10 năm phát triển 'Tam nông' ở An Giang

Các mô hình sản xuất (SX) lớn được hình thành, tích tụ đất đai nhanh hơn, trình độ SX của nông dân (ND) được nâng lên, giá trị SX nông nghiệp tăng, diện mạo nông thôn đổi mới… là những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn An Giang. Tuy nhiên, cần hành động quyết liệt hơn nữa nhằm khai thác tốt tiềm năng còn rất lớn của tỉnh.

Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư cho biết, 10 năm qua, SXNN tuy gặp nhiều bất lợi nhưng có bước tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển. Giai đoạn 2008-2017, tăng trưởng NN đạt bình quân 2,29%/năm, giá trị SX năm 2017 đạt 173 triệu đồng/ha (tăng gần 90 triệu đồng/ha so năm 2010).

Trong trồng trọt, tỉnh vẫn giữ ổn định diện tích SX lúa, đồng thời chuyển hướng tăng diện tích một số loại cây trồng có thế mạnh (rau màu, cây ăn trái). Trong chăn nuôi, có 8 doanh nghiệp (DN) thực hiện đầu tư trang trại quy mô lớn (4 trại heo, 2 trại bò và 2 trại gà). Tỉnh còn triển khai Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, thu hút nhiều DN tham gia (Agifish, Việt Thắng, Sao Mai…), góp phần gắn kết, cung cấp cá giống chất lượng cao cho DN trong và ngoài tỉnh. Đến nay, hàng hóa An Giang đã xuất khẩu (XK) sang 147 nước và vùng lãnh thổ (tăng 40 nước so năm 2008).

NN phát triển, công nghiệp chế biến nông, thủy sản cũng phát triển theo. Toàn tỉnh hiện có hơn 170 nhà máy xay xát, lau bóng gạo, với công suất khoảng 1,5 triệu tấn gạo/năm; 22 nhà máy chế biến cá tra đông lạnh XK (công suất 400.000 tấn/năm); 6 nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản (công suất 200.000 tấn/năm); 4 nhà máy chế biến rau quả XK (công suất 19.000 tấn/năm). Song song đó, còn có trên 400 cơ sở, DN chế biến gỗ, nghề mộc. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được bảo tồn và phát huy. Toàn tỉnh có 29 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, với 6.056 hộ, giải quyết việc làm cho 15.661 lao động (trong đó có 20 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận với 4.890 hộ, giải quyết việc làm cho 10.806 lao động), giá trị SX bình quân 320 tỷ đồng/năm, XK gần 2 triệu USD/năm.

Cùng với tăng trưởng NN, tư duy, trình độ SX của ND nâng lên rõ nét, thu nhập từ SXNN năm 2017 gấp 2,5 lần so năm 2009. Thu nhập ND tăng lên, bộ mặt NT có nhiều thay đổi. Những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội NT và phát triển đô thị văn minh.

Mở rộng liên kết

Có thể nói, tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình SX lớn và liên kết SX - tiêu thụ là khuynh hướng chủ đạo của “Tam nông” ở An Giang. Ông Thư cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 122 hợp tác xã (HTX) NN và 1 liên hiệp HTX NN, tăng 21 HTX so năm 2008. Các HTX đã từng bước tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hiện có 18 HTX thực hiện từ 4 dịch vụ trở lên (gấp đôi năm 2008), 33 HTX thực hiện từ 2-3 dịch vụ, còn lại là dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu. Mô hình tổ hợp tác (THT) SX được tập trung củng cố, nâng chất. Toàn tỉnh hiện có 800 THT (tăng 95 THT so năm 2008) với 17.509 thành viên, diện tích 93.172ha. Kinh tế trang trại phát triển, số trang trại NN hiện tăng hơn gấp đôi năm 2008 (1.063 so với 531 trang trại).

Nhằm đẩy mạnh đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực NN, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phát triển HTX, THT trong NN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020” và Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh An Giang. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 7 HTX NN được thành lập theo mô hình HTX kiểu mới, trong đó có 5 HTX thành lập theo nhu cầu của DN (các HTX Vĩnh Bình, Vĩnh Nhuận - Châu Thành, An Bình, Bình Thành - Thoại Sơn gắn với Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời; HTX Vinacam Tri Tôn gắn với Công ty Vinacam), 2 HTX kiểu mới tiêu thụ nông sản cho DN.

Cùng với đẩy mạnh phát triển HTX kiểu mới, tỉnh còn hỗ trợ gắn kết các HTX, THT liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm với DN, đồng thời hỗ trợ các DN xây dựng phương án “Cánh đồng lớn” (CĐL) lúa, nếp có vùng nguyên liệu ổn định trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, có 50 DN (tăng 44 DN so năm 2012) thực hiện liên kết SX với ND theo mô hình CĐL thông qua 19 HTX và 31 THT với tổng diện tích 49.146ha (tăng gần 42.500ha so năm 2012). Để mô hình phát triển bền vững, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình CĐL theo phương châm 4H” (Hợp tác - Hiện đại - Hài hòa, thân thiện môi trường - Hiệu quả) với quy mô 100ha tại huyện Thoại Sơn đạt các tiêu chuẩn hữu cơ EU, USDA, JAS và hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận An Giang. Hiện nay, có nhiều chuỗi liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm NN hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh như: liên kết tiêu thụ dưa lưới (Công ty Vuông Tròn, TP. Hồ Chí Minh), rau an toàn (Công ty Phan Nam), đậu nành rau và bắp non (Công ty Antesco), chuỗi liên kết SX và tiêu thụ heo theo hướng công nghệ cao (Công ty Hoàng Vĩnh Gia), chuối cấy mô (165ha), liên kết nuôi cá tra… Đây là định hướng phát triển lâu dài nhằm khai thác thế mạnh NN của An Giang.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/10-nam-phat-trien-tam-nong-o-an-giang-a230366.html