10 năm sáp nhập Hà Nội: Chuyện ít biết về quá trình chuẩn bị đề án

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII diễn ra vào tháng 5/2008, Quốc hội đã thông qua đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô với 92,9% số phiếu tán thành. Để cho ra đời được đề án này, BCĐ phải chuẩn bị trong 6 năm với rất nhiều cuộc hội thảo...

LTS: 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan mà người dân thường gọi bằng cụm từ "sáp nhập Hà Nội", mô hình đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành, tạo nên diện mạo mới mẻ cho Thủ đô sau 10 năm. Tuy nhiên cũng còn đó nhiều vấn đề mà Hà Nội mở rộng còn phải đối mặt như cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ùn tắc giao thông, ngập nước, mật độ dân số nội đô, ô nhiễm môi trường, tiến độ triển khai các khu đô thị vệ tinh hay vấn đề hạ tầng đang đặt ra nhiều thách thức cho TP.

Nhân dịp 10 năm Hà Nội mở rộng, Infonet xin giới thiệu loạt bài viết về quá trình xây dựng, ra đời quyết định lịch sử này, cũng như các ý kiến, bình luận, đánh giá và hiến kế của nhà quản lý, chuyên gia về quá trình hiện thực hóa mục tiêu của việc mở rộng Hà Nội

Bài 1: 10 năm sáp nhập Hà Nội: Chuyện ít biết về quá trình chuẩn bị đề án

Ban chỉ đạo lập đề án gồm những ai?

Năm 2008, Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được đặt lên bàn Quốc hội. Lý do mà Chính phủ đưa ra là “hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao”.

Để đưa ra trình Quốc hội đề án này, tại cuốn tài liệu "Thủ đô Hà Nội 10 năm mở rộng địa giới hành chính" do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội soạn thảo vừa mới công bố đã thông tin:

Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư Xây dựng Vùng Thủ đô được thành lập dưới sự chỉ đạo, điều hành của 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng và PTT Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ.

Gần 6 năm kể từ khi chuẩn bị nhiệm vụ, tiến hành nghiên cứu Đề án quy hoạch xây dựng Vùng Hà Nội các chuyên gia của Bộ Xây dựng cùng với các chuyên gia quy hoạch Vùng Ile de France (Pháp) và vùng Melbournen (Úc) dựa trên căn cứ kinh nghiệm Quốc tế và thực tiễn Việt Nam tiến hành nghiên cứu từ năm 2004- 2007 và qua hơn 20 cuộc hội thảo trong nước, quốc tế …

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, yêu cầu mở rộng Thủ đô Hà Nội phải đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với các định hướng phát triển vùng Thủ đô, phù hợp với dân số Thủ đô và các đô thị trong vùng, các khu vực có hả năng phát triển công trình đầu mối hạ tầng, các dự án quốc gia gắn với Thủ đô hoạt động lâu dài, phù hợp các điều kiện địa lý- lịch sử- văn hóa truyền thống; có quỹ đất đủ rộng để xây dựng một số khu chức năng của Thủ đô, các đô thị - khu đô thị mang tính chất vệ tinh để giảm áp lực vào khu vực nội thành truyền thống;

Bộ Chính trị cũng yêu cầu có thể phát triển vành đai xanh, không giản mở, các vùng thực phẩm rau quả tươi phục vụ các đô thị trong vùng; lựa chọn các khu vực đô thị cần kề đã có thời gian gắn kết chặt chẽ về giao thông, hoạt động đô thị và kinh tế thuận lợi đối với việc điều chỉnh lại địa giới hành chính; ổn định nhanh, không gây xáo trộn về cơ cấu hành chính cho các địa phương xung quanh; phù hợp với thời cơ vận hội của cả nước..

5 phương án đề xuất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được đưa ra

Trước những yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra, Ban chỉ đạo đã đưa ra 5 phương án đề xuất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô nhằm đảm bảo sự bền vững, xây dựng Thủ đô trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả, bền vững có tính cạnh tranh cao…

Cụ thể: Phương án 1:Trên cơ sở diện tích thành phố Hà Nội (cũ) mở rộng thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với diện tích tự nhiên 3.334,47km2, dân số 6.232.940 người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã.

Phương án 2: gồm thành phố Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, có bổ sung thêm thành phô Hà Đông, huyện Quốc Oai và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với diện tích 2.247,32km2.

Phương án 3: Gồm Thành phố Hà Đông, hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây) và Mê Linh (Vĩnh Phúc) với diện tích là 1.260km2.

Phương án 4: Gồm Thành phố Hà Đông, hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), huyện Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên) với diện tích 1.451km2.

