10 mẫu môtô được kỳ vọng nhưng sớm thất bại

Dù có thiết kế ấn tượng, hiệu suất động cơ mạnh mẽ, những mẫu xe như Suzuki B-King, Ducati SportClassic hay Harley-Davidson XR1200 lại không thành công về doanh số.

Được kỳ vọng là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo môtô, nhưng không ít mẫu xe đã thất bại về doanh số. Những cái tên từng được chú ý như Suzuki B-King, BMW R1200C... phải kết thúc vòng đời chỉ sau vài năm được sản xuất.

Yamaha GTS 1000 (1993)

Yamaha GTS 1000 được xem là mẫu xe tiên phong trong dòng sport-touring. Yamaha đã rất tham vọng khi giới thiệu GTS 1000 vào năm 1993. Yamaha GTS 1000 được trang bị những công nghệ hàng đầu vào thời đại của mình như hệ thống phun xăng điện tử, phanh ABS, bộ lọc khí thải, phanh trước 6 piston...

Dù được đánh giá là hoạt động tốt, ổn định và phanh hiệu quả, động cơ lấy từ FZR1000 nhưng chỉ mạnh 100 mã lực thay vì 140 mã lực là điểm trừ của Yamaha GTS 1000. Bên cạnh đó, kiểu khung gầm Omega của mẫu xe này khá nặng và khó điều khiển khi đi ở vận tốc thấp, bình xăng dung tích nhỏ và giá đắt đã khiến Yamaha GTS 1000 thất bại nặng nề và sớm bị khai tử chỉ sau một năm ra mắt.

BMW R1200C (1997-2004)

Trước khi có sự xuất hiện của BMW R 18, hãng xe Đức từng trình làng chiếc cruiser R1200C vào năm 1997. Mẫu xe này là nỗ lực của BMW trong việc chen chân vào thị phần xe cruiser cỡ lớn tại Mỹ, vốn được Harley-Davidson thống trị.

Các công nghệ có trên R1200C gồm phanh ABS, bộ lọc khí thải. Động cơ được nâng lên 1.170 cc và mô-men xoắn được điều chỉnh, nhưng BMW R1200C chỉ mạnh 61 mã lực. Mẫu xe này từng xuất hiện cùng nhân vật James Bond trong phim "Tomorrow Never Dies" - 1997, nhưng điều đó không giúp BMW R1200C có được thành công. Xe chính thức bị loại bỏ khỏi danh mục sản phẩm của BMW vào năm 2004.

Suzuki TL1000 S và TL1000 R (1997-2002)

Sẽ hơi khắc nghiệt khi gọi TL là sự thất bại của Suzuki. Ban đầu, TL1000 S và R bán rất chạy với doanh số 916 chiếc, thậm chí được mệnh danh là "Ducati Nhật Bản". Động cơ V-Twin trên Suzuki TL là tiền đề cho V-Strom 1050 hiện nay. Bên cạnh đó, giá cả phải chăng cũng là điểm cộng trên TL1000 S và R.

Tuy nhiên, hệ thống treo sau với van điều tiết của mẫu TL1000 S không được đánh giá cao. Trong khi đó, dù được xem là ứng cử viên vô địch tại giải đua WorldSBK, Suzuki TL1000 R lại không đạt được thành tích tốt do khối lượng nặng và khó điều khiển. Cả 2 mẫu xe đều bị Suzuki khai tử vào năm 2002.

Aprilia Futura RST1000 (2001-2003)

Với thành công của mẫu RSV1000 Mille 1998, Aprilia đã tự tin để đối đầu với Ducati, thậm chí là Honda trong các giải đua quốc tế. Tuy nhiên, chiếc Aprilia Futura RST1000 lại không như mong đợi. Động cơ V-Twin góc nghiêng 60 độ được chế tạo bởi Rotax tiêu tốn của hãng quá nhiều chi phí.

Hãng xe Italy đã quá tham vọng và vội vã khi cho ra đời RST1000 vào năm 2001. Khối lượng xe nặng, động cơ V-Twin cục mịch xung đột hoàn toàn với ngoại hình đậm chất công nghệ của xe. Chỉ sau 2 năm, Futura RST1000 biến mất khỏi danh mục sản phẩm của Aprilia.

Ducati Sport Classic (2005-2010)

Dù vẫn được đánh giá là một trong những chiếc xe danh giá nhất ngày nay, Ducati Sport Classic lại không thành công vào thời đại của mình. Bộ đôi đầu tiên của Sport Classic ra đời vào năm 2005 là Sport 1000 và Paul Smart LE (phiên bản giới hạn). Cả 2 đều mang phong cách cổ điển đẹp mắt, lấy cảm hứng từ những chiếc Sport 750, Imola 750 SuperSport và GT750 trong thập niên 1970.

