10 sự kiện Bất động sản nổi bật năm 2017

Năm 2017, thị trường bất động sản được đánh giá là phát triển và tăng trưởng khá ổn định, nhiều chính sách mới có hiệu lực trong năm 2017 tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp lên thị trường bất động sản. Dưới đây là ghi nhận của Báo Người Tiêu Dùng về 10 sự kiện bất động sản nổi bật trong năm qua.

1. Cơn sốt giá ảo đất nền

Trong những tháng đầu năm 2017, tại một số quận ven và huyện ngoại thành giá đất nền đã tăng trên dưới 30%. Cá biệt, có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Chẳng hạn, đất nền tại một số khu vực ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã tăng lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2.

Trước tình trạng đẩy giá đất lên cao gây sốt đất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, UBND TP.HCM đã vào cuộc cung cấp thông tin chính xác xử lý hạ nhiệt kịp thời.

Cuối năm 2017 có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Một số doanh nghiệp môi giới có hoạt động không lành mạnh có thể làm tổn hại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và ảnh hưởng lòng tin của khách hàng, như các công ty Kim Phát, Việt Hưng Phát, Địa ốc Alibaba.

2. Bất động sản “chao đảo” vì công văn của Bộ Tài chính

Danh sách 60 khu đất đã được chuyển mục đích sử dụng để đầu tư dự án trải dài từ Bắc tới Nam mà Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo, khiến người tiêu dùng hoang mang. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, có thanh tra thì cũng là chuyện hết sức bình thường nhưng Bộ Tài chính đã tạo ra một cách hiểu không rõ ràng qua công văn kiến nghị khiến nhiều chủ đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn.

Theo Công văn số 2000/BTC-TTr ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ có phần phụ lục ghi 60 dự án bất động sản mà Bộ Tài chính cho rằng “có vấn đề về đất đai”.

Việc công bố danh sách khiến không ít doanh nghiệp địa ốc lao đao vì liên tục nhận điện thoại từ khách hàng thắc mắc tại sao dự án có tên trong danh sách. Thậm chí tại một số dự án đã và đang đi vào giai đoạn bàn giao, khách hàng cũng rất bất ngờ về thông tin này.

3. TP.HCM ban hành Quyết định 60 về tách thửa

Ngày 5/12/2017, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND thay thế Quyết định 33/2014 QĐ-UBND về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa với nhiều điểm mới. Theo đó, Quyết định 60 quy định tách thửa cho cả đất ở và đất nông nghiệp thay vì trước đó Quyết định 33 chỉ quy định về tách thửa đất ở. Ngoài ra, Quyết định 60 cũng giảm diện tích tối thiểu sau khi tách thửa xuống còn tối thiểu là 36 m2 tại các quận: 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú.

Dù tới ngày 1/1/2018 quyết định này mới có hiệu lực, nhưng ngay sau khi được ký ban hành, Quyết định 60/2017 đã có ảnh hưởng lớn tới thị trường đất nền TP.HCM. Thị trường đất nền phân lô tách thửa tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh giao dịch diễn ra sôi động và giá cũng tăng trở lại.

4. “Siết nợ” hàng loạt dự án bất động sản

Từ tháng 8/2017, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và hàng loạt ngân hàng ráo riết thu giữ nhiều tài sản bảo đảm của khách vay, trong đó đa số là tài sản bất động sản. Động thái này được xem là mở đầu cho quá trình xử lý “cục máu đông” nợ xấu tồn đọng lâu nay trong hệ thống các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 42.

Cụ thể, VAMC đã thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM vào cuối tháng 8. Trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án.

Ngoài VAMC, nhiều ngân hàng cũng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm xử lý nợ xấu như Maritime Bank, Agribank, Techcombank và Sacombank…

5. Bộ Xây dựng đề nghị TP.HCM cho xây căn hộ 25 m2

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 45 m2 như Luật Nhà ở năm 2005. Thay vào đó, có thể cho phép xây dựng một tỷ lệ nhất định (20-25%) số căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25-45 m2 đối với các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm. Các dự án ngoài khu vực trung tâm có thể áp dụng tỷ lệ căn hộ diện tích nhỏ cao hơn.

