10 quyết định ngớ ngẩn nhất trong các bộ phim hành động

Trong nhiều bộ phim hành động, khoa học viễn tưởng, không ít khán giả khó chịu và ức chế trước những quyết định thiếu logic và được xem là 'ngu ngốc' của các nhân vật.

Godzilla: King of the Monsters (2019): Đây là một trong những bom tấn đáng thất vọng nhất của mùa phim hè năm nay khi sở hữu cốt truyện rối rắm, thiếu hợp lý. Điểm mấu chốt của phim là Tiến sĩ Emma Russell quyết định hợp tác với các nhân vật phản diện và hỗ trợ họ trong kế hoạch giải phóng các sinh vật Titans trên Trái Đất nhằm khôi phục lại sự cân bằng cho hệ sinh thái tự nhiên. Kế hoạch của Russell đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người khi các Titans thức tỉnh và tấn công con người. Từ đó, cô mới nhận ra rằng thiệt hại do Titans đấu với nhau còn vượt xa sự tàn phá của nhân loại đối với hành tinh. Quyết định này của Russel khiến đây trở thành nhân vật điện ảnh ngu ngốc nhất trong năm nay.

A Quiet Place (2018): Bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn John Krasinski mang đến hơi thở mới với nhiều trải nghiệm thú vị cho dòng phim kinh dị. Tuy đem lại cho người xem nhiều phân đoạn gay cấn, hồi hộp cùng cốt truyện ý nghĩa, A Quiet Place vẫn còn nhiều lỗ hổng, khó làm hài lòng các fan khó tính. Trước cuộc chiến với quái vật thính tai, gia đình Lee và Everlyn phải sống trong thầm lặng bởi bất kỳ tiếng động nhỏ nào cũng sẽ khiến họ mất mạng. Vậy, vì sao đã biết trước số phận nghìn cân treo sợi tóc, Evelyn lại quyết định mang bầu và sinh con là câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc. Việc lâm bồn trong im lặng và cố gắng giấu đứa trẻ mới sinh chỉ biết khóc la khỏi bầy quái vật đã tạo nên tình huống cực kỳ căng thẳng cho phim nhưng cũng là chi tiết đầy khiên cưỡng.

Life (2017): Đây là tác phẩm kinh dị khá ấn tượng về đề tài quái vật không gian, tuy nhiên lại chứa nhiều chi tiết thiếu khoa học. Nguyên tắc quan trọng nhất của các phi hành gia trong các chuyến du hành không gian là tránh phá vỡ các nguyên tắc cách ly đối với các sinh vật lạ. Thế nhưng với Life, các phi hành gia dễ dàng chấp nhận đưa một sinh vật lạ lên tàu mà thiếu đi sự kiểm tra kỹ lưỡng bởi các quyết định mang cảm tính. Sau đó, các nhà khoa học còn tìm mọi cách để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của loài sinh vật tên Calvin. Hậu quả là chú sao biển vô hại ngày nào dần trở thành con quái vật khát máu và không có điểm dừng. Chưa kể nhân vật Hugh còn cho phép Calvin ăn chân mình để giúp nó đỡ đói.

Prometheus (2012): Bộ phim về quái vật không gian nổi tiếng của Ridley Scott là phần tiền truyện của tác phẩm Alien: Covenant (2017), xoay quanh một phi hành đoàn từ Trái Đất bay tới một hành tinh xa lạ trên con tàu Prometheus. Dù có cốt truyện ấn tượng, hấp dẫn nhưng bộ phim vẫn chứa nhiều hạt sạn to tướng mà ngay cả khán giả dễ tính nhất cũng khó lòng bỏ qua. Trong đó là hàng loạt hành động khó hiểu của các nhân vật như việc nhanh chóng tháo nón bảo hộ ngay khi vừa đặt chân xuống mặt trăng, Millburn chơi với một sinh vật giống rắn được tìm thấy trên mặt trăng, dẫn đến cái chết của anh ta. Hơn nữa, không ai trong số phi hành đoàn có đủ vũ khí cho nhiệm vụ, họ vẫn bị lạc mặc dù đã vạch ra khu vực và thường phản ứng theo cách khờ khạo nhất khi gặp nguy hiểm.

Jurassic World: Fallen Kingdom (2015): Khi phim ra mắt đã làm mưa làm gió tại các phòng vé trên thế giới, thu về hơn 1,3 tỷ USD, nhưng Jurassic World: Fallen Kingdom lại khiến fan tức tối bởi loạt "sạn" khó chấp nhận. Trong đó, cục sạn lớn nhất có lẽ là cảnh cô quản lý xinh đẹp Claire chạy đua cùng con khủng long T-rex khổng lồ sau lưng với đôi giày cao gót và vẫn sống sót, không hề bị thương tích gì. Đây được xem là một trong những chi tiết bị đem ra chế giễu nhiều nhất khi nhắc đến Thế giới khủng long. Nữ diễn viên Bryce Dallas Howard đã ra sức bảo vệ quyết định này và cho rằng đôi giày cao gót chính là vũ khí của Clarie. Sự bào chữa của cô bị xem là quá ngốc nghếch. Dĩ nhiên ở phần hai, Claire đã được thay cho đôi giày thích hợp.

