10 phụ nữ khuyết tật có 4 người từng bị bạo lực tình dục

Đó là số liệu thống kê trong báo cáo khảo sát mới nhất của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) về tình hình bạo lực tình dục (BLTD) đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trên địa bàn quận Thanh Khê (Đà Nẵng) và huyện Ba Vì (Hà Nội).

Ngày 22/3, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Hãy lên tiếng” – Phòng ngừa, ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” được thực hiện từ năm 2018 – 2021 tại huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) và quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng).

Chương trình nhằm mục tiêu giúp mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật hiểu được tầm quan trọng của việc lên tiếng khai báo thông tin khi có các trường hợp bị BLTD; đồng thời nắm được cách thức phòng ngừa và có biện pháp ứng phó với những trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị BLTD.

 Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm này cũng là cơ hội để đại diện chính quyền địa phương và các bên liên quan thảo luận về các chính sách phòng tránh BLTD cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; qua đó cùng cộng đồng chung tay trong phòng ngừa, ứng phó BLTD, vì một môi trường bình đẳng, an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm ACDC cho biết, dự án đã thành lập được một mạng lưới hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại quận Thanh Khê và được xem là địa phương đại diện cho tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trên toàn quốc. Theo đó, hàng quý Trung tâm ACDC sẽ tổ chức những buổi chia sẻ, thảo luận để giúp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nâng cao nhận thức của mình, chủ động bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị BLTD.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm ACDC chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa BLTD cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật tại sự kiện

Theo đó, “Lên tiếng” là một chủ đề rất nhạy cảm và không phải chị em phụ nữ nào cũng dám thực hiện. Đây chính là lý do lớn nhất khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị BLTD nhưng không phải trường hợp nào cũng nhận được sự giúp đỡ, giải quyết từ phía các cơ quan chức năng.

“Hãy bỏ qua tất cả những nỗi lo và hãy mạnh dạn lên tiếng. Bởi chỉ có lên tiếng, chúng ta mới có thể giải quyết được, mới giúp được cho chính bản thân mình và cho những người thân xung quanh nếu có trường hợp BLTD xảy ra. Chỉ có lên tiếng, chúng ta mới thực sự hòa nhập và bình đẳng với cộng đồng”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Đại diện Trung tâm ACDC cũng khẳng định, đây sẽ là địa chỉ tin cậy để phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có thể chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc, những khó khăn thầm kín. “Nếu có bất cứ trường hợp BLTD nào, chỉ cần mọi người lên tiếng và hãy dám lên tiếng thì chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Được biết, Trung tâm ACDC là một tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ cho người khuyết tật và các nhóm người yếu thế khác tại Việt Nam. Đến năm 2025, Trung tâm ACDC phấn đấu trở thành tổ chức tiên phong trong việc tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho người khuyết tật và các nhóm yếu thế.

Hải Định

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/10-phu-nu-khuyet-tat-co-4-nguoi-tung-bi-bao-luc-tinh-duc-291208.html