Phương án 5: Gồm Thành phố Hà Đông, bốn huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín (Hà Tây), huyện Mê Linh, Thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), huyện Từ Sơn, Thuận Thành (Bắc Ninh), huyện Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên) với diện tích 1.964km2.

Vì sao Quốc hội lựa chọn phương án 1?

Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua đề án mở rộng Hà Nội. Dù có những tranh luận gay gắt nhưng vì sao Quốc hội vẫn thông qua phương án 1 của đề án này?

Quốc hội chính thức thông qua đề án mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội khi sát nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) từ 1/8/2008

Trong 5 phương án mở rộng Bộ Xây dựng trình, phương án sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được chọn. Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, phương án 1 có nhiều ưu điểm nổi trội so với 4 phương án còn lại, vì:

Hà Nội sẽ có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20 – 30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành một Thủ đô với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng mọi yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu, có môi trường trong lành, cảnh quan đẹp…; không phát triển các khu công nghiệp mà sản xuất mà dành cho các dự án quy mô quốc gia – quốc tế như khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đai học Quốc gia, làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, khu đô thị mới phía Tây, các khu du lịch nghỉ mát quanh núi Ba Vì, Suối Hai…và hình thành các khu đô thị đã có lịch sử phát triển lâu đời như Sơn Tây, Hà Đông…

Khu vực phía Tây là cửa ngõ an ninh quốc phòng trọng trọng, gắn Thủ đô với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, khá thuận lợi để triển khai các phương án bảo vệ Thủ đô… Khu vực thuộc huyện Mê Linh – trước đây thuộc Hà Nội đã có thời gian phát triển nhờ lợi thế cạnh cao tốc Nôi Bài có diện tích đan xen với các xã thuộc Đông Anh (Hà Nội), tương lai sẽ là khu đô thị mới gắn với các khu công nghiệp phía Bắc Hà Nội – đông Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, khu vực bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Lương Sơn, Hòa Bình) là môt vùng thung lũng khá đẹp mặt sát chân núi Ba Vì, có địa hình dốc nghiêng về hướng Hòa Lạc, sau khi sát nhập vào các huyện liền kề, được quy hoạch trong chuỗi đô thị Sơn Tây- Hòa Lạc- Xuân Mai sẽ là điểm kết nối quan trọng cửa ngõ với TP Hòa Bình.

Ban soạn thảo đã trình ra Quốc hội những ưu, nhược của 5 phương án mở rộng và nghiêng về phương án 1 với những ưu điểm vượt trội hơn các phương án còn lại nhưng tại diễn đàn Quốc hội lúc đó vẫn có những tranh luận gay gắt về lý do cũng như hiệu quả.

Nhưng cùng với việc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Hà Nội được quyết định mở rộng với 92,9% số phiếu đồng ý.

Lý do Quốc hội quyết định chọn phương án mở rộng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) là do:

Có không gian đủ lớn, đủ quỹ đất để xây dựng Thủ đô với không gian đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị lịch sử không chỉ trong 20- 30 năm mà còn trong tương lai xa. Có nền địa chất thuận lợi cho việc xây dựng các công trình lớn và không ảnh hưởng nhiều đến đất nông nghiệp vì chủ yếu là đất gò, đồi chưa có nhiều công trình xây dựng;

Khu vực này cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh cho Thủ đô không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác. Tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) là những địa phương tiếp giáp có nhiều mối quan hệ gắn bó lâu đời với Hà Nội, trong lịch sử đã có thời kỳ huyện Mê Linh và phần lớn địa phận tỉnh Hà Tây thuộc về Hà Nội.

Quốc hội thống nhất phương án này cũng bởi vì, khi nước ta đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô có khoảng 10% dân số cả nước, mật độ từ 3.500 – 4.000 người/km2, tương đương với mật độ dân số ở Thủ đô một số nước phát triển như Pa- ri (Pháp) 3.500 người/km2, Luân Đôn (Anh) 5.100 người/km2, Béc – lin (Đức) 3.700 người/km2, Mat-xcơ- va (Nga)3.629 người/km.

Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan có hiệu lực chính thức từ ngày 1/8/2008.

Theo nghị quyết này, sau mở rộng Thủ đô Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với diện tích 3.344,7km2 (tăng gấp 3,6 lần), dân số khoảng 6,23 triệu người.

Đến nay sau 10 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã ổn định với dân số tăng thêm 1,24 lần so với năm 2008 xấp xỉ 7, 7 triệu người.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/10-nam-sap-nhap-ha-noi-chuyen-it-biet-ve-qua-trinh-chuan-bi-de-an-post269265.info