10 năm xây chợ đầu mối Vĩnh Tường 'trên giấy'

Năm 2009, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, trung tâm kho vận và khu đô thị thương mại huyện Vĩnh Tường với mục tiêu đẩy mạnh kết nối nông sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ thương mại và nhà ở của người dân. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, đến nay dự án này vẫn chậm tiến độ kéo dài.

Tỉnh lộ 304 (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nơi dẫn vào chợ thị trấn Thổ Tang thường xuyên ùn tắc từ gần trưa đến chiều muộn kéo dài vài cây số do lượng xe và người đổ về.

Tỉnh lộ 304 (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nơi dẫn vào chợ thị trấn Thổ Tang thường xuyên ùn tắc từ gần trưa đến chiều muộn kéo dài vài cây số do lượng xe và người đổ về.

Trên đoạn đường từ quốc lộ 2 rẽ vào Thổ Tang chừng 2 km, nhiều đoàn xe tải cỡ lớn chen chúc luồn lách vào thị trấn. Tại đây, các loại nông sản nhập được từ Trung Quốc chuyển về sẽ được trung chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và các chợ lớn nhỏ trong vùng. Sự nhộn nhịp, tấp nập của khu vực này đã đưa chợ Thổ Tang trở thành “trung tâm phân phối nông sản” nổi tiếng miền bắc. Hệ thống kho bãi chằng chịt và thường xuyên trong tình trạng chật ứ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: “Bên cạnh việc đem lại những lợi ích về phát triển kinh tế, việc họp chợ trên đường tỉnh lộ 304 thường xuyên gây cản trở, ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Đây là tuyến đường có nhiều phương tiện vận tải thường xuyên lưu thông. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Việc người dân tự ý dừng xe vận chuyển hàng, dựng sạp hàng ngay ven đường vừa lấn chiếm hành lang giao thông, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị.”

Bên cạnh đó, ở Thổ Tang, Chợ Giang đóng vai trò là trung tâm thương mại chính của thị trấn. Qua tìm hiểu được biết, chợ được xây dựng từ những năm 1990. Đến nay, ngôi chợ có gần 30 năm tuổi, nhiều điểm cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ cổng chính đến trong lòng chợ và các công trình phụ trợ đều lụp xụp với đủ loại bạt che cũ kỹ, thậm chí rách nát, vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Trước nhu cầu cấp bách của việc xây dựng chợ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giải quyết vấn đề ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ngay từ năm 2009, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương triển khai, đầu tư xây dựng, kinh doanh khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường. Dự án có quy mô diện tích 186,49 ha, trong đó, đất thuộc phạm vi dự án là 154,17 ha với: 92,99 ha đất xây dựng thương mại đô thị; 32,62 ha đất xây dựng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 17,41 ha đất xây dựng hệ thống kho vận; 11,15 ha đất xây dựng Chợ điện tử, vật liệu xây dựng.

Dự án nằm sát tuyến đường lớn nối thị trấn Thổ Tang ra ngã ba Vĩnh Tường, thuộc địa phận ba xã: Tân Tiến, Lũng Hòa và Yên Lập của huyện Vĩnh Tường do Công ty Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư. Ngoài ra, dự án xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm tổng hợp Vĩnh Tường cũng đã được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển tổng thế phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Mặc dù dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý ban đầu nhưng trên thực tế việc triển khai dự án còn rất chậm, khó khăn do việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Nguyên nhân chủ yếu khiến các hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB là do chưa đồng ý với đơn giá hỗ trợ, bồi thường đất. Các hộ đều đưa ra đơn giá rất cao, một số hộ đề nghị trái quy định khi yêu cầu đổi đất nông nghiệp lấy đất thổ cư. Ngoài tiền bồi thường theo quy định hơn 83 triệu đồng/sào bắc bộ, nhà đầu tư cũng có hỗ trợ thêm cho người dân tùy theo từng loại đất… Thế nhưng, một bộ phận lại hiểu lầm sự hỗ trợ của nhà đầu tư, cho rằng có thể thỏa thuận giá với nhà đầu tư, nên vẫn chưa chấp nhận mức giá hỗ trợ, bồi thường GPMB hiện nay.

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Tường, tổng diện tích đã chi trả hỗ trợ, bồi thường GPMB là gần 84,21 ha, đạt tỷ lệ 54,6% trên tổng diện tích phải bồi thường với số tiền đã chi trả hơn 200 tỷ đồng, trong đó phần đô thị là 92,9 ha, phần chợ và kho vận là 62,1 ha. Ngoài vấn đề khó khăn trong việc GPMB, những yêu cầu bắt buộc của Luật Đất đai 2013, cũng như những quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa cũng đã khiến dự án bị chậm lại.

Ông Đặng Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, việc triển khai dự án kho vận chợ đầu mối để giảm tải cho đường tỉnh lộ 304 là có chậm, tuy nhiên nguyên nhân khách quan chủ yếu từ việc phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần do yêu cầu của người dân trong việc giữ lại nghĩa trang, giữ lại 17 ha đất để giãn dân và đất đấu giá; đặc biệt phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển đổi 110 ha đất lúa sang đất chợ và khu kho vận.

“Hiện nay, mọi thủ tục pháp lý dự án này đã hoàn tất. Sớm nhất dự kiến quý 2-2019 chúng tôi sẽ có mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án”, ông Thủy cho biết thêm.

Việc quyết định đầu tư dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường là thật sự cần thiết đáp ứng nhu cầu cần thiết về kho bãi, vận chuyển hàng hóa, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và giảm ách tác giao thông trong các khu phố cũ của thị trấn Thổ Tang, cũng như làm cơ sở quản lý đầu mối tập trung đối với vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đã và đang được xã hội quan tâm hiện nay.

ĐỨC TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39560502-10-nam-xay-cho-dau-moi-vinh-tuong-tren-giay.html