10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2018 do giáo viên bình chọn

Hy vọng sang năm 2019 ngành giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ, những điều tốt đẹp sẽ phát huy, không lặp lại những chuyện buồn, những thị phi trong năm 2018.

LTS: Năm 2018 đã đi đến ngày những ngày cuối cùng, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục với rất nhiều những sự kiện được báo chí đặc biệt quan tâm khiến chúng ta suy ngẫm nhiều điều.

Hôm nay, thầy giáo Nhật Khoa gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam 10 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm qua do chính thầy nhìn nhận và đánh giá.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hi vọng tiếp tục nhận được bình chọn của độc giả về những sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2018 vừa qua.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết bình chọn của thầy Nhật Khoa.

Dưới góc độ là một nhà giáo, nhân dịp cuối năm 2018, tôi xin được chia sẻ góc nhìn về bức tranh sáng, tối và cũng được xem là điểm nhấn nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2018.

Hy vọng sang năm 2019 ngành giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ, những điều tốt đẹp sẽ phát huy, không lặp lại những chuyện buồn, những thị phi trong năm 2018.

Thầy giáo vùng cao tận tình dạy chữ cho các em học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN).

Tôi cho rằng trong năm 2018 có 10 sự kiện giáo dục nổi bật như sau:

Một là: kết quả cao trong kỳ thi quốc tế

Về mảng sáng của giáo dục trong năm qua chắc chắn phải kể đến kết quả thi học sinh giỏi quốc tế trong năm qua.

Học sinh Việt Nam đạt 38 học sinh giỏi Olympic khu vực và quốc tế trong đó có 13 Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc, 11 Huy chương đồng.

Việt Nam đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 19. Cả 8/8 sinh viên Việt Nam tham dự đều có huy chương; có 23 học sinh đạt giải cao trong kỳ thi Olympic Quốc tế và cuộc thi Khoa học kỹ thuật đạt 8 Huy chương vàng, 8 Huy chương bạc và 7 Huy chương đồng…

Với thành tích trên, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Huân chương hạng III cho một số em, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tặng nhiều bằng khen ghi nhận công lao và sự nỗ lực không ngừng của các em đạt thành tích cao trong các kỳ thi trên.

Năm 2018 rõ ràng là năm thành công của học sinh, sinh viên Việt Nam trong các cuộc thi khu vực và quốc tế, chứng tỏ công tác bồi dưỡng học sinh mũi nhọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng đắn.

Qua đó khẳng định với thế giới rằng, học sinh Việt Nam có nhiều nỗ lực, tiềm năng, các em là niềm tự hào dân tộc, các em đã cho thế giới biết rằng dù đất nước mình còn nhiều khó khăn nhưng chính các em đã khiến thế giới nể phục với những thành tích đáng nể trên.

Theo đánh giá của tác giả đây chính là điểm sáng nhất của giáo dục Việt Nam trong năm qua.

Hai là: hình ảnh “rớt nước mắt” của giáo viên gieo chữ vùng cao

Trong năm học qua, nhất là dịp đầu năm học 2018 – 2019, hình ảnh các giáo viên phải trèo đèo, lội suối, băng rừng trên những con đường lầy lội trơn trợt, dốc đá gập ghềnh…trong ngày giáo viên trở lại trường dạy học, muốn mang con chữ đến cho học trò nghèo, khó khăn ở vùng cao, khó khăn là những hình ảnh xúc động về sự yêu nghề, yêu trẻ.

Bên cạnh đó, hình ảnh các giáo viên đu dây hay chui vào túi nylon qua sông để đến được trường dạy học cho các em học sinh, để nuôi tiếp ước mơ, hy vọng.

Họ đã không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để mong cho các em được học con chữ, để trở thành người tốt cho xã hội, xóa mù chữ, gieo yêu thương, gieo lòng nhân ái.

Họ chính là những tấm gương sáng nhất trong giai đoạn hiện nay, rất mong Bộ Giáo dục và các ban ngành dành sự quan tâm, hỗ trợ tối đa về điều kiện vật chất và tinh thần cho các giáo viên trên.

Ba là: vụ gian lận thi cử “kinh thiên động địa”

Đây có thể coi là vụ bê bối “động trời”, “kinh thiên động địa” của ngành giáo dục trong năm qua.

Ở Hà Giang, Lào Cai, Sơn La đã phát hiện được sai phạm ở mức độ tinh vi, đây là vụ gian lận “liên tỉnh” ở mức độ “công nghiệp” trắng trợn, thách thức pháp luật “chấn động” cả nước.

