10 năm xếp hạng ICT Index: Thước đo hiện đại hóa của ngành Tài chính

Sau 10 năm được thực hiện, Báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính (ICT Index ngành Tài chính) đã trở thành cơ sở cho việc đánh giá chính xác mức độ phát triển, sự thành công của các cơ chế chính sách hiện thời cũng như làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược phát triển của ngành Tài chính.

Liên tục cập nhật

Từ năm 2008, Báo cáo ICT Index ngành Tài chính đã được bắt đầu thực hiện và cho tới nay mỗi năm đều công bố kết quả xếp hạng, đồng thời phục vụ trực tiếp việc cung cấp số liệu hàng năm để xây dựng Báo cáo Việt Nam ICT Index do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam thực hiện.

Về phương pháp tính toán, trên cơ sở tiếp nhận phương pháp tính do Hội Tin học Việt Nam chuyển giao, khi lần đầu tiên thực hiện năm 2008, Báo cáo ICT index ngành Tài chính chỉ tập trung đánh giá xếp hạng đối với 2 nhóm (Trung ương và Sở Tài chính) gồm 14 đơn vị. Mặc dù số liệu khi đó chưa đánh giá được hoàn toàn chính xác và toàn diện bức tranh tổng thể ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính nhưng đây là cơ sở quan trọng để ICT Index ngành Tài chính tiếp tục được hoàn thiện hơn.

Sang năm 2009, Báo cáo đã mở rộng số lượng đơn vị đánh giá xếp hạng ra toàn Ngành. Mẫu phiếu điều tra được lập thành 3 mẫu để phù hợp với từng nhóm điều tra là các cơ quan trung ương; các đơn vị cấp tỉnh, thành phố (Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Dự trữ Nhà nước khu vực) và các sở tài chính. Mỗi năm, các mẫu phiếu này được điều chỉnh phù hợp hơn theo hướng đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các quy định chung của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực CNTT và truyền thông đối với ngành Tài chính.

Trong những năm từ 2008 đến 2017, số liệu sau khi kiểm tra, hiệu chỉnh và bổ sung đều được chuẩn hóa và đưa vào tính toán các chỉ số thành phần. Tiếp theo sử dụng phần mềm S-PLUS 2000 Professional Release 3 của Hãng Mathsoft (Mỹ) để tính toán các hệ số tương quan của các chỉ số thành phần theo phương pháp phân tích thành phần chính. Sau khi có các hệ số tương quan sẽ tính chỉ số chính ICT index và xếp hạng các đơn vị theo chỉ số này.

Từ năm 2018, ICT Index ngành Tài chính được áp dụng phương pháp tính mới theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc thay cho phương pháp Phân tích thành phần chính đã được sử dụng suốt trong 9 năm vừa qua.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Theo đánh giá của ông Đặng Đức Mai – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), các báo cáo công bố đều đặn trong suốt 10 năm qua đã cho thấy bức tranh toàn cảnh khá đầy đủ về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của toàn Ngành, đặc biệt là các đơn vị ở địa phương, qua đó hiểu rõ thực trạng ứng dụng CNTT của đơn vị mình để có các biện pháp, chính sách phù hợp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước vào công tác cải cách hành chính.

Song, ông Mai cho biết: Là đơn vị đầu tiên xây dựng bộ chỉ số cho Ngành cho nên việc gặp khó khăn, vướng mắc là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như, số liệu phục vụ xây dựng Báo cáo chủ yếu được thu thập thông qua các phiếu điều tra gửi trực tiếp cho các đơn vị được đánh giá. Nhiều đơn vị hoặc chưa nhận được thông tin đầy đủ, hoặc chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác thu thập số liệu dẫn đến không thu thập được đầy đủ 100% số phiếu điều tra. Cũng có đơn vị không quan tâm đúng mức đến việc cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác, nên đã làm ảnh hưởng tới kết quả xếp hạng so với thực tế hoạt động. Tuy nhiên sau nhiều năm, hiện tượng này đã giảm dần.

Từ những khó khăn, vướng mắc đó, Bộ Tài chính dần đúc rút kinh nghiệm, năm 2013, cùng với việc giữ nguyên hệ thống chỉ tiêu trong 3 năm (3 năm thay đổi một lần) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị điều tra trong việc chuẩn bị số liệu và so sánh với kết quả xếp hạng của các năm, đơn vị chủ trì xây dựng báo cáo còn yêu cầu đơn vị cung cấp lại số liệu của năm trước và giải trình nếu có sự khác biệt lớn giữa số liệu của năm báo cáo và số liệu của năm trước đó. Cách làm này giúp giảm sự đột biến của số liệu cũng như hạn chế tác động không mong muốn của việc thay đổi người tổng hợp số liệu, điền phiếu điều tra.

Tới đây, Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn các kỹ năng thu thập số liệu cho cán bộ chuyên trách CNTT thường niên đóng vai trò cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dữ liệu xây dựng chỉ số ICT Index ngành Tài chính. Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh hệ thống chỉ tiêu trong phiếu điều tra để sát với định hướng phát triển, ứng dụng CNTT của từng giai đoạn, giảm hoặc bỏ các chỉ tiêu khó có số liệu chính xác… Ngoài ra, phương pháp tính sẽ được đơn giản hóa sao cho dễ thực hiện, dễ phổ biến và phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp tính của Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc.

Bảng xếp hạng ICT Index ngành Tài chính 2018:

Ở khối Trung ương: Tổng cục Thuế dẫn đầu, vị trí thứ 2 thuộc về Cơ quan Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xếp vị trí thứ 3.

Ở nhóm Sở Tài chính tỉnh, thành phố, Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục dẫn đầu, vị trí thứ 2 thuộc về Sở Tài chính Đà Nẵng và sau đó là Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long.

Trong nhóm Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hậu Giang vươn từ vị trí thứ 3 năm 2017 lên xếp thứ 1, tiếp đó là Kho bạc Nhà nước tỉnh Bạc Liêu và Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang.

Nhóm Cục Thuế tỉnh, thành phố, Cục Thuế tỉnh Kon Tum đã có bước chuyển ngoạn mục từ vị trí 30 năm 2017 lên vị trí dẫn đầu trong năm 2018; vị trí thứ 2 thuộc về Cục Thuế tỉnh Lai Châu và vị trí thứ 3 thuộc về Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.

Trong bảng xếp hạng của các Cục Hải quan địa phương, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cũng bứt phá từ vị trí thứ 3 năm 2017 lên vị trí thứ 1. Các vị trí sau đó thuộc về Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk và Cục Hải quan Quảng Ninh.

Đối với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình tiếp tục giữ vị trí đứng đầu, dẫn trước Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/10-nam-xep-hang-ict-index-thuoc-do-hien-dai-hoa-cua-nganh-tai-chinh.aspx