10 năm, một lần chung kết!

Lịch sử bóng đá Việt Nam chứng kiến cứ sau chẵn 10 năm, đội tuyển lại vào chung kết giải vô địch Đông Nam Á và lần này, niềm tin vào thầy trò Park Hang-seo đang dâng cao...

Năm 1998, đội tuyển Việt Nam lần đầu vào chung kết AFF Cup sau khi thắng Thái Lan 3-0. Gặp Singapore trên sân nhà Hàng Đẫy với nhiều ưu thế và thế trận trên chân, thế mà giờ chót chủ nhà lại để thua bàn duy nhất từ cái lưng của Sasi Kumar. Phải chờ đến 10 năm sau, học trò ông Calisto mới đi vào lịch sử AFF Cup với danh nghĩa nhà vô địch. Một kỳ tích sau khi thắng chính Singapore 1-0 ở lượt về bán kết trên sân Kalang của đối thủ, rồi vài ngày sau qua Bangkok thắng Thái Lan 2-1 để rồi lượt về tại Mỹ Đình đăng quang ngôi vua sau khi hòa Thái Lan 1-1.

Trong hai lần vào chung kết ấy, bóng đá Việt Nam có những sự vững vàng nhất định nhưng vẫn để lại nhiều sự hồi hộp. Còn mùa này, đội tuyển đĩnh đạc hơn nhờ một lứa cầu thủ trẻ chín chắn càng đá càng hay, cộng hưởng với tài thao lược sắc sảo của ông thầy Park Hang-seo.

Đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2018 trẻ nhất trong lịch sử các thế hệ (tuổi bình quân 23,7) và trẻ thứ nhì trong 10 đội mùa này (sau Đông Timor đã bị loại từ vòng bảng). Tuy nhiên, cách chơi của những cầu thủ Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức, Đình Trọng, Duy Mạnh,… không cho thấy ranh giới đẳng cấp so với một số đàn anh kỳ cựu như Anh Đức, Ngọc Hải, Văn Quyết, Trọng Hoàng,…

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã thi đấu với tinh thần quả cảm trong trận bán kết lượt về và tiếp tục chiến thắng 2-1. Ảnh: TRÂM ANH

Xuyên suốt từ vòng bảng đến hai trận bán kết, đội tuyển Việt Nam không gây ra nhiều nỗi lo như chu kỳ vào chung kết mỗi 10 năm một lần. Cách chơi và lối sử dụng nhân sự của HLV Park Hang-seo cho thấy sự cao tay của ông, tùy vào đối thủ lẫn tính chất của trận đấu.

Ngoại trừ thủ môn Văn Lâm, hai trung vệ Duy Mạnh, Đình Trọng, tiền vệ Quang Hải, ông Park đã lần lượt tung ra các phương án thay đổi con người tạo ra những dấu ấn đặc biệt. Chẳng hạn, khi người Malaysia ngán ngại Văn Quyết và tuyên bố tìm cách bắt chết chân sút này thì bất ngờ ông Park tung ra Văn Đức như một thứ vũ khí độc địa sát thương đối thủ.

Thực tế trong sáu trận đấu đã qua, đội tuyển Việt Nam chỉ gặp khó khăn hơn khi đối đầu Malaysia ở vòng bảng và hai trận bán kết với Philippines nhưng ông thầy người Hàn đều có những con tính độc đáo để khiến đối thủ phải tâm phục khẩu phục. Hai lần ông Park giúp học trò đá thắng Philippines của đồng nghiệp lão luyện Eriksson cho thấy sự tinh tế và am hiểu tường tận đối phương.

Có nhiều người cho rằng Philippines vắng gần nửa đội hình trụ cột do chấn thương và phải trở về khoác áo CLB nhưng không thể phủ nhận sự chắc chắn của đội tuyển Việt Nam lẫn đẳng cấp của HLV Park Hang-seo dù ông mới chỉ có hơn một năm làm việc.

Cái hay khác của ông Park còn là thời điểm sử dụng người hợp lý cho từng đối tượng và gần như cầu thủ dưới thời ông dù ngồi mòn đũng quần trên ghế dự bị nhưng mỗi lần ra sân đều tạo ra đột biến.

Vẫn còn hai trận chung kết với Malaysia và chờ xem thầy trò ông Park sẽ tìm cách lên đỉnh sau 10 năm ở một kỳ AFF Cup.

HLV Park Hang-seo khiêm tốn sau khi lấy vé chung kết

Dù hai lần đánh bại đội bóng của HLV Eriksson nhưng ông Park Hang-seo vẫn dành những lời trân trọng đối với HLV kỳ cựu này. Ảnh: TRÂM ANH

Sau hai lần cầm quân thắng Philippines, ông Park vẫn khăng khăng nói mình còn kém hơn đồng nghiệp Sven Goran Eriksson rất nhiều: “Đội Việt Nam đã vào chơi chung kết AFF Cup, tôi muốn gửi lời cám ơn đến các cổ động viên và học trò của tôi. Bản thân tôi không thể bằng HLV Eriksson. Ông ấy là một huấn luyện viên đẳng cấp thế giới. Tôi rất hân hạnh gặp gỡ ông tại AFF Cup. Mặc dù tôi đã đánh bại ông ấy hai lần nhưng thật ra trình độ của tôi không thể so sánh với ông ấy”.

GIA HUY

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-thao/10-nam-mot-lan-chung-ket-806895.html