10 nhân vật tỏa sáng rực rỡ trong các phần hậu truyện

Đi ngược lại quy luật phần sau khó vượt qua phần trước của nhiều thương hiệu điện ảnh, T-800, Thor sau trở lại với dấu ấn sâu đậm hơn trước trong lòng khán giả.

Nebula (Karen Gillan) trong Avengers: Endgame (2019): Ở Guardians of the Galaxy (2014), Nebula có thể được coi là một nhân vật phản diện. Nhưng đến Endgame, Nebula cũ đầy thâm hiểm của dòng thời gian trong Guardians of the Galaxy giao thoa với Nebula của 2023 khi đã rũ bỏ thù hằn và tìm thấy một đại gia đình chấp nhận con người cô. Mạch truyện của Nebula khiến người xem không khỏi bất ngờ. Có người thậm chí trở nên yêu mến nhân vật trước nỗ lực chuộc lỗi đầy anh hùng của Nebula qua cảnh cô giương súng bắn chết phiên bản cũ của bản thân.

Deadpool (Ryan Reynolds) trong Deadpool 2 (2018): Các nhà biên kịch Rhett Reese và Paul Wernick phải cần đến hai tập phim để khắc họa đầy đủ chân dung của gã lính đánh thuê lắm mồm do Ryan Reynolds thể hiện. Bên cạnh khiếu hài hước quen thuộc, Deadpool trong phần hai có lúc hiện lên rất đời thường với cảm xúc phức tạp, từ tình yêu dành cho Vanessa cho tới sự gắn bó với dị nhân trẻ Firefist. Deadpool 2 đã giúp nhân vật trở nên thân thiện và con người hơn để khán giả đồng cảm với gã.

Jack-Jack trong Incredibles 2 (2018): Không quá khó để phát triển nhân vật một đứa bé cho phần phim tiếp theo, và Jack-Jack là một ví dụ xuất sắc. Trong phần đầu, cậu bé chỉ là thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình siêu nhân. Nhưng đến phần hai, Jack-Jack đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong câu chuyện. Sở hữu nhiều khả năng siêu nhiên và tính cách độc đáo, cũng như mang đến màn "tỉ thí" hài hước với chú raccoon, Jack-Jack vẫn bé bỏng, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc không kém gì các thành viên khác trong gia đình.

Thor (Chris Hemsworth) trong Thor: Ragnarok (2017): Là một trong những nhân vật có tuyến phát triển liền mạch nhất ở MCU, Thor xuất phát là gã Thần Sấm kiêu căng đến nỗi bị trục xuất khỏi quê nhà. Những bài học qua từng phần phim cho đến sự kiện Ragnarok khiến anh phải đối mặt với việc Asgard bị hủy diệt, chấp nhận thất bại, để rồi đứng dậy thêm một lần nữa. Nhờ đạo diễn Taika Waititi, Chris Hemsworth đã thể hiện xuất sắc vai Thần Sấm vừa hài hước, vừa uy dũng. So với hai phần đầu, Thor ở Ragnarok thực sự đặc biệt và cho người xem thêm lý do để yêu mến anh.

Deckard (Harrison Ford) trong Blade Runner 2049 (2017): Trở lại màn ảnh sau hàng chục năm kể từ phần đầu tiên năm 1982, Deckard là một trong những nhân vật hiếm hoi hưởng lợi nhờ quãng thời gian kéo dài. Từng đem lòng yêu replicant Rachael, ở Blade Runner 2049, ông tiếp tục bảo vệ những người thân yêu và được đoàn tụ với con gái ở cuối phim. Nhân tính của Deckard được khắc họa sâu hơn và những cảm xúc gây tranh cãi từ phần đầu được gợi mở thông qua luận điểm ông có thể cũng là một replicant. Deckard của Blade Runner 2049 vẫn là Deckard của 35 năm trước, nhưng được mở rộng và phản chiếu để khán giả đồng cảm hơn.

