10 năm qua, U23 Việt Nam chưa từng thắng đối thủ ở chung bảng U23 châu Á 2020

Thống kê cho thấy, thầy trò Park Hang Seo chưa hẳn đã nằm ở bảng đấu dễ dàng tại vòng chung kết U23 châu Á như nhiều người lầm tưởng.

U23 Việt Nam sẽ cùng bảng với U23 Triều Tiên, U23 Jordan và U23 UAE ở vòng chung kết U23 châu Á tới đây. Một bảng đấu không quá nặng, nhất là so với bảng C (có Uzbekistan, Hàn Quốc, Iran) hay bảng B (Qatar, Nhật Bản, Syria). Tuy nhiên, còn quá sớm để nói U23 Việt Nam sẽ rộng cửa đi tiếp bởi ở một giải đấu trẻ, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

U23 Việt Nam nằm ở bảng D.

U23 Việt Nam nằm ở bảng D.

Nỗi đau 10 năm

U23 Triều Tiên, U23 Jordan hay U23 UAE đều không phải những đội trẻ "số má" ở sân chơi châu Á, nhưng U23 Việt Nam không thể chủ quan. 10 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa từng thắng các đối thủ này.

Olympic Việt Nam thua 0-2 trước Olympic Triều Tiên ở ASIAD 2010. Đại diện Việt Nam khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Henrique Calisto đã khởi đầu mạnh mẽ với chiến thắng trước Bahrain, trước khi mất phong độ và để Triều Tiên loại khỏi giải đấu.

Jordan là đối thủ mang đến kỷ niệm vui cho bóng đá Việt Nam ở Asian Cup 2019, nhưng 3 năm trước, U23 Jordan đã khiến U23 Việt Nam hiểu sự khắc nghiệt của sân chơi châu Á với chiến thắng 3-1. Đội bóng Tây Á dẫn tới 3-0 trước khi Duy Mạnh gỡ bàn danh dự cho U23 Việt Nam. Giải đấu năm đó, Công Phượng cùng các đồng đội ra về với 0 điểm.

U23 Việt Nam đang chuẩn bị rất bài bản.

Trận thua cuối cùng của U23 Việt Nam chính là trước U23 UAE. Tuấn Anh đã có bàn thắng để đời, nhưng rất nhiều sai lầm ở hàng phòng ngự đã khiến U23 Việt Nam thua chung cuộc 2-3.

UAE cũng là đối thủ bóng đá Việt Nam chưa từng thắng sau 12 năm. Ở ASIAD 2018, Olympic UAE hòa Olympic Việt Nam 1-1 ở trận tranh hạng ba và lấy huy chương đồng nhờ chiến thắng trên chấm luân lưu.

U23 Việt Nam là đương kim á quân, song không thể nói trước ở giải trẻ. Còn nhớ ở giải U23 châu Á 2018, U23 Nhật Bản, với tư cách đương kim vô địch, đã thảm bại 0-4 trước U23 Uzbekistan ở tứ kết, còn U23 Hàn Quốc (đương kim á quân) thua U23 Uzbekistan 1-4 ở bán kết.

Sự bất ổn của cầu thủ trẻ cộng với tính tiếp nối thế hệ vốn không ổn định của các nền bóng đá châu Á khiến giải trẻ là nơi kết quả không thể đoán định. Kỳ tích của U23 Việt Nam năm 2018 là minh chứng.

Khó khăn chờ đợi

"Ngoại trừ U23 Thái Lan dự giải với vai trò chủ nhà, 15 đội còn lại ở vòng chung kết, dù là đứng ở nhóm 1 hay nhóm 4 thì chiến thuật, năng lực tương đương nhau thôi. Mọi đội bóng lọt vào vòng chung kết, ngoại trừ Thái Lan, đều có chiến thuật, chiến lược rất mạnh", HLV Park Hang Seo chia sẻ.

