10 ngôi chùa nên ghé thăm khi đến Sài Gòn dịp Tết

Bên cạnh chùa Việt, các ngôi chùa của người Hoa, người Khmer, người Ấn Độ... cũng là những địa điểm rất đáng ghé thăm ở Sài Gòn dịp Tết Nguyên đán.

Tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, chùa Giác Lâm có lịch sử hình thành từ năm 1744 là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.

Nằm trên đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, Nam Thiên Nhất Trụ hay chùa Một Cột Thủ Đức được hòa thượng Thích Trí Dũng cho dựng vào năm 1958. Ngôi chùa này nổi tiếng vì những nét kiến trúc tương tự với chùa Một Cột ở Hà Nội, như lời nhắc nhở các thế hệ mai sau hướng về cội nguồn.

Được xây dựng vào năm 1938, chùa Bửu Quang (quận Thủ Đức) là ngôi chùa đầu tiên của hệ Phái Nam Tông tại Việt Nam. Không có những công trình xây dựng bề thế, nét nổi bật của chùa Bửu Quang là khu vườn rất rộng, được che phủ bằng những tán cây um tùm. Rải rác trong vườn chùa là các tiểu cảnh mang đậm nét Phật giáo Nam Tông, bài trí hài hòa với khung cảnh thiên nhiên.

Chùa Ấn Quang tọa lạc tại 243 đường Sư Vạn Hạnh Phường 9, Quận 10, là một trường Phật học có tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở miền Nam. Chùa được tạo lập năm 1948, là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong những bước thăng trầm và phát triển của đạo Phật ở miền Nam.

Nằm ven kênh Nhiêu Lộc thuộc phường 4, quận Phú Nhuận, chùa Pháp Hoa được Hòa thượng Đạo Hạ Thanh người Quảng Nam thành lập năm 1928. Không chỉ có kiến trúc ấn tượng, chùa còn là một di tích lịch sử quan trọng, là nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP HCM, Điện Ngọc Hoàng hay chùa Ngọc Hoàng, tên chữ là Phước Hải Tự, là một ngôi chùa cổ có quy mô lớn, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô tuýp trang trí rực rỡ. Hàng ngày du khách trong và ngoài nước đến điện Ngọc Hoàng chiêm bái, tham quan chùa rất đông. Năm 2016, ngôi chùa này đã tiếp đón Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến công du Việt Nam của ông.

Chùa Bà Thiên Hậu (cách gọi của người Việt) có tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, Q. 5, TP HCM. Chùa được nhóm người Hoa gốc Quảng Châu di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760. Ngày nay chùa Bà Thiên Hậu được coi là một trong những ngôi chùa cổ nhất, lớn nhất và đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi chùa của người Hoa ở Sài Gòn.

Chùa Ông (còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán) tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là một ngôi chùa Hoa đáng chú ý khác ở Chợ Lớn. Đây không chỉ là nơi chiêm bái của người Hoa gốc Triều Châu ở vùng Sài Gòn mà còn là một công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật ở nửa cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

Tọa lạc ở số 164/235 đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM, chùa Chantarangsay (còn gọi là Candaransi - có nghĩa là Ánh Trăng trong tiếng Việt) là ngôi chùa Khmer độc đáo do nhà tu hành người Khmer Lâm Em sáng lập từ năm 1946. Với những đường nét kiến trúc đặc trưng của một ngôi chùa Khmer, chùa Chantarangsay đem lại những khám phá thú vị về văn hóa Khmer ngay giữa Sài Gòn.

Tọa lạc ở số 45 Trương Định, Q.1, đền thờ Bà Mariamman (người Việt thường gọi là chùa Bà) là ngôi đền Hindu giáo lớn và nổi tiếng nhất trong ba ngôi đền Hindu tại TP HCM ngày nay. Ngôi đền được các thương gia người Ấn Độ ở Sài Gòn đóng góp tiền xây dựng cách đây 100 năm để thờ thần Mariamman - một vị nữ thần trong Hindu giáo. Dù không phải chùa Việt nhưng rất nhiều người Việt đến nơi đây chiêm bái vào các dịp lễ, Tết.

Quốc Lê

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/du-lich/10-ngoi-chua-nen-ghe-tham-khi-den-sai-gon-dip-tet-729675.html