T-800 (Arnold Schwarzenegger) trong Terminator 2: Judgement Day (1991): Tựa phim kinh điển khởi đầu cho loạt Kẻ hủy diệt năm 1984 giới thiệu cỗ máy chết chóc với bộ khung xương kim loại đáng sợ trên màn bạc. Đến Judgment Day, nhân vật T-800 của Arnold Schwarzenegger có thêm chiều sâu khi trở thành người hùng gần như bằng xương bằng thịt. T-800 tàn nhẫn vẫn còn đó, nhưng được bổ sung thêm sự hài hước và thấu cảm qua hành động bảo vệ hai mẹ con nhà Connor. Theo đó, nhân vật người máy trở thành hình ảnh bất tử, gắn liền với sự nghiệp Arnie.

Ash (Bruce Campbell) trong Evil Dead II (1987): Phần phim vừa là hậu truyện, vừa như một tái bản kỳ lạ của phần đầu, và cũng là nỗ lực xuất sắc của đạo diễn Sam Raimi trong dòng phim xác sống. Từ hình tượng anh hùng nghiêm túc, nhân vật chính Ash nay được biếm họa theo lối hài hước trong bối cảnh kỳ quái dựa trên nền tảng của tập đầu. Khi những người xung quanh anh gần như không còn nữa, Ash trở nên mất trí bởi Cuốn sách của người chết. Anh có những hành động bất thường như nhảy múa với đồ vật, bị ma quỷ săn đuổi, và đổi cánh tay của bản thân để lấy lưỡi cưa đánh bại thế lực đen tối. Đó là một bước tiến táo bạo mà Raimi vạch ra cho Ash và ông đã thành công.

Luke Skywalker (Mark Hamill) trong Return of the Jedi (1983): Luke Skywalker từng không ít lần bị người hâm mộ thương hiệu Chiến tranh giữa các vì sao chỉ trích là chỉ biết than vãn, luôn bám lấy em gái và thiếu nhận thức về trách nhiệm bản thân. Nhưng tới Return of the Jedi, nhân vật đã trở nên hoàn thiện, đồng thời tạo tiền đề cho bước ngoặt táo bạo ở The Last Jedi (2017) sau này. Những bài học trong hai phần đầu của loạt phim gốc đã giúp tạo nên một Luke Skywalker bình tĩnh, độc lập và đủ khả năng đánh bại Darth Vader một cách thuyết phục.

Rocky (Sylvester Stallone) trong Rocky III (1982): Chất lượng của loạt phim quyền Anh có tài tử Sylvester Stallone đóng chính bị nhận xét là đi xuống sau phần ba, nên Rocky III thường được coi là tựa phim khắc họa đầy đủ nhất quá trình phát triển của Rocky Balboa. Trong phim, nhà vô địch trở nên kiêu căng và nhếch nhác, mất tập trung bởi lối sống xa hoa. Nhân vật phải ngẫm lại những bài học quá khứ và tiếp thu lời khuyên từ những người anh tưởng chừng đã bỏ quên. Câu chuyện ca ngợi nỗ lực vượt qua chính bản thân khiến nhân vật Rocky Balboa trở nên hoàn thiện ở Rocky III.

Michael Corleone (Al Pacino) trong The Godfather Part II (1974): Dù The Godfather II không được đánh giá cao như phần đầu, đây lại là tác phẩm giúp bức chân dung nhân vật Michael Corleone trở nên hoàn chỉnh. Từ một vị anh hùng quân đội được trọng vọng, Michael miễn cưỡng tuân lệnh rồi đưa ra những quyết định sai lầm trong cuộc so kè quyền lực, để rồi dần trở thành kẻ đứng đầu băng đảng khét tiếng. Từng hành động của Michael được so sánh một cách tài tình với đế chế mà cha hắn xây dựng, khiến việc chứng kiến nhân vật dần sụp đổ không hề dễ chịu đối với khán giả.

An Thanh

Ảnh: Outnow

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-nhan-vat-toa-sang-ruc-ro-trong-cac-phan-hau-truyen-post1158791.html