Ex Machina (2015): Bộ phim đầu tay của đạo diễn Alex Garland là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng thông minh và được giới chuyên môn khen ngợi hết lời. Tuy nhiên, trong phim vẫn ẩn chứa một vài hành động đầy khó hiểu của các nhân vật. Lập trình viên trẻ có tên Caleb (Domhnall Gleeson), được cử đến sống một tuần với CEO Nathan (Oscar Isaac) để xác định liệu A.I. robot Ava (Alicia Vikander) có khả năng ý thức thực sự hay không. Sau đó, Ava đã giết chết Nathan, nhốt Caleb trong tòa nhà, còn cô bước vào xã hội loài người. Điều đáng nói là vì sao, với một thí nghiệm điên rồ như vậy, Nathan lại bất cẩn mà không hề lập ra bất kỳ mật mã hay chế độ an ninh nào cho tòa nhà và chế độ kiểm soát với robot Ava.

28 Weeks Later (2007): Đây là phần tiếp theo của loạt phim kinh dị độc lập nổi tiếng. Phim mở đầu bằng tình tiết hấp dẫn trong đó Don đưa ra quyết định đau đớn để tự cứu mình và bỏ mặc vợ Alice bị sát hại bởi bầy Rage bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, cuối cùng Alice không chết và phải nằm trong phòng cách ly. Hành động được cho là ngớ ngẩn nhất của Don là lẻn vào phòng của vợ và trao cho cô một nụ hôn mà không hề do dự về khả năng Alice đã bị nhiễm bệnh. Alice thực tế là người mang virus Rage không có triệu chứng, khiến Don ngay lập tức bị nhiễm bệnh và giết Alice, dẫn đến nhiều cái chết khác nữa.

Armageddon (1998): Đây là tác phẩm nổi tiếng về thảm họa diệt vong khi một thiên thể ngoài vũ trụ sắp va vào Trái Đất. Trong các tác phẩm của đạo diễn hành động Michael Bay, yếu tố logic là điều thứ yếu và gần như không được chú ý. Thế nhưng, với việc đưa phi thuyền chở nhóm thợ khoan tiếp cận thiên thạch ngoài vũ trụ là một trong những quyết định phi logic và "ngu ngốc" nhất của vị đạo diễn nổi tiếng này. Nhiệm vụ của các thợ khoan là khoan thủng tâm thiên thạch, đặt vào đó một quả bom nhằm thay đổi quỹ đạo của nó. Việc lựa chọn một nhóm thợ khoan chưa từng được đào tạo gì về việc du hành không gian để thực hiện nhiệm vụ sống còn của Trái Đất bị cho là rất phi lý và ngờ nghệch.

Face/Off (1997): Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Ngô Vũ Sâm thường được nhắc đến như là một trong những tác phẩm hành động xuất sắc của ông. Tuy nhiên, về mặt cốt truyện thì lại không được đánh giá cao bởi ngay từ tiền đề của phim đã xuất hiện nhiều chi tiết phi logic đến khó hiểu. Troy là tội phạm giết người nguy hiểm nhưng lại chỉ bị giam giữ tại một trạm y tế với độ an ninh bằng 0. Tại đây, anh dễ dàng trốn thoát, thậm chí còn ép bác sĩ cấy ghép gương mặt của cảnh sát FBI Archer để tạo nên sự hoán đổi thân phận. Còn Archer lại trải qua cuộc phẫu thuật thay vào khuôn mặt của Troy.

Star Trek II: The Wrath Of Khan (1982): Khi con tàu huyền thoại U.S.S Enterprise bị tấn công bởi Khan, thuyền trưởng Kirk đã đưa ra một trong những quyết định "ngu ngốc" nhất trong lịch sử Star Trek khi từ chối ra lệnh nâng khiên cho con tàu để được bảo vệ tốt hơn. Thay vào đó, Kirk tin tưởng vào khả năng chịu đựng của con tàu và cuối cùng rất nhiều thành viên phi hành đoàn đã chết trong quá trình này. Với khả năng tính toán chiến lược đã được chứng minh của Kirk ở các phim trước, quyết định này là không thể lý giải. Sự tự tin của anh đã khiến bộ phim được nhớ tới bởi sai lầm ngớ ngẩn này.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/10-quyet-dinh-ngo-ngan-nhat-trong-cac-bo-phim-hanh-dong-post971605.html