10 mâm vàng và cái chết thảm của vị vua giữa trận tiền

Nhận hối lộ 10 mâm vàng, Đỗ Tử Bình khiến vua Trần Duệ Tông chết thảm ngay giữa trận tiền. Đó là một trong những vụ án nhận hối lộ lớn nhất sử Việt thời phong kiến.

Bước vào cuối thế kỷ 14, lợi dụng triều Trần ngày càng suy yếu, quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga nhiều phen lấn sâu vào đất Đại Việt. Quan hệ hai nước căng thẳng.

Vua Trần bỏ mạng vì 10 mâm vàng hối lộ

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, để đối phó sự quấy rối từ Chiêm Thành, vua Trần Duệ Tông xây dựng quân đội, gần một năm sau, xuống chiếu chuẩn bị đánh Chiêm Thành. Ông còn cho mở cuộc đại duyệt binh trước khi xung trận.

Năm 1376, Chế Bồng Nga lại mang quân sang quấy rối biên giới Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh. Chế Bồng Nga dâng 10 mâm vàng cầu hòa.

Nhận sính lễ cầu hòa của địch, lòng tham làm mờ mắt viên hành khiển Đỗ Tử Bình. Thay vì tâu lên vua, ông ta giấu đi, làm của mình, rồi nói dối vua Chế Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, khuyên vua nên đem quân đi đánh. Nghe lời, vua Trần Duệ Tông quyết tâm thân chinh.

Cuối năm 1376, Trần Duệ Tông dẫn 12.000 quân đánh Chiêm Thành, sai Hồ Quý Ly đốc thúc quân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương, rồi dừng quân một tháng để luyện sĩ tốt. Đầu năm 1377, quân Trần tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, chuẩn bị tiến vào kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm.

Tranh minh họa Đỗ Tử Bình nhận vàng hối lộ của Chiêm Thành. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Tranh minh họa Đỗ Tử Bình nhận vàng hối lộ của Chiêm Thành. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối Duệ Tông là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn thành không, nên tiến quân gấp.

Trúng kế địch, là người nóng nảy, vua Duệ Tông muốn tiến quân ngay. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn không được. Vua thúc quân tiến nhanh vào thành, "quân lính nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt".

Thấy quân Trần rơi vào ổ phục kích, quân Chiêm Thành tứ phía phục binh đổ ra đánh. Quân Đại Việt không chống cự nổi, vua Trần Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, trúng tên tử trận.

Các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hào, hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận. Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không đến ứng cứu. Hồ Quý Ly đốc quân chở lương, nghe tin vua tử trận thì sợ hãi, bỏ trốn về nước. Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam tử trận.

Tiếng xấu muôn đời

Trốn thoát trở về, Đỗ Tử Bình bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bắt, bỏ trong xe