có bỏ phiếu qua thư do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden của đảng Dân chủ đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Cùng với đó, bà Kamala Harris cũng trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã gần 2 tháng trôi qua, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vẫn chưa thật sự chính thức ngã ngũ. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, vốn đã thua phiếu phổ thông, phiếu đại cử tri và cả 59 phiên tòa tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử trước đối thủ Joe Biden, nhưng ông Trump xem ra vẫn chưa bỏ cuộc. Với cục diện hiện nay, 2020 được đánh giá là cuộc bầu cử bất thường nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Biển người xuống đường thương tiếc tướng Iran Qasem Soleimani, phản đối Mỹ.

4. Chuyển dịch “bàn cờ” Trung Đông

“Chảo lửa” Trung Đông bùng nổ với vụ tướng số 1 của Iran, Qasem Soleimani bị sát hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq ngày 3-1-2020, vài ngày sau khi những người biểu tình ủng hộ Iran vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Vụ ám sát làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran và thậm chí đẩy cả hai đến gần bờ vực chiến tranh. Căng thẳng hai bên tiếp tục gia tăng vào tháng 11 sau khi nhà khoa học hạt nhân được coi là “cha đẻ” bom hạt nhân của Iran - ông Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát. Tehran đã đổ trách nhiệm cho phía Tel Aviv. Tuy nhiên, Israel liên tục phủ nhận cáo buộc đó. Mối hằn thù Iran-Israel càng gia tăng khi Tel Aviv đạt được nỗ lực bình thường hóa quan hệ với một loạt nước Arab như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, Morocco... và có thể cả Saudi Arabia.

Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời EU sau 4 năm trưng cầu dân ý về Brexit.

5. Anh rời EU

Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - vào ngày 31-1 sau 4 năm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lịch sử năm 2016. Theo đó, từ ngày 31-1-2020, Anh chính thức rời khỏi EU và bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31-12-2020. Cuộc “ly hôn” sau 47 năm gắn bó này đang làm bùng lên nhiều tranh cãi, nhất là trong bối cảnh thế giới đang thay đổi do đại dịch Covid-19 khi nó được dự đoán sẽ làm thay đổi các mối quan hệ với khối trong mọi lĩnh vực, bao gồm các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, an ninh... Hiện, London và Brussels cũng đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit khi Anh chuẩn bị rời khỏi thị trường chung Châu Âu và các liên minh thuế quan vào ngày 1-1-2021. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, việc Anh hoàn tất “ly hôn” khiến London bị cô lập vào thời điểm mà con đường phía trước có vẻ nguy hiểm và khó khăn hơn trước đây rất nhiều.

Hiện trường vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut, Lebanon.

6. Vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Lebanon

Ngày 4-8, khu vực cảng ở thủ đô Beirut của Lebanon chấn động kinh hoàng bởi vụ nổ lớn đáng sợ, vốn phá hủy phần lớn khu cảng Beirut và tàn phá nhiều khu vực thuộc thủ đô Lebanon, khiến hơn 200 người thiệt mạng và ít nhất 6.500 người bị thương. Nguyên nhân vụ nổ do lượng lớn ammonium nitrate - hợp chất gây nổ vốn đã bị chính phủ thu giữ vài năm trước được chứa trong kho. Vụ nổ đã tàn phá nền kinh tế nước này cũng như uy tín của chính phủ.

Một ngôi nhà ở Nagorno-Karabakh bị phá hủy do trúng tên lửa.

7. Bùng nổ chiến sự Armenia - Azerbaijan

Các cuộc giao tranh ác liệt giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ tại khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh vào ngày 27-9 và kéo dài trong vòng 45 ngày. Cuộc chiến đã khiến hơn 5.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng và làm leo thang nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực. Khu vực Nagorno-Karabakh nằm trong đường biên giới của Azerbaijan và được quốc tế công nhận, nhưng hầu hết người dân sinh sống ở đây là người gốc Armenia. Chiến sự tạm lắng sau khi hai bên ký thỏa thuận đình chiến do Nga làm trung gian từ rạng sáng 10-11.

Mỹ liên tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong năm 2020.

8. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang

“Cuộc chiến” không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trong năm 2020. Từ “cuộc chiến” thương mại đầy kịch tính khi hai bên liên tiếp áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu của nhau đến những cạnh tranh diễn ra toàn diện ở mức cao hơn trên các lĩnh vực ngoại giao, sở hữu trí tuệ, quân sự và cả những động thái ở khu vực biển Đông đang tranh chấp.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX rời khỏi vệ phóng.

9. Cty tư nhân đầu tiên đưa người lên vũ trụ

Sau gần 2 thập kỷ nỗ lực, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã trở thành tập đoàn tư nhân đầu tiên trên thế giới đưa người lên quỹ đạo khi vào ngày 31-5 đã thực hiện phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon chở hai phi hành gia của NASA lên Trạm vũ trụ (ISS). Đây là lần đầu tiên đưa Mỹ người thành công lên ISS sau gần 1 thập kỷ. Trước đó, năm 2011, NASA đã ngừng hoạt động tàu con thoi và từ đó Mỹ phải thuê Nga đưa các phi hành gia lên vũ trụ với giá lên tới 90 triệu USD/người. Sau đó, hồi tháng 16-11, SpaceX lại phóng thành công tên lửa thứ hai cho NASA, đưa tàu vũ trụ Crew Dragon với phi hành đoàn 4 thành viên lên ISS.

Cảnh vắng vẻ đìu hiu do dịch Covid-19 tại Chicago, Mỹ.

10. Kinh tế thế giới suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II

Trong năm 2020, cùng với những diễn biến tiêu cực trên thị trường thế giới, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu ước giảm 4,4%. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch Covid-19 khiến thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp phá sản khắp thế giới, đặc biệt trong ngành hàng không, du lịch và bán lẻ. Thị trường toàn cầu đã có những phiên dao động đi vào lịch sử như: giá dầu ngọt nhẹ New York xuống mức thấp chưa từng có: âm 40 USD/thùng, giá vàng lần đầu vượt 2.000 USD/ounce...

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_236807_10-su-kien-quoc-te-noi-bat-nam-2020.aspx