10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc

Giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn đang là mục tiêu đặt ra trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ ở giai đoạn tới.

Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi để xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ có điểm khởi đầu nhưng không điểm kết thúc.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phú Thọ đã có 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 37,7%, 13/13 huyện, thành, thị đều có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 3 địa phương thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ, huyện Thanh Thủy có 100% số xã được nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Lâm Thao được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Phú Thọ vươn lên nhóm đầu khu vực miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm của HTX mỳ gạo Hùng Lô, Việt Trì, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương. Ảnh: baophutho.vn

Sản phẩm của HTX mỳ gạo Hùng Lô, Việt Trì, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương. Ảnh: baophutho.vn

Mặc dù đạt kết cao trong xây dựng nông thôn mới, xong tỉnh Phú Thọ còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Không ít địa phương chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân, còn trông chờ vào đầu tư vào ngân sách nhà nước; công tác tuyên truyền nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các ngành, đia phương thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương sau khi đạt chuẩn nông thôn mới có tư tưởng thỏa mãn lơ là, buông lỏng chưa nghiêm túc trong việc tiếp tục thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới dẫn đến tình trạng nhiều công trình sau đầu tư xuống cấp không được duy tu, bảo dưỡng, nhiều tiêu chí bị giảm so với thời điểm được công nhận hoặc không đạt một số tiêu chí theo chuẩn mới. Trong khi đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, giáo dục ở nhiều địa phương còn hạn chế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong việc xã hội hóa gặp nhiểu khó khăn.

Với những khó khăn còn tồn tại hiện nay, câu hỏi lớn phải làm sao giữ chuẩn và thêm chuẩn, nâng chuẩn nông thôn mới là nỗi trăn trở của cả cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn bộ người dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, gành nông nghiệp đang triển khai hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Trong đó, ngành chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng đặc sản theo chương tình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu; ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, khuyến doanh nghiệp, cá nhân thuê đất người dân đầu tư sản xuất tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn…

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, ngành cũng phối hợp với các địa phương phát triển nhân rộng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn, trải nghiệm vùng cây ăn quả, đồi chè; hình thành các trung tấm phát triển văn hóa dân tộc gắn phát triển du lịch nông thôn.

Theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thì khối lượng công việc trong giai đoạn tới còn rất lớn, tỉnh đang khẩn chương chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục rà soát đánh giá lại các tiêu chí đối với những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên cơ sở bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giải pháp cụ thể duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí đối với những xã đã đạt chuẩn trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, huyện nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường huy động đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho xây dựng nông thôn mới; tiếp tục bố trí nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương được giao, nguồn vốn ngân sách địa phương cho các xã đã đạt chuẩn để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Trước mắt, tỉnh tập trung thẩm định, trình công nhận thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Các ngành, địa phương, các cơ quan trong tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, bởi xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng xã hội nông thôn hiện đại, văn minh, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tiếp tục tăng cường vận động nhân dân tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình thông qua các hoạt động, mô hình thực tiễn; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong tổ chức thực hiện chương trình tại cơ sở.

Đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ dành trên 10.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình là 1.500 tỷ đồng, chiếm 14,7%; Vốn ngân sách nhà nước đầu tư lồng ghép thực hiện chương trình là 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 3.000 tỷ đồng, chiếm 29,4% và nguồn vốn khác trên 3.000 tỷ để thực hiện chương trình.

Phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh có 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có từ 5-10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; có thêm tối thiểu 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (để lũy kế có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới); không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã trở lên; có 80% số khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, có tối thiểu 10% số khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2025- 2030 tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm các huyện, xã, khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm.

Với chính sách mới, cách làm mới, tư duy mới sẽ là một “luồng gió mới” làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của tỉnh, giúp chương tình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ không điểm kết thúc trong giai đoạn tới.

Đào An-Tạ Toàn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-bai-cuoi-co-diem-khoi-dau-khong-diem-ket-thuc-20191121091127002.htm