Nó là một cái tát vào mong muốn sự trung thực của giáo dục, nó cho thấy sự gian lận, giả dối được tạo ra bởi những kẻ dối trá, hám lợi, hám danh…

Hiện nay, việc xử lý trả về điểm thật cho học sinh đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng thực hiện nhưng theo nhận định là “rất khó” để trả về điểm thật cho các em, và đã có nhiều em có nghi vấn gian lận được nhập học vào các trường đại học.

Đây là vết nhơ khó xóa của ngành giáo dục về sự gian lận, gian dối, ích kỷ, vụ lợi do một số cá nhân gây ra.

Còn việc khởi tố và xử lý các đối tượng gây ra các vụ việc trên cũng đang được các cơ quan chức năng thực hiện, nhưng theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc chỉ khởi tố một vài cá nhân là chưa thỏa đáng, các đối tượng trên phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, phải lôi được ra ánh sáng kẻ cầm đầu thật sự để chúng ta không tái diễn các vụ việc tương tự trong năm sau.

Bốn là: bạo lực học đường gia tăng

So với năm trước thì năm 2018 bạo lực học đường gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng.

Về vấn nạn bạo hành thì tôi đã trình bày và phân tích khá nhiều trong thời gian qua qua bài viết “Tôi mong sao năm học tới sẽ không còn tình trạng đánh nhau trong trường”.

Đó là những vụ việc đau lòng và nghiêm trọng và tôi tin để có thể giải quyết được vấn đề phải xử lý nghiêm đối tượng gây ra hành vi vi phạm, dạy thật, học thật và học sinh phải được quyền lưu ban.

Thời gian gần đây có thêm vụ hiệu trưởng bị bắt vì dâm ô nhiều học sinh hay vụ việc cô giáo bị bắt khi đang sử dụng ma túy ở Hà Tĩnh…

Đó chính giọt nước làm tràn ly về sự vi phạm đạo đức của những người được gọi là thầy, là cô đứng trên bục giảng, sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, nhân cách của một số giáo viên thực sự đáng lên án, hậu quả nó để lại vô cùng nặng nề.

Bây giờ, không phải là bắt họ hay kỷ luật thôi việc là xong mà quan trọng hơn là tìm giải pháp để không có những người vô lương tri, vô đạo đức, phẩm chất…đứng trên bục giảng và làm công tác cán bộ quản lý.

Năm là: xử lý giáo viên vi phạm dạy thêm “nhỏ giọt”

Năm 2018 số giáo viên và các cơ sở dạy thêm hầu như rất ít cá nhân nào bị xử lý ở mức độ kỷ luật, hay không có cơ sở dạy thêm nào vi phạm phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Rất ít cá nhân hay tổ chức bị xử lý, đó thật sự không phải là chuyện vui mà nó chỉ cho thấy, giáo viên dạy thêm đã tinh vi hơn, biết cách lách luật tốt hơn và có các cơ quan chức năng làm ngơ cho vi phạm.

Từ đó, khiến cho tình trạng dạy thêm, học thêm diễn biến ngày một phức tạp hơn, nhiều vụ giáo viên bị phát hiện nhưng việc xử lý cũng chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở nên không hạn chế được dạy thêm, nhất là dạy thêm trái phép.

Hàng ngày không khó để có thể bắt gặp tình trạng giáo viên tiểu học dạy thêm trái phép, tình trạng o ép dạy thêm cũng còn nhiều, giáo viên dạy trước chương trình, giáo viên dạy thêm kiểu mớm đề… nhưng hình như việc xử lý còn nhỏ giọt, không có tính chất răn đe.

Kèm theo đó là hình ảnh các cha mẹ, người thân học sinh phải còng lưng vì lao động để đóng tiền học thêm.

Sáu là: các kỳ thi mang tính chất “diễn” rất nhiều

Các kỳ thi giáo viên giỏi văn hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi, thư viện giỏi, chủ tịch công đoàn giỏi… chủ yếu là diễn, đóng kịch, gây tốn nhiều thời gian, công sức mà không mang lại hiệu quả gì, giúp ích gì cho giáo viên trong việc thực dạy.

Có trường hợp giáo viên khi chủ nhiệm lớp học thì lớp không ngoan, học sinh không thích, lớp xếp thi đua hạng cuối nhưng thi đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Huyện, thậm chí cấp Tỉnh bởi vì kỳ thi không lấy kết quả của giáo viên thực hiện nhiệm vụ trong năm mà chỉ lấy kết quả thi kiến thức, thi tình huống, kể chuyện (thực chất là diễn kịch).