Xe được trang bị động cơ V-Twin 1000DS 90 mã lực, làm mát bằng không khí. Chiếc Sport 1000 có yên chật chội trong khi chiếc LE lại quá đắt tiền. Ducati đã cố sửa sai bằng một phiên bản rẻ hơn, nhưng cũng không giúp dòng xe này thành công. Sport Classic bị khai tử vào năm 2010, "hậu bối" của chúng là dòng Scrambler ngày nay.

Suzuki B-King (2007-2012)

Suzuki B-King là một ví dụ điển hình cho việc không nên quá kỳ vọng vào một mẫu concept. Ban đầu, chiếc B-King concept rất được chú ý tại triển lãm Tokyo vào năm 2001. Về cơ bản, nó là phiên bản nakedbike của chiếc hyperbike Hayabusa, có động cơ siêu nạp, lốp sau lớn và kiểu dáng thẳng ấn tượng.

Những phản hồi tích cực về bản concept đã thúc đẩy Suzuki cho ra mắt bản thương mại của B-King vào năm 2007. Tuy nhiên, chiếc xe bán ra bị loại bỏ bộ siêu nạp, kiểu dáng được làm lại đơn giản hơn và giá đắt gấp đôi so với một mẫu nakedbike thông thường. Doanh số bán hàng ế ẩm khiến Suzuki ngừng sản xuất B-King vào năm 2012.

Harley-Davidson XR1200 (2008-2012)

Một mẫu concept táo bạo khác cũng được đưa vào sản xuất là chiếc Harley-Davidson XR1200. Đây là ý tưởng của Harley-Davidson châu Âu, với định hướng tăng doanh số tại thị trường này. Về cơ bản, XR1200 là một chiếc nakedbike đối thủ của Ducati Monster, kiểu dáng lấy cảm hứng từ dòng flat-tracking của Harley, đặc biệt là chiếc XR750.

Phiên bản Sportster V-twin được làm lại tạo ra công suất 90 mã lực, thiết kế khung gầm giúp xe vận hành linh hoạt. Tuy nhiên, khối lượng nặng khiến tỷ lệ công suất/khối lượng không tối ưu. Điều này dẫn đến thất bại về mặt doanh số. Harley-Davidson đã làm lại chiếc XR1200X vào năm 2011 với hệ thống treo cải tiến, nhưng kết quả là xe vẫn bị khai tử vào năm 2012.

Honda DN-01 (2008-2010)

DN-01 là một trong những mẫu môtô concept hiếm hoi được Honda tung ra thị trường với phiên bản thương mại. DN-01 ra mắt thị trường lần đầu tiên tại triển lãm Tokyo năm 2005. Năm 2008, Honda phân phối mẫu xe này tại Nhật và châu Âu, năm 2009 tại Mỹ và dừng sản xuất vào năm 2010.

Động cơ V-Twin 680 cc của DN-01 lấy từ chiếc Honda Deauville, kết hợp với hộp số bán tự động. Tuy nhiên, kiểu dáng không ấn tượng, thiếu tính thực dụng và giá bán cao đã khiến DN-01 trở thành một mẫu xe thất bại của Honda, chỉ tồn tại trên thị trường được 2 năm.

Triumph Trophy 1200 (2013-2018)

Triumph Trophy 1200 không phải là một mẫu xe quá tệ hại. Được ra mắt vào năm 2013 sau Tiger Explorer 1200 và dùng chung động cơ 1.215 cc, Triumph Trophy 1200 được xem là đối thủ đáng gờm của những mẫu xe BMW cùng phân khúc.

Trong khi Tiger vẫn không ngừng phát triển và tạo thành cuộc đua "song mã" với mẫu GS của BMW, Triumph Trophy 1200 lại thất thế so với chiếc BMW RT 1200. Động cơ mạnh đến 135 mã lực và vận hành nhanh nhẹn, nhưng thiết kế có phần cổ điển của Trophy đã dẫn đến thất bại về doanh số.

Honda CTX1300 (2014)

Honda đã rất kỳ vọng khi cho ra đời CTX1300 vào năm 2014, nhưng cũng phải dừng sản xuất chỉ sau một năm. CTX1300 là một mẫu cruiser dựa trên chiếc STX1300 cũ, điều này không thu hút nhóm khách hàng tại Mỹ.

Xe được trang bị động cơ V4 DOHC có dung tích 1.261 cc, với công suất 83 mã lực và mô-men xoắn cực đại 105 Nm. Tuy nhiên, hệ thống âm thanh tẻ nhạt, cách bố trí tiện nghi thiếu tính thực dụng cùng giá bán cao đã khiến mẫu xe này đã sớm bị khai tử.

Tuấn Khanh
Nguồn: Visordown

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-mau-moto-duoc-ky-vong-nhung-som-that-bai-post1149471.html