10 năm, giá trị thương mại Việt Nam - châu Mỹ tăng 3,5 lần

Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam - châu Mỹ trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25-9 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: K.M

Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực châu Mỹ, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực châu Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại đang đi vào thực thi, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Về phía các đối tác châu Mỹ, diễn đàn có sự tham gia của đại diện cơ quan ngoại giao nhiều nước khu vực châu Mỹ tại Việt Nam cùng đại diện nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn của các nước châu Mỹ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.

Thời gian qua, một số hiệp định thương mại quan trọng đã và đang được thiết lập để tạo nên nền tảng tích cực cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại mới, như: Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ ký năm 2000; Hiệp định Thương mại tự do với Chile ký năm 2011; Hiệp định Thương mại với Cuba ký năm 2018; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018 và đi vào hiệu lực năm 2019, trong đó Canada, Peru, Mexico là những quốc gia châu Mỹ lần đầu tiên có quan hệ tự do thương mại (FTA) với Việt Nam. Hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đang được trao đổi về khả năng đàm phán.

Từ thực tế tại Canada, bà Đỗ Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, Chính phủ Canada những năm gần đây ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với châu Á. Cùng với đó, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Canada. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, lệnh giãn cách, khả năng chi tiêu hạn hẹp khiến triển vọng xuất khẩu hàng dệt may, da giày, túi xách tại Hoa Kỳ chưa thật sáng sủa. Đây là lúc doanh nghiệp điều chỉnh năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.

Phát biểu tại diễn đàn, các diễn giả nhận định, đại dịch Covid-19 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn là cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp. Để đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vượt qua trở ngại về khoảng cách địa lý, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, việc thiếu thông tin…

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/979246/10-nam-gia-tri-thuong-mai-viet-nam---chau-my-tang-35-lan