10 quy tắc tiêu tiền giúp bạn luôn dư dả

Bạn không nhất thiết phải có thu nhập thật cao mới sống thoải mái, sung túc, điều quan trọng là cách bạn sử dụng tiền bạc thế nào.

Hãy học cách kiểm soát tiền bạc hiệu quả để thực hiện được những điều mình muốn mà vẫn có cuộc sống dư dả, thoải mái. 10 quy tắc tiêu tiền dưới đây sẽ hữu ích cho bạn.

Đầu tư vào bản thân

Khoản đầu tư tốt nhất cho tương lai chính là đầu tư vào bản thân. Bạn nên làm điều này càng sớm thì càng tốt và trải nghiệm thêm nhiều điều khi còn trẻ.

Dĩ nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là đầu tư cho việc học và trải nghiệm những điều mới. Thay vì chỉ chú trọng vào việc học để lấy được tấm bằng, nên thử tìm hiểu thêm về điều mà bạn thực sự quan tâm. Đọc sách, tham gia khóa học trực tuyến, thi lấy các chứng chỉ hoặc đăng ký các hoạt động phát triển cá nhân... đều là những lựa chọn tuyệt vời. Sự thật là, càng đầu tư vào bản thân, bạn càng trở nên có giá trị hơn.

Quy tắc 3 số 8

Một ngày bạn có 8 giờ đi làm, 8 giờ để ngủ; 8 giờ còn lại được xem là khoảng thời gian rảnh rỗi để phát triển một phần năng lực khác của bản thân. Vì vậy, nếu muốn trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực nào đó, hãy tận dụng 8 giờ cuối cùng trong ngày một cách khôn ngoan bằng cách làm việc gì đó có thể đem lại nhiều lợi ích cho bản thân về lâu dài. Chẳng hạn, bạn có thể luyện tập để thành thạo các kỹ năng đã có và học thêm những kỹ năng mới.

Cẩn thận khi cho vay

Dù là người thân hay bạn bè thì vấn đề lấy lại khoản tiền đã cho vay nhiều khi cũng rất khó khăn. Có thể bạn xem trọng họ và chấp nhận cho vay, nhưng có khi vì danh nghĩa thân quen mà họ muốn bạn quên đi món nợ này trong thời gian nào đó. Mối quan hệ tốt đẹp vì thế có thể nảy sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải cho vay tiền; nếu cho vay thì nên đề ra khoảng thời gian cố định để họ trả nợ.

Tiêu ít hơn, linh hoạt hơn

Các bài báo về người giàu có thường khuyên bạn nên chi tiêu ít hơn; điều này thực sự có ý nghĩa đối với thực tế hiện nay. Chỉ cần tưởng tượng rằng bạn đang làm một công việc mình chán ghét, sống ở nơi mình không thích nhưng không có đủ tiền để thay đổi nó, bạn sẽ thấy thật tồi tệ.

Vì thế, hãy tiết kiệm. Bạn tiêu ít đi, số dư sẽ tăng lên, cuộc sống càng linh hoạt. Từng bước, bạn có thể làm những việc thực sự quan trọng cho mình.

Quy tắc 24 giờ

Chúng ta thường chi tiêu theo cảm tính nhiều hơn là lý trí, như mua một đống thứ về mà không biết mình sẽ phải làm gì với chúng. Chúng ta thường có xu hướng nghĩ về những cái có giá trị lớn, còn với những thứ nhỏ nhặt thì không. Tuy nhiên, những thứ nhỏ bé ấy khi dồn lại thì sẽ biến thành con số lớn.

Để cắt giảm những chi phí không cần thiết, bạn phải tuân theo quy tắc 24 giờ, tức là hãy chờ hết 1 ngày để mua hàng. Lúc đó, cảm xúc muốn mua sẽ dịu xuống và bạn nhận ra mình thực sự cần món đồ nào. Và bạn sẽ phải ngạc nhiên về số lượng những thứ mình quyết định không mua.

Kiểm tra chi tiêu mỗi ngày

Thủ thuật này đơn giản một cách đáng ngạc nhiên nhưng cho phép bạn kiểm soát chi tiêu hàng ngày. Vào giữa mỗi ngày, hãy dành 1 phút để kiểm tra và suy nghĩ về mọi giao dịch mua hàng bạn đã thực hiện. Điều này cho phép bạn phát hiện ra những món mình mua chưa thực sự cần thiết,giúp giảm chi tiêu và xác định được số tiền cần tiêu cho một ngày.

So sánh trước khi mua

Có một cách nữa để sống chậm lại và suy nghĩ về những gì bạn sẽ mua, tránh thất vọng trong tương lai, đó là ghi nhớ về giá của sản phẩm đơn giản trong đầu. Ví dụ, khi bạn nhìn thấy một chiếc áo len tuyệt vời trong cửa hàng nhưng không biết có cần nó hay không trong khi giá quá cao, hãy thử suy nghĩ, đặt câu hỏi: "Liệu chiếc áo len này có quan trọng hơn một kỳ nghỉ tuyệt vời vào tháng tới không?". Bạn sẽ có câu trở lời cho việc mua sản phẩm đó.

Ít tin mánh khóe tiếp thị

Các cửa hàng luôn có nhiều mánh khóe khác nhau khiến chúng ta mua những thứ không thực sự cần. Hầu hết chúng ta biết các thủ thuật tiếp thị đó nhưng vẫn muốn "sập bẫy" vì tin rằng mình được hời.

Để không mắc phải mánh khóe này, bạn cần ghi nhớ: Sự giảm giá chỉ dành cho những sản phẩm có giá cao hơn ở mùa trước (lỗi thời) hoặc chất lượng không tốt. Nhà sản xuất là bên duy nhất có lợi từ giao dịch mua này.

Đi mua sắm một mình

Khi đi mua sắm với bạn bè, chúng ta tiêu nhiều tiền hơn do ghé thăm nhiều nơi, nhận được nhiều cổ vũ. Hơn nữa, tâm lý chung của nhiều người là muốn mình bằng bạn bằng bè, nên thường sẽ chi nhiều tiền hơn.

Để tránh cảnh khốn đốn với tiền bạc, khi bạn muốn gặp gỡ bạn bè, hãy rủ nhau đi dạo trong công viên thay vì đi mua sắm, tuy giải tỏa cảm xúc những sẽ làm hại túi tiền.

Loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực về tiền bạc

Khi bạn tự đặt cho mình một mục tiêu thấp, nghĩ mình không kiếm được nhiều tiền thì chắc chắn bạn sẽ chỉ có thể làm những việc khó kiếm tiền. Nếu không tin vào bản thân, bạn sẽ nhanh chóng thấy mệt mỏi và nghĩ tất cả việc mình làm đều vô nghĩa.

Nhiều người đặt niềm tin vào suy nghĩ tích cực, thứ được gọi là luật hấp dẫn. Khi bạn tin mình giàu, bạn sẽ có quyết tâm, động lực để làm điều này. Đây không phải là suy nghĩ viển vông mà còn liên quan tới tâm lý, hành vi.

Thảo Nguyên (Nguồn: Brightside)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/10-quy-tac-tieu-tien-giup-ban-luon-du-da-ar573734.html