10 nền tảng y học thực chứng khuyến nghị cho nhũ nhi và trẻ nhỏ ăn dặm

Dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn trẻ ăn dặm là nền tảng cho sự phát triển tối ưu tiềm năng của mỗi đứa trẻ.

Giai đoạn nhũ nhi và trẻ nhỏ có hơn 2/3 thời gian thuộc 1.000 ngày đầu đời, khoảng thời gian cực kỳ quan trọng, được lập trình cho sự hình thành cả tương lai của trẻ. Dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn này là nền tảng cho sự phát triển tối ưu tiềm năng của mỗi đứa trẻ. Mọi thiếu sót về dinh dưỡng trong giai đoạn này thường không còn cơ hội để sửa sai và ít nhiều sẽ tác động đến tương lai không chỉ về sức khỏe mà còn về kinh tế xã hội, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cả một đời người! Vậy bắt đầu từ tháng thứ sáu, khi hàm lượng dưỡng chất có trong sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu phát triển thể chất, tâm thần - vận động của trẻ, việc ăn dặm phải được thực hiện một cách khoa học và hợp lý. Sau đây là 10 khuyến nghị có thực chứng y học giúp bạn chăm sóc dinh dưỡng cho bé yêu phát triển tốt nhất có thể:

1. Hiện trên toàn cầu chỉ 40% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trẻ nên được cho bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ càng nhiều, càng lâu càng tốt. Bên cạnh việc bú mẹ, ăn dặm hợp lý nên bắt đầu khi tròn 6 tháng tuổi (180 ngày sau sinh). Tuy nhiên, tùy thực trạng bú mẹ của Bé mà có thể cho ăn dặm sớm hơn nhưng không được trước 120 ngày tuổi. Trong giai đoạn đầu ăn dặm, cần cho trẻ ăn từ ít đến nhiều; từ loãng đến đặc; từ mịn đến thô; từ ngọt đến mặn; từ nguồn thực phẩm thực vật đến động vật.

2. Bảo đảm nhu cầu năng lượng từ thực phẩm cho trẻ: khoảng 600 kcal/ngày ở trẻ 6-8 tháng tuổi; 700 kcal/ngày ở trẻ 9-11 tháng tuổi và 900 kcal/ngày ở trẻ 12-24 tháng tuổi. Tần suất bữa ăn cho trẻ khỏe mạnh cần được cung cấp 4 - 6 lần mỗi ngày (3 -4 bữa chính và 1-2 bữa phụ đồng thời phải tiếp tục bú mẹ hay bổ sung sữa công thức theo nhu cầu trẻ). Lượng thức ăn mỗi bữa chính không vượt quá khả năng chứa đựng của dạ dày trẻ (khoảng 30g/kg cân nặng; Thí dụ một trẻ 7kg, dạ dày chỉ chứa tối đa khoảng 210g thức ăn mỗi lần ăn).

3. Tăng đậm độ, hàm lượng dinh dưỡng và năng lượng cho bữa ăn. Dạ dày trẻ không có khả năng chứa nhiều thức ăn mỗi bữa, tối đa khoảng 30g/kg cân nặng. Cần tối ưu hóa hàm lượng dinh dưỡng và năng lượng trong tổng khối lượng/thể tích thức ăn mỗi bữa. Vậy nên chọn thực phẩm giàu năng lượng và dinh dưỡng. Ngũ cốc nên rang trước khi xay hay nấu, chọn chất đạm từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ… Đừng quên cho thêm dầu thực vật vào bữa ăn trẻ, trường hợp trẻ vẫn còn bú mẹ, cho thêm khoảng 2 muỗng cà phê (10ml); 3 muỗng cà phê (15ml) và 5 muỗng cà phê (25ml) cho lần lượt trẻ 6-8 tháng; 9-12 tháng và 1-2 tuổi để bảo đảm đáp ứng 34%; 38% và 42% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày tương ứng từng độ tuổi nêu trên.

4. Tập cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm chất bột đường (các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt), chất đạm (ưu tiên đạm động vật, thịt, cá – tôm - cua, trứng, đậu – hạt các loại và sữa…), chất béo (ưu tiên dầu mỡ từ cá và dầu thực vật), vitamin – khoáng chất (rau quả xanh, đỏ, vàng…) và các loại rau củ có độ nhớt cao như đậu bắp, khoai môn, khoa mỡ, rau đay, mồng tơi để bổ sung chất xơ hòa tan... Tập ăn thức ăn mịn – lỏng ở 6 tháng tuổi, thô – đặc dần đến 8 tháng tuổi. Càng lớn, trẻ có thể ăn thô hơn, đặc hơn, thậm chí có thể tự bóc thức ăn đưa vào miệng ở 9 – 10 tháng. Chú ý tránh các thức ăn thô cứng, có thể làm trẻ nghẹn hay “mắc cổ” (dị vật đường tiêu hóa) rất nguy nhiểm. Đến 12 tháng tuổi, nên tập trẻ nhai và tự ăn. Nếu tập ăn tốt, trẻ có thể ăn nhiều loại thức ăn của cả nhà.