Nhu cầu căn hộ có diện tích nhỏ dưới 45 m2 để phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2-3 người tại các khu đô thị lớn, các khu vực phát triển khu công nghiệp tương đối nhiều và đã được đầu tư xây dựng tại một số địa phương.

Nhiều nước trên thế giới cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ, vẫn bảo đảm được việc quản lý quy hoạch - kiến trúc, quản lý dân số, bảo đảm điều kiện hạ tầng… Chấp nhận cho xây dựng căn hộ nhỏ, người dân đô thị cũng hưởng lợi từ các dự án nhà nhỏ giá phù hợp khả năng.

6. Có nhiều thương vụ thâu tóm

Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, 2017 là năm diễn ra nhiều dự án bất động sản bị thấu tóm nhất.

Cụ thể, Keppel Land (Singapore) mua lại 2 dự án ở Nam Sài Gòn và quận 9 với tổng chi phí phát triển của hai dự án này là 297 triệu USD; Hongkong Land cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác CII phát triển dự án căn hộ Thủ Thiêm River Park trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD.

Tại Hà Nội, Growing Sun Investment mua lại dự án phức hợp cao cấp Diamond Rice Flower Complex rộng 4,2 ha từ Kinh Bắc City Group…

7. Tranh chấp chung cư và "hiện tượng" Alibaba

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, toàn thành phố có 935 tòa chung cư thì 105 tòa xảy ra tranh chấp.

Trước tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư.

Ngày 14/11/2017, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM cùng các sở, ngành của thành phố cảnh báo về việc Công ty Alibaba tự nhận chủ đầu tư, rao bán đất nền tại dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi.

Công ty Alibaba đã bị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an làm việc để củng cố hồ sơ xử lý. UBND TP.HCM cũng ban hành chỉ đạo, cấm công ty này tham gia các dự án thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

8. Bùng nổ căn hộ “lai”

Mô hình officetel, condotel, hometel đã có sự phát triển nóng trong năm 2017. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước có khoảng 25.639 căn hộ condotel và officetel. Dự kiến giai đoạn 2017-2019, mỗi năm có thêm từ 27.000-29.000 căn hộ condotel cung cấp ra thị trường.

Tuy nở rộ trong năm qua nhưng những loại hình bất động sản “lai” này vẫn còn vướng mắc rào cản về pháp lý. Chưa có quy định cụ thể các tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế công trình tòa nhà, căn hộ condotel, officetel. Các loại bất động sản này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ).

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, các sản phẩm condotel, officetel, shophouse đang có dấu hiệu “biến tướng” thành căn hộ nhà ở thông thường nên cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng cũng đã giao cho 3 bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý cho loại hình bất động sản này.

9. Giá nguyên vật liệu xây dựng đắt đỏ, bị làm giả làm nhái tràn lan

Trong năm 2017, ngành xây dựng điêu đứng vì giá cát tăng quá cao. Nhiều nhà thầu xây dựng tại TP.HCM lâm vào cảnh thi công cầm chừng vì chí phí bị đội lên. Hiện nay, giá cát tại TP.HCM tăng đột biến từ 50-200% so với thời điểm đầu năm, đang ở mức trên 600.000 đồng/m3.

Trước vấn nạn vật liệu xây dựng giả, hai doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất nhôm đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực 389 quốc gia cùng các cơ quan, ban ngành phản ánh về vấn nạn hàng giả đã gây thiệt hại nặng nề, tổn hại uy tín cho những doanh nghiệp này khi kinh doanh tại Việt Nam.

10. Hơn 3 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào bất động sản

Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 với tổng vốn đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất trong năm 2017 là Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM với tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do liên doanh từ Hàn Quốc đầu tư.

Nguyên Vũ ( Ảnh: Vũ Tường Chiểu)

Bất động sản TP.HCM: Chờ một năm 2018 bùng nổ

Thị trường bất động sản TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới

Với 200 triệu đồng bạn dễ dàng kiếm lợi từ thị trường bất động sản

Bất động sản nghỉ dưỡng Vũng Tàu bước vào cuộc đua giành thị phần

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/10-su-kien-bat-dong-san-noi-bat-nam-2017-d65180.html