10 năm vẫn chưa được xét xử lại

Đã hàng chục năm trôi qua kể từ khi UBND TP Hà Nội có quyết định gắn biển 47 điểm di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội, trong đó có chùa Quang Ân (hay còn gọi là chùa làng Tân). Thế nhưng, cho đến thời điểm này, biển di tích chưa thấy đâu còn chùa vẫn ngày một xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Quang Ân có từ đầu thế kỷ 17, theo một số người cao tuổi trong làng, đầu thế kỷ trước, chùa là một thắng cảnh đẹp, nổi tiếng linh ứng, có nhiều hiện vật quý như: Quả chuông chùa đúc năm 1826 (năm Minh Mạng thứ 7), 4 tấm bia ghi công đức của nhiều thế hệ, nhiều người và nhiều dòng tộc vùng Nghĩa Đô đã có công bảo vệ, tôn tạo, hiến đất thổ cư, đất ruộng cho chùa. Tháng 4/1945, để đẩy mạnh cao trào đấu tranh cách mạng, Thành ủy Hà Nội đã triệu tập hội nghị quân sự tại chùa làng Tân. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Quyết, khi đó là Bí thư Thành ủy chủ trì đã ra nghị quyết quan trọng: Hà Nội không đánh du kích mà tổ chức các đội tự vệ chiến đấu để bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng, tổ chức thêm các đội đặc biệt chuyên trừ gian,...

Chùa Quang Ân hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: M.Q)

Chùa Quang Ân hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: M.Q)

Sau tiếp quản Thủ đô (1954) ông Đỗ Vũ Hinh, còn gọi là ông xã chùa – người trông coi nhang đèn cho chùa, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao 10 thửa ruộng và nhiều thửa đất canh tác thuộc quyền sở hữu của chùa.Không hiểu sao sau đó đất của chùa lại được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Đỗ Vũ Chi và bà Đinh Kim Hồng, là con cháu ông Hinh.

Sau đó, gia đình ông Chi, bà Hồng có đơn yêu cầu TAND quận Cầu Giấy chia thừa kế đất chùa mà ông bà được cấp sổ đỏ. Điều này đã bị nhân dân địa phương và chính một số con cháu ông Hinh như ông Đỗ Văn Cường phản đối và đã làm đơn gửi lên lãnh đạo TP Hà Nội, Ủy ban MTTQVN và cơ quan có thẩm quyền đề nghị can thiệp.Năm 2005, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy kiểm tra xác minh nội dung kiến nghị của người dân về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong khuôn viên chùa làng Tân cho ông Đỗ Vũ Chi. Tháng 9/2005, Phòng VHTT quận Cầu Giấy có công văn gửi TAND quận nói rõ: Chùa Quang Ân (chùa làng Tân) do UBND quận Cầu Giấy và trực tiếp là Ban quản lý di tích danh thắng phường Nghĩa Đô quản lý. Chùa là một di tích lịch sử và cách mạng, vì vậy cần phải được bảo vệ theo đúng Luật Di sản văn hóa đã ban hành.

Tuy nhiên, ngày 23 và 26/6/2006, TAND quận Cầu Giấy đã đưa vụ án chia di sản thừa kế trên ra xét xử sơ thẩm. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, chia 457m2 đất và tài sản trên đất cho 5 người con của bà Đỗ Thị Tý (con ông Hinh). Không đồng ý với phán quyết trên, ông Đỗ Văn Cường kháng cáo vì cho rằng cụ Hinh chỉ là người trông giữ chùa làng Tân. Vì vậy, không thể coi đất chùa này là di sản thừa kế. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 254/2006/DS-PT, TAND TP Hà Nội nhận định: “Với tất cả các chứng cứ do hai bên xuất trình và đối chiếu với các tài liệu trong hồ sơ do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập được, HĐXX phúc thẩm nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận nhà đất đang tranh chấp tại số 62 ngách 81/2, phường Nghĩa Đô là di sản thừa kế của bà Đỗ Thị Tý để lại”.

Để giải quyết triệt để vụ án và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các đương sự, HĐXX phúc thẩm xét thấy cần phải hủy án sơ thẩm để yêu cầu các đương sự làm rõ mâu thuẫn về chứng cứ trong hồ sơ và cần có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định nhà đất tranh chấp có phải nằm trong khuôn viên đất chùa làng Tân hay không. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST của TAND quận Cầu Giấy; Giao hồ sơ về TAND quận Cầu Giấy giải quyết lại theo thủ tục chung. Tuy vậy, hơn chục năm trôi qua, không hiểu vì lý do gì mà TAND quận Cầu Giấy vẫn chưa thể mở lại phiên tòa để xét xử vụ kiện trên.

Ngày 26/8/2008, UBND quận Cầu Giấy và Sở VH-TT&DL đã chủ trì hội thảo khoa học với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý cấp thành phố, quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô, các giáo sư sử học, nhà khoa học,… Kết luận Hội thảo, tất cả những đại biểu tham dự đều thống nhất, chùa Quang Ân với niên đại hơn 400 năm, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, không phải là “chùa tư” của cá nhân nào dựng nên. Ngoài ra, chùa còn là một di tích cách mạng kháng chiến, là cơ sở hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ. Thậm chí, vào tháng 1-2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy có Văn bản số 738/CV-TG nêu nội dung gắn biển di tích tại chùa Quang Ân. Trước đó, vào tháng 5/2006, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Phạm Thế Duyệt cũng đã yêu cầu lãnh đạo UBND TP Hà Nội làm rõ, giải quyết đúng vụ việc chùa làng Tân.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/10-nam-van-chua-duoc-xet-xu-lai-91669.html