10 nhóm nổi dậy lên án việc quân đội Myanmar làm chính biến

Đại diện mười nhóm nổi dậy ở Myanmar lên án hành vi mà họ gọi là đảo chính quân sự và cảnh báo lệnh ngừng bắn với chính phủ có thể bị phá vỡ.

Đại diện liên minh các nhóm nổi dậy ở Myanmar lên án cuộc chính biến mà các nhóm này gọi là đảo chính do lực lượng quân sự thực hiện ở thủ đô Naypyidaw, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 3-2, Tướng Yawd Serk - lãnh đạo Hội đồng Khôi phục bang Shan (RCSS), đồng thời là người đại diện chung cho mười nhóm nổi dậy đã ký thỏa thuận đình chiến với chính phủ Myanmar - lên án cuộc đảo chính và cảnh báo nguy cơ lệnh ngừng bắn sẽ bị phá vỡ.

“Chúng ta đã chứng kiến các vụ đụng độ trong thời gian có lệnh ngừng bắn nhưng từ bây giờ, nếu có thêm đụng độ, tôi có thể thấy điều đó còn leo thang căng thẳng hơn nữa dưới thời chính quyền quân sự” - ông Yawd Serk cảnh báo.

Tướng Yawd Serk, lãnh đạo RCSS. Ảnh: REUTERS

Tướng Yawd Serk, lãnh đạo RCSS. Ảnh: REUTERS

Ông Yawd Serk chỉ trích quân đội Myanmar đã đặt lợi ích của họ lên hàng đầu khi bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loại bỏ chính quyền dân sự. Dù cho rằng hành động của lực lượng quân sự đã khiến các nhóm nổi dậy mất niềm tin, ông Yawd Serk vẫn kêu gọi quân đội Myanmar đối thoại chân thành với tất cả các bên.

Ông Yawd Serk cũng kêu gọi lực lượng quân sự Myanmar thả tự do cho bà Suu Kyi và chính trị gia cấp cao khác.

Ông Yawd Serk cho biết lãnh đạo quân đội Myanmar đã liên lạc với RCSS và cam kết chính biến ở Naypyidaw sẽ không ảnh hưởng đến lệnh ngừng bắn.

Hơn 20 nhóm nổi dậy của các dân tộc thiểu số đang hoạt động ở các vùng biên của Myanmar. Một phần trong số này đã ký Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc với chính quyền Naypyidaw hồi năm 2015, trong khi một số khác không tham gia thỏa thuận và đôi khi vẫn gây ra các vụ tấn công và lực lượng chính phủ.

RCSS được thành lập năm 1996, là lực lượng nổi dậy lớn tại bang Shan - bang có diện tích lớn nhất Myanmar. Bang Shan nằm về phía đông đất nước và giáp với ba quốc gia láng giềng Trung Quốc, Lào và Thái Lan, có cơ câu dân cư đa dạng về sắc tộc.

Ít nhất tám nhóm nổi dậy không tham gia Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc, trong đó có lực lượng Quân đội Arakan ở bang miền tây Rakhine. Lãnh đạo Quân đội Arakan cho biết nhóm này đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Naypyidaw.

Chuyên gia Anthony Davis thuộc công ty tham vấn an ninh Janes (Anh) cho rằng đảo chính có thể khiến chính quyền quân sự chịu thêm sức ép từ cả trong và ngoài nước, nhờ đó các nhóm nổi dậy có thêm ưu thế khi đàm phán đòi quyền tự trị cao hơn.

Ông Davis lo ngại tình hình hiện tại có thể gây chia rẽ đất nước Myanmar sâu sắc hơn vì các nhóm nổi dậy hoạt động gần như là riêng lẻ, không tạo thành mặt trận thống nhất.

Sáng 1-2, quân đội Myanmar đã bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống (dân sự) Win Myint và nhiều quan chức của chính quyền Naypyidaw, trao quyền lực cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar. Phó Tổng thống trước đó là ông Myint Swe được giao chức quyền Tổng thống.

Lực lượng quân sự cáo buộc cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020 xảy ra tình trạng gian lận nhưng giới chức Naypyidaw đã không hành động để xử lý các bất thường này.

Bà Suu Kyi đang bị chính quyền quân sự truy tố với cáo buộc vi phạm quy định xuất nhập khẩu và bị giam giữ tới ngày 15-2. Nếu bị kết án, bà Suu Kyi có thể phải ngồi tù lên tới ba năm.

Tổng thống Win Myint cũng bị truy tố với cáo buộc vi phạm các lệnh hạn chế để phòng dịch COVID-19.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/10-nhom-noi-day-len-an-viec-quan-doi-myanmar-lam-chinh-bien-965732.html