5. Bổ sung sữa tươi, sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa, sữa chua. Hàng ngày, ngoài sữa mẹ, trẻ 6 - 24 tháng tuổi cần bổ sung thêm 300 – 750 ml sữa.

6. Bổ sung đủ nước cho trẻ hàng ngày. Trẻ 6 – 24 tháng tuổi cần ít nhất 400-600 mL/ngày không bao gồm nước trong sữa và các loại thức ăn. Những ngày nóng, lượng nước cần sẽ nhiều hơn. Nước cần được bổ sung liên tục nhiều lần trong ngày để bảo đàm tất cả các quá trình trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể trẻ diễn ra tốt nhất.

7. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong bảo quản và chế biến thức ăn cho trẻ.

- Giữ vệ sinh tất cả các thành phần tiếp xúc với thực phẩm bao gồm dụng cụ nấu ăn, dụng cụ cho trẻ ăn uống và tay của người cho ăn lẫn trẻ trước và trong khi ăn.

- Bảo đảm thực phẩm tươi sống.

- Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu.

8. Hạn chế tối đa muối, đường. Ưu tiên chọn lựa nhóm thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng quan trọng trong bữa ăn trẻ. Lượng Natri (muối) trong sữa và thực phẩm đã đủ cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của trẻ. Thận trẻ nhũ nhi không tải nỗi quá 1g muối/ngày. Đối với trẻ > 1 tuổi, có thể cho thêm mắm, muối nhưng phải hạn chế tối đa, bảo đảm nhạt hơn khẩu vị các thành viên lớn trong gia đình. Các Vitamin A, B, đặc biệt là folate, D, C, và kẽm, sắt, can xi … là những dưỡng chất rất quan trọng cho nhu cầu phát triển thể chất và trí não trẻ. Nếu chọn đạm từ động vật như thịt đỏ, thủy hải sản, đậu đỗ, rau quả nhiều sắc màu xanh, đỏ, vàng sẽ đàm bào cung cấp các dưỡng chất quan trọng nêu trên.

9. Tăng khẩu phần và tần suất (lượng và lượt ăn) cho trẻ trong và sau khi ốm. Cố tạo bữa ăn ngon miệng hơn cho trẻ, chia nhỏ khẩu phần, thêm số lượt ăn trong ngày, và nâng cao hàm lượng dưỡng chất cũng như năng lượng cho trẻ đang ốm hay sau khi ốm. Không quên bổ sung thêm nước và tăng cường bú mẹ trong và sau khi trẻ ốm.

10. Bữa ăn dặm vui – hứng thú

- Đút trẻ nhũ nhi ăn, khuyến khích trẻ lớn hơn tự ăn, cho trẻ trải nghiệm với nhiều lại mùi vị và loại thực phẩm.

- Kiên nhẫn cho trẻ ăn từ tốn, không hối thúc, không ép hay đe dọa trẻ ăn, không thỏa hiệp với trẻ trong bữa ăn. Dừng ngay bữa ăn khi trẻ có biểu hiện nôn trớ, chuyển tư tưởng trẻ sang một câu chuyện khác không liên quan bữa ăn và nếu trẻ ăn chưa đủ bữa, sau ít nhất 30 phút có thể tiếp tục cho ăn lại.

- Ở trẻ sau 12 tháng tuổi, tạo cơ hội chọn lựa thức ăn và tham gia chuẩn gị bữa ăn. Tuy nhiên phải bảo đảm tính an toàn trong mọi hành vi trẻ.

- Tạo cho trẻ cảm nhận được sự ưu ái và khác biệt trong bữa ăn so với các thành viên khác.

- Hạn chế tối đa các hoạt động gây mất tập trung trong bữa ăn của trẻ như TV, Điện thoại, phim ảnh…

- Không quên trao cho trẻ những lời khen tặng chân thành, ánh mắt triều mến, cử chỉ yêu thương cho các hành động tích cực trong bữa ăn của trẻ.

Bs. Nguyễn Vũ Linh – ĐTTT – TTDD VINAMILK

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/tam-ly-suc-khoe/10-nen-tang-y-hoc-thuc-chung-khuyen-nghi-cho-nhu-nhi-va-tre-nho-an-dam-250138.html