'10 năm ươm mầm Thiện': Hành trình như mới bắt đầu

“Ngày Thiện Nhân còn nhỏ, khi cô giáo ra bài tập cho các bạn trong lớp hãy miêu tả về lễ hội của quê em, con tôi không làm được và bị điểm kém. Về nhà, con tâm sự rằng, con chưa bao giờ về quê hương nên cũng không thể miêu tả được lễ hội của quê mình. Câu nói đó của con cứ khiến tôi day dứt. Rồi sau nhiều năm đi vòng quanh thế giới phẫu thuật, cuối cùng Thiện Nhân cũng đã đặt chân về quê hương Quảng Nam xinh đẹp. Trong đêm trăng rằm trên sông Hoài, con lần đầu tiên được thả hoa đăng…” – bà Trần Mai Anh (mẹ nuôi cậu bé Thiện Nhân) tâm sự trong cuộc gặp gỡ sau hơn 10 năm Thiện Nhân quay trở về quê hương.

Những y-bác sĩ trong và ngoài nước cùng nhiều nhà hảo tâm chụp ảnh kỷ niệm 10 năm Thiện Nhân trở về quê hương. Ảnh: H.L

Sáng 20.6, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa tổ chức chương trình gặp mặt cảm động mang tên “10 năm ươm mầm Thiện Nhân”. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân có cơ hội gặp lại những người bác sĩ đến từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam – ê kíp đầu tiên trực tiếp sơ cứu cho con khi được đưa vào bệnh viện. Cũng tại buổi gặp mặt, bà Trần Mai Anh – mẹ nuôi Thiện Nhân đã gửi lời cảm ơn tới bác sĩ Roberto De Castro – vị bác sĩ trực tiếp phẫu thuật bộ phận sinh dục cho con, ông Greig Craft – Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á - và nhiều người tốt vẫn đang viết tiếp hành trình kỳ diệu mang tên Thiện Nhân.

Năm nay Thiện Nhân vừa tròn 10 tuổi, thế nhưng hơn 10 năm qua, nhờ những tấm lòng lương thiện của nhiều người trong và ngoài nước đã cùng chung tay giúp sức để Thiện Nhân có thể trở về cuộc sống bình thường. Không những vậy, từ hành trình cảm động của chú lính chì Thiện Nhân, các nhà hảo tâm và những bác sĩ lại tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích cho hàng trăm em nhỏ khiếm khuyết bộ phận sinh dục khác ở Việt Nam.

Tại cuộc gặp gỡ đầy xúc động, lần đầu tiên gia đình Thiện Nhân được gặp gỡ các y-bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam – những người trực tiếp điều trị cho Thiện Nhân sau khi người dân phát hiện ra con bị bỏ rơi trong rừng. Bác sĩ Tố Trinh – 1 trong những bác sĩ điều trị Thiện Nhân những ngày đầu kể lại: Cái đêm cách đây 10 năm, lúc đó khoảng 7- 8h tối, có một cậu bé sơ sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc đó bác sĩ Tố Trinh và nhiều y-bác sĩ tại Bệnh viện đều bàng hoàng không tin vào mắt mình về một cậu bé vừa mới ra đời đã bị mất một chân và bộ phận sinh dục bị khiếm khuyết.

“Tôi còn nhớ lúc con nhập viện thì mất máu quá nhiều, một bác sĩ tên Kiều Trinh trong ê kíp trực đã tình nguyện hiến máu để giữ mạng sống cho con .Trong những ngày con được nhập viện, rất nhiều người tốt không cầm được với nước mắt khi trực tiếp hỗ trợ cho con. Những bác sĩ như chúng tôi cũng thầm cảm phục trước tinh thần của con để chống chọi với bệnh tật. Suốt thời gian Thiện Nhân được điều trị ở Bệnh viện, toàn bộ nhân viên chúng tôi luôn túc trực chăm sóc con. Có lẽ trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi, Thiện Nhân là một trường hợp đặc biệt khiến tôi nhớ mãi” – bác sĩ Tố Trình nhớ lại.

Trong suốt một tháng sau khi cậu bé sơ sinh được điều trị tại bệnh viện, với mong muốn động viên tinh thần con những ngày tiếp theo con chống chọi với bệnh tật, các y-bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã đặt tên cho con. Theo bác sĩ Tố Trinh, với ước muốn sau này con sẽ lớn lên trở thành một người có ích nên những vị lương y tốt bụng ban đầu định đặt tên con là Thành Nhân, nhưng sau đó có bác sĩ góp ý rằng tên “Thiện” sẽ có ý nghĩa hơn nên từ đó, tên Thiện Nhân ra đời và gắn với một cuộc đời đặc biệt.

