10 sách nổi bật của NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM năm 2019

NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM luôn hướng đến những tác phẩm văn hóa, lịch sử gần gũi với độc giả, dễ đọc dễ tiếp cận.

Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội. Tác phẩm do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên là nguồn tư liệu điều tra điền dã những năm 1980-1999 tại các khu vực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Như một tất yếu lịch sử và điều kiện địa lý, vùng đất này trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa. Tập sách ghi nhận các hình thức diễn xướng dân gian như: Diễn xướng trữ tình (dân ca, hò, hát, lý); diễn xướng tự sự dân gian (lối nói vè vần, nói thơ, nói tuồng); diễn xướng nghi lễ (diễn xướng tổng hợp, cúng Kỳ yên, trong các cuộc trai đàn chẩn tế, đặc biệt là hát sắc bùa); hình thức múa lốt (múa Hẩu, múa Lân, múa Rồng)...

Làm bạn với hình, làm tình với chữ. Một quyển sách khiến chúng ta bật cười trước những yêu cầu "khó nhằn" của nghề content, copywriter, PR, marketing… Để không bước vào lối mòn của nghề sáng tạo này, điều ghi lòng tạc dạ luôn khắc ghi là câu thần chú “khách hàng là người trả lương cho ta, họ không biết ta làm gì, chỉ cần thấy kết quả”.

Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ Canh tân 1875-1925. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cung cấp nhiều dữ kiện quan trọng về một giai đoạn đầy biến động với Nam kỳ và Sài Gòn trong thời kỳ Canh tân. Sau khi chiếm được Sài Gòn và Nam kỳ làm thuộc địa, người Pháp nhanh chóng thiết lập và củng cố hệ thống hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy thương mại ở mảnh đất phì nhiêu và thuận lợi cho giao thông kinh tế.

Quán thủy thần là tập truyện ngắn Nguyễn Hải Yến với những câu chuyện đời đầy rẫy đau khổ, quá ít sướng vui. Từ nỗi buồn có khi đến thắt ruột, có lúc sáng trưng, nhẹ tênh, trong vắt… Con người đã và đang trải qua quá nhiều bi kịch cá nhân để chung tay giải quyết bi kịch chung hệ lụy của sự phát triển xã hội. Truyện mang hơi hướm tâm lý pha chút kỳ bí và tâm linh giữa cõi sống và cõi chết.

Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy. Phác thảo chân dung người trẻ thời 4.0 có dễ không?... Tác phẩm chỉ đích danh người trẻ Việt trong thời đại ăm ắp công nghệ và những biến động toàn cầu dựa trên câu chuyện trải nghiệm của một nhóm tác giả trẻ - những trí thức, giảng viên, từng là học sinh - sinh viên. Họ phác họa nên tuổi trẻ, bản ngã của mình - từ chuyện ăn-đọc-học-làm-chơi đến chuyện ý thức, sức khỏe, đức tin, yêu đương, sai lầm...

Mình gọi nhau là cưng. Tác giả trẻ Tống Phước Bảo (Trúc Thiên) neo vào lòng người đọc những hy vọng về tình yêu luôn được gieo khắp nơi trên cõi nhân gian này, như một phép thử để đặt lại cơ hội cho những số phận lỡ làng. Chỉ cần nghĩ trong cuộc đời, mọi thứ dù nặng hay nhẹ thì cứ nghĩ theo một hướng tích cực mà sống.

Văn chương Sài Gòn 1881-1924: Tập 4 - Du ký và những chuyện khác. Trong văn quốc ngữ, tập du ký đầu tiên chính là cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của ông Trương Vĩnh Ký như bản tường thuật và mang dáng dấp của một bản “ghi chép gọn”, đây là cuốn sách du ký mở đầu cho mọi cuốn sách du ký về sau. Đọc du ký xưa từ hơn trăm năm trở lại đây, chúng ta sẽ hiểu thêm được cảnh quan, xã hội, lối sống và con người thuở ấy, về những nghĩ suy và cách ứng phó của họ trước thiên nhiên và người khác. Nói về văn chương Sài Gòn xưa - đó là một mảng ký ức lưu lạc đáng được trân trọng và giới thiệu rộng rãi cho độc giả thưởng lãm.

Sống đừng bao giờ từ bỏ là hành trình 450 ngày người vợ sát cánh kề vai cùng chồng bị bệnh chiến đấu với căn bệnh ung thư. Trong quá trình chữa bệnh, người thân và bệnh nhân phải luôn kiên định ý chí rằng xin hãy xem ung thư là một căn bệnh dài hơi, khó chữa nhưng không phải là không chữa được, đừng xem căn bệnh này là án tử để rồi sớm buông tay.

Ký họa về Đông Dương Nam kỳ. Những năm 1930, Nhà xuất bản Phương Đông (Paris) đã xuất bản bộ tranh ký họa “Monographie Dessineé de L’Indochine - Cochinchine” gồm hàng trăm bức ký họa miêu tả phong cảnh sinh hoạt, buôn bán, chân dung lao động của một số ngành nghề phổ biến lúc bấy giờ. Những bức ký họa sống động mô tả chân thực đời sống và nếp sinh hoạt của người dân Nam kỳ xưa. Ấn phẩm Ký họa về Đông Dương Nam kỳ với ba ngôn ngữ Anh - Pháp - Việt làm ấm lòng bạn đọc yêu thương vùng đất này như phong cảnh xưa, cảnh sinh hoạt, buôn bán, họp chợ, các nghề truyền thống, hàng quán ăn xưa, trang phục, phong tục tập quán…. Khung cảnh đất và người ở những ngày xưa ấy tái hiện thật mộc mạc và đời thường qua gần 100 trang vẽ.

Đồng dao và trò chơi truyền thống. Một dư vị tuổi thơ đi qua miền ký ức các thế hệ. Đây là tập sách tái dựng lại những khúc hát trẻ con và cội nguồn những trò chơi truyền thống ba miền Bắc - Trung - Nam được lưu truyền trong dân gian. Ước mong của đội ngũ sưu tầm (Huỳnh Ngọc Trảng - chủ biên) là phát huy “vòng tròn văn hóa vô hình” kết nối cộng đồng, phát huy những giá trị văn hóa lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân Việt, đậm đà bản sắc dân tộc. Hơn hết, thông điệp “giữ lấy quyền được vui chơi” của trẻ em cũng được nhấn mạnh.

Quỳnh My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/10-sach-noi-bat-cua-nxb-van-hoa-van-nghe-tphcm-nam-2019-post1031087.html