Thi giáo viên văn hóa cũng không khác là bao, giáo viên nào giỏi diễn, thuyết trình hay, thậm chí chỉ cần “quen biết” lãnh đạo, hay giám khảo là bảo đảm đậu.

Việc “diễn” còn xảy ra trong dự giờ, thao giảng, chuyên đề, trong cả các báo cáo…

Bảy là: còn nặng nề về hồ sơ, sổ sách

Qua nhiều văn bản, qua nhiều phản ánh của giáo viên thì hiện nay hồ sơ, sổ sách của giáo viên không giảm mà còn có xu hướng tăng lên.

Nó tạo áp lực lên giáo viên như phải có giáo án (lại phải có sổ báo giảng, kế hoạch chuyên môn), sổ hội họp, sổ dự giờ, biên bản kiểm tra sư phạm, chuyên đề, hồ sơ bồi dưỡng thường xuyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản chấn chỉnh, nhưng kết quả đâu lại vào đấy, giáo viên ngày càng làm các loại hồ sơ nhiều hơn, nặng nề hơn.

Tám là: thành tích “ảo” lên ngôi

Trong năm qua, diễn biến căn bệnh thành tích tiếp tục lên ngôi, nhiều báo cáo, số liệu “ảo” về chất lượng giáo dục tiếp tục diễn tiến phức tạp hơn.

Thành tích ảo của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như chất lượng bộ môn, tỷ lệ học sinh giỏi đều tăng cao hơn so với năm trước cho thấy bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục chưa có chiều hướng thuyên giảm.

Nếu nói về giáo dục là nói đến căn bệnh thành tích, hiện nay trong các báo cáo thì tỷ lệ, chất lượng giáo dục cao chót vót, mỗi năm mỗi tăng tức là bệnh thành tích, giả dối mỗi năm mỗi tăng, theo đà tăng của bệnh thành tích, giả dối thì kèm theo sự xuống cấp đạo đức của cả người dạy và người học.

Tỷ lệ, chất lượng học sinh giỏi mỗi năm đều tăng nhưng học sinh ngồi nhầm lớp rất nhiều, đạo đức nhà giáo, bạo lực tăng cao... nó không phản ánh đứng thực tại của giáo dục đại trà.

Chỉ khi nào đánh giá, nhìn nhận giáo dục một cách trung thực thì mới nhìn nhận ra được giáo dục còn hạn chế, thiếu sót ở đâu để khắc phục, sữa chửa sai lầm.

Chín là: hàng ngàn giáo viên bị cắt hợp đồng, mất việc

Trong năm 2018 số người bị cắt, chấm dứt hợp đồng là rất nhiều như vụ hàng trăm giáo viên bị cắt hợp đồng ở Đắk Lắk, Hà Nội, Cà Mau…

Giáo viên thì đời sống khó khăn vất vả, được ký hợp đồng đầy đủ, có nhiều cống hiến có nhiều người đạt các danh hiệu nhưng lại bị chính các cơ quan chức năng ký kết đẩy họ ra đường phải vất vả, lao đao tìm kiếm việc để mưu sinh.

Dù giáo viên cực khổ, áp lực… nhưng đồng lương của giáo viên hiện nay vẫn khá thấp so với các ban ngành khác, nhất là giáo viên mới ra trường.

Mười là: sau nhiều lần trì hoãn đến nay khung chương trình mới công bố

Việc thực hiện chương trình mới đã bước vào giai đoạn gấp rút, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến nay mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.

Điều đó cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chậm trễ trong việc ban hành chương trình phổ thông mới nhưng dù sao vẫn cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cẩn trọng trong việc ban hành chương trình mới.

Trong đó còn nhiều vấn đề cần phải xây dựng một cách cẩn trọng và chắc chắn như bộ môn “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở là Khoa học tự nhiên (ghép 3 môn Lý, Hóa, Sinh), Sử và Địa (ghép môn Sử, Địa), một số môn như Ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc thiểu số…

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến chuyên gia giáo dục, giáo viên về việc thực hiện chương trình mới nhất là 2 môn “tích hợp” trên.

Nhân dịp năm mới, năm 2019 xin dành lời chúc sức khỏe, bình an và chân thành nhất tới giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong mọi miền đất nước.

NHẬT KHOA

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/10-su-kien-giao-duc-noi-bat-nam-2018-do-giao-vien-binh-chon-post194094.gd