Ông thầy 60 tuổi hiểu rõ bóng đá Việt Nam chưa ở đẳng cấp để đá giải trẻ nào cũng có thành tích cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây nhất, Bùi Tiến Dũng vừa mắc sai lầm ở Hà Nội FC. Thủ môn số 1 của U23 Việt Nam hiếm khi được thi đấu ở V-League nên mất cảm giác bóng.

Đây là thực trạng chung của nhiều cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại. Việc ít được ra sân rèn luyện khiến các cầu thủ khó giữ được phong độ.

Tiến Dũng không có cảm giác tốt do ít được thi đấu.

Nói về thực lực của các đội, BLV Quang Huy cho rằng U23 Việt Nam không vượt trội đối thủ nào ở bảng D. "Đây là bảng dễ thở hơn so với 2 năm trước. U23 Việt Nam nhỉnh hơn, lực lượng tốt hơn U23 Triều Tiên. U23 Jordan thì khó nói, có lẽ họ ngang mình còn U23 UAE nhỉnh hơn mình một chút".

Các trận đấu ở bảng này có thể đi theo kịch bản một chín, một mười, khó đoán và kịch tính, dù bảng đấu đã nhẹ hơn nhiều so với bảng tử thần năm 2018.

Ngoài ra, U23 Việt Nam còn có một thách thức nữa, đó là sự dè chừng từ các đối thủ. "Người ta biết nhiều về mình, từ Triều Tiên, UAE đến Jordan. Đó là cái khó của U23 Việt Nam. Chúng ta không còn ít tên tuổi như những năm trước đây. U23 Việt Nam thành công ở cả Đông Nam Á và châu Á nên đối thủ sẽ tìm cách đối phó.

Thậm chí, cách chơi phòng ngự phản công của U23 Việt Nam, đối thủ đã nắm rõ và chuẩn bị phương án. Việc này đòi hỏi cầu thủ phải tự tin, chơi hiệu quả và sắc sảo hơn", chuyên gia Nguyễn Thành Vinh phân tích.

U23 Việt Nam không còn là "ẩn số".

U23 Việt Nam đã ở vị thế khác. Thành tích tốt ở vòng loại (thắng 3 trận, ghi 11 bàn, không thủng lưới) cũng tạo áp lực cho HLV Park Hang Seo. Nếu như giải U23 châu Á 2018 là giải lớn đầu tiên của thầy Park với bóng đá Việt Nam, giải đấu năm 2020 sẽ là giải thứ... 7 mà HLV người Hàn Quốc chinh chiến cùng học trò.

"Bài vở" của thầy Park đã thể hiện hết và theo tiết lộ của một thành viên BHL, ông sẽ chỉ tối ưu hóa chiến thuật, khai thác điểm yếu của đối thủ. Không dễ để có sự đột phá khiến đối thủ phải bất ngờ.

Tất nhiên, U23 Việt Nam vẫn đáng để kỳ vọng. "Lứa cầu thủ này từng thắng U23 Thái Lan 4-0, tạo cho ta hy vọng là nếu bị đẩy đến tận cùng, các cầu thủ có thể đá hay như thế. Nói vậy thôi, một đội bóng có thể không có ngôi sao nhưng sức mạnh tập thể sẽ tạo nên điều khác biệt.

Nói vậy thôi, lứa cầu thủ này được rèn luyện hơn lứa trước, thành phần chủ chốt đá U20 World Cup, đó là điều lứa kia không có. Được đá sân chơi đỉnh cao nên các cầu thủ này có những thuận lợi riêng", BLV Quang Huy chia sẻ.

Theo lịch thi đấu giải U23 châu Á, trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch 2020. Người hâm mộ đang "mơ" đến viễn cảnh ăn mừng chiến công của U23 sau đêm giao thừa.

Hãy cứ tin tưởng và hy vọng, nhưng phải chuẩn bị tinh thần đón nhận mọi kết quả trên sân. Dẫu sao, khi bóng đá Việt Nam đã xác lập vị thế, thành tích của ĐTQG mới là thứ cần quan tâm hàng đầu.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/10-nam-qua-u23-viet-nam-chua-tung-thang-doi-thu-o-chung-bang-u23-chau-a-2020-d500985.html