Bà Trần Mai Anh - người trực tiếp nhận nuôi Thiện Nhân - có mặt tại buổi trò chuyện đã không dấu được cảm xúc trước rất nhiều lòng tốt của những bác sĩ, nhà hảo tâm trong rất nhiều năm luôn dõi theo từng chặng đường của Thiện Nhân.

“10 năm trước đây con trai tôi là một bệnh nhân may mắn sống sót sau 72 tiếng phẫu thuật với một cơ thể bị mất chân, khuyết bộ phận sinh dục. 10 năm sau đó, con tôi lại trở về quê hương nhưng lần này, Thiện Nhân không còn là một bệnh nhân mà con trai tôi trở về để đồng hành cùng các trẻ em bị mất bộ phận sinh dục.

Khoảng 5 năm trước khi con được 6 tuổi, ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục đầu tiên do bác sĩ Roberto De Castro hoàn thành. Sau khi cuộc phẫu thuật thành công, tôi có hỏi con trai rằng, giờ mẹ cùng các anh sẽ tiếp tục hành trì phẫu thuật cho các em bé khác, riêng con có quyền trở về với cuộc sống hằng ngày, được vui đùa, được đến trường. Thiện Nhân lúc đó tuy nằm trên giường bệnh nhưng con vẫn cố gắng xin phép mẹ để tiếp tục tham gia chương trình ý nghĩa này.

Lần quay về Quảng Nam này tôi rất xúc động, sau khi đi gần 3 vòng trái đất với 6 cuộc phẫu thuật rồi con cũng quay về lại nơi con sinh ra. Thiện Nhân vẫn là cậu bé của quê hương, của đất và người Quảng Nam. Tôi cảm nhận được điều đó trong từng lời nói đến tính cách của con" - bà Trần Mai Anh tâm sự.

Cũng tại cuộc gặp gỡ, bác sĩ Roberto De Castro - bác sĩ phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân, luôn khẳng định rằng, Thiện Nhân là một cậu bé kỳ diệu, một cậu bé thiên thần được thượng đế ban xuống trái đất. “Tôi rất vinh dự khi đóng góp một phần công sức của mình để Thiện Nhân có thể quay trở lại cuộc sống hằng ngày.

Khi Thiện Nhân và gia đình con đến Bolivia – nước Ý, đó thật sự là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tôi. Từ ngày Thiện Nhân đến thăm khám và phẫu thuật tại đây, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng muốn giúp đỡ nhiều em bé có hoàn cảnh tương tự như Thiện Nhân ở Việt Nam. Nhờ chương trình mang tên Thiện Nhân, đến thời điểm này, chúng tôi đã thăm khám cho hơn 600 em nhỏ và phẫu thuật cho 170 em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Hằng năm, hành trình bắt đầu từ Hà Nội đến Đà Nẵng và vào TPHCM.

Ông Greig Craft – Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á – nói trong xúc động: “10 năm qua quả là một chặng đường kỳ diệu. Chúng tôi mong muốn góp một phần công sức để nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam sớm được đến trường. Chặng đường giúp đỡ các trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục tại Việt Nam đã đi được 10 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn mong muốn đi tiếp chặng đường này".

Được biết, chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thuộc Quỹ phòng chống thương vong Châu Á. Dự án được khởi xướng từ việc giúp đỡ Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi tại vùng quê Quảng Nam khi bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và một chân khi mới chào đời. Em đã được bà Trần Mai Anh nhận nuôi và trong suốt 9 năm qua, Thiện Nhân đã trải qua 6 cuộc phẫu thuật để tái tạo bộ phận sinh dục.

Tháng 8.2011, nhân chuyến đi của bác sĩ Roberto De Castro sang Việt Nam, dự án đã tổ chức thăm khám lần đầu tiên cho hơn 100 bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Và từ đó, mỗi năm, dự án tổ chức 2 lần khám và phẫu thuật trên cả nước cho các em nhỏ, cả trai và gái bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu và tái tạo bộ phận sinh dục với hàng trăm bác sĩ chuyên ngành tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chương trình cũng đã trao tặng dụng cụ phòng mổ cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Bà Trần Mai Anh - mẹ nuôi Thiện Nhân (bên phải) không dấu được xúc động tại chương trình gặp mặt thân mật. Ảnh: H.L

Tại cuộc gặp mặt lần này, bác sĩ Roberto De Castro và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi sẽ thăm khám những trường hợp trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Tại cuộc gặp mặt lần này, bác sĩ Roberto De Castro và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi sẽ thăm khám những trường hợp trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/10-nam-uom-mam-thien-hanh-trinh-nhu-moi-bat-dau-564536.bld