10 năm nữa, liệu ai còn nhớ từng có thương hiệu là HTC

i khi một công ty nổi tiếng nào đó biến mất mà chúng ta không để ý. Một trong số đó là gã khổng lồ công nghệ HTC - công ty đã tạo ra những dấu ấn lớn trong thế giới công nghệ trước khi biến mất. Liệu 10 năm nữa, có ai còn nhớ đến từng có một thương hiệu là HTC?

HTC "im lặng tỏa sáng" hay im lặng biến mất? Thời hoàng kim của HTC

HTC là một trong những nhà sản xuất đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android. Thời điểm năm 2011, thị phần của HTC trên thị trường smartphone thế giới là 10.7% nhưng đến năm 2019 con số này chỉ còn có 0,05%.

Tập đoàn High-tech Computer ra đời năm 1997, được sáng lập bởi Cher Wang và H.T. Mãi tới năm 2008, tập đoàn này chính thức đổi tên thành HTC mới.

Giai đoạn ban đầu, HTC này chủ yếu gia công cho các thương hiệu lớn như Compaq, HP hay Palm. HTC nhanh chóng nắm được kỹ thuật sản xuất và xây dựng danh tiếng.

Những siêu phẩm máy tính bỏ túi thời bấy giờ như Compaq iPAQ hay những chiếc O2 thời đó đều qua bàn tay gia công của HTC, điều mà nhiều người dùng không hề biết tới.

Việc chuyển hướng từ một doanh nghiệp gia công thuê sang một hãng sản xuất với thương hiệu riêng không hề dễ dàng. Tuy nhiên HTC đã có bước khởi đầu thành công nhờ nhanh nhạy trong việc áp dụng những công nghệ mới, xu thế mới mà điển hình nhất là hệ điều hành Android của Google.

Một cửa hàng của HTC thời hoàng kim.

Công ty Đài Loan chính là cái tên đầu tiên mang smartphone Android tới người dùng, trước khi hệ điều hành Google lớn mạnh như ngày nay. HTC Dream - chiếc điện thoại chạy Android thương mại hóa đầu tiên trên thế giới vẫn được nhắc đến như một phần lịch sử của hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới.

Năm 2008, số điện thoại thông minh HTC bán ra trên thị trường thậm chí còn vượt qua cả Samsung. Đó có lẽ là thời điểm mà những chiếc điện thoại thông minh Android của HTC bán chạy nhất trong lịch sử.

Ở thời kỳ đỉnh cao của HTC, họ đã phát hành hơn 100 mẫu điện thoại vào năm 2009. Nghe có vẻ đây là một sách lược tốt khi nó nắm bắt mọi phân khúc của thị trường nhưng thực tế nó đã làm cho người dùng khó lòng phân biệt đâu là thiết bị cao cấp, tầm trung và giá rẻ.

Mẫu điện thoại đình đám một thời của HTC.

Quý 3/2011 chính là thời điểm cực thịnh của HTC. Hãng thông báo khoản lãi sau thuế 625 triệu USD trong khi giá trị công ty khi đó đã vượt mặt Nokia, một huyền thoại trong làng điện thoại di động.

HTC khi đó là hãng điện thoại giá trị lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Apple và Samsung. Theo số liệu của Bloomberg, năm 2011, HTC là nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất nước Mỹ với 24% thị phần.

Sau năm 2011, HTC đánh mất dần thị phần và ngay trong quý 4/2011, HTC đã ghi nhận doanh thu giảm sốc từ 4,54 tỷ USD xuống còn 1,6 tỷ USD. HTC đã thua Samsung ngay ở quý mua sắm nhộn nhịp nhất, báo hiệu con đường xuống dốc của hãng điện thoại Đài Loan.

Dần tụt dốc không phanh

Nhìn lại quá khứ, có thể bạn sẽ giật mình khi HTC từng có nhiều ý tưởng lớn chẳng hạn như HTC One ra mắt 2013 dùng nhôm nguyên khối khi iPhone vẫn dùng kính, hay bắt tay Beats Audio để trang bị loa kép mặt trước cho trải nghiệm âm thanh bằng loa ngoài vượt trội.

Hoặc HTC Hero là smartphone đầu tiên có cổng giắc 3,5mm.Năm 2018, máy ảnh kép với chế độ chân dung là "cơn sốt", nhưng One (2014) đã có. Dù thiết kế chưa đẹp, ít tính năng, khả năng chụp hạn chế, không thể phủ nhận HTC đi trước thời đại qua smartphone này.

HTC là nạn nhân của việc tiếp thị kém. Apple và Samsung là hai hãng cùng thời với công ty Đài Loan, cũng có những sản phẩm đi trước thời đại. Vậy tại sao HTC không phải là vua của thế giới điện thoại thông minh, hoặc ít nhất là một trong ba thương hiệu hàng đầu?

Một số chuyên gia sau khi nghiên cứu về trường hợp của HTC đều cho rằng, ý tưởng tuyệt vời không có nghĩa là sẽ thành công nếu chúng không được truyền bá tốt. Cạnh tranh về sản phẩm công nghệ ngày nay là một "trò chơi tiếp thị". Lịch sử chứng minh tiếp thị có lẽ là điểm yếu lớn nhất của HTC.

X

Khẩu hiệu ban đầu của hãng là "Quietly Brilliant" (tạm dịch: Tỏa sáng thầm lặng) không còn biểu đạt tham vọng cũng như sự đổi mới. Bên cạnh đó, những chiến dịch có phần kỳ lạ, điển hình Robert Downey Jr. quảng bá M9 bị nhận xét là khó hiểu vì rất ít liên quan đến sản phẩm.

Trong thời kỳ đỉnh cao (2009), HTC phát hành hơn 100 điện thoại các loại. Điều đó thể hiện sự tiến bộ, cũng như nắm bắt thị trường tốt. Tuy vậy, việc ra quá nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn khiến người dùng cho không thể tìm ra đâu là cao cấp, tầm trung và giá rẻ. Hậu quả tất yếu là sản phẩm bão hòa.

Các đối thủ như Apple chỉ phát hành một thiết bị cao cấp duy nhất trong năm mà không cần quan tâm nhiều đến thông số kỹ thuật. Tự nhiên, lúc này bạn có thể thấy rằng tại sao sự cứng nhắc của Apple đôi khi lại làm cho họ trở nên "hấp dẫn".

Việc HTC đặt tên sản phẩm với các tên gọi kỳ lạ như Salsa, Pyramid, Sensation và ChaCha – chiếc smartphone dành riêng cho Facebook – cũng không giúp ích được nhiều cho công ty.

Trong khi đó, Samsung lại rất khéo léo khi dùng các chữ cái để phân chia các dòng sản phẩm của mình: Dòng Galaxy S được định hình cho phân khúc cao cấp, dòng A là trung cận cao cấp, dòng J thấp hơn dòng A…

Cổ phiếu HTC tuột dốc không phanh.

Công ty Đài Loan cũng khá bảo thủ trong việc hợp tác với nhà mạng. Nếu như các hãng khác xem đây là một trong những kênh phân phối quan trọng, HTC lại khá nhập nhằng. Chẳng hạn, U11 được đánh giá tốt từ các nhà phê bình, nhưng chỉ phân phối bởi Sprint.

Đồng thời, việc loạt sản phẩm về sau ngày càng kém hấp dẫn cũng là lý do khiến nhà mạng thờ ơ không phân phối nữa, kể cả khi HTC có động thái ưu tiên.

Ngoài ra, có thể xem HTC là nạn nhân của Google, khi những tinh hoa về bộ phận di động của hãng về tay công ty tìm kiếm. Năm 2017, HTC đồng ý bán đội ngũ thiết kế và phần lớn bằng sáng chế cho Google với giá 1,1 tỷ USD.

2.000 nhân viên thiết kế HTC sau đó cũng về làm việc trong bộ phận phát triển điện thoại Pixel. Giờ đây, Pixel bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và điều này có công rất lớn của HTC cộng thêm khả năng tiếp thị tốt.

10 năm nữa, liệu ai còn nhớ tới cựu vương?

Có lẽ dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của HTC chính là sự thay đổi trong giá cổ phiếu của hãng. Đạt mức 42 USD trên mỗi cổ phiếu vào năm 2011, hiện tại cổ phiếu của HTC có giá dưới 1,30 USD, tương đương khoảng 4% giá trị trước đây của nó.

Các giám đốc điều hành của HTC thường quá lạc quan về tương lai. Một trong số họ đã tuyên bố vào năm 2013 rằng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua đi (có lẽ họ rất phấn khích bởi quảng cáo có sự tham gia của Downey Jr.).

Một giám đốc cao cấp khác của HTC quả quyết rằng công ty sẽ giành được thị phần và mang lại lợi nhuận trong năm 2019 .

HTC có thể không còn được xem là một nhà sản xuất điện thoại thực thụ nhưng rõ ràng thương hiệu này vẫn tồn tại. Nhà sản xuất Đài Loan đã chuyển sự chú ý sang lĩnh vực thực tế ảo (VR).

HTC đã tách Vive thành một công ty riêng vào năm 2016, có khả năng nó được đẩy ra khỏi con tàu đang chìm là bộ phận di động của HTC.

Nhà sản xuất Đài Loan đã chuyển sự chú ý sang lĩnh vực thực tế ảo (VR).

Không biết, liệu HTC có sớm quay lại như đã nói? Và lần này, họ có đủ mạnh mẽ để cạnh tranh tốt hơn? Năm 2019 có thể là năm cuối cùng mà HTC tìm lại hào quang trong quá khứ.

Hoàng Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/10-nam-nua-lieu-ai-con-nho-tung-co-thuong-hieu-la-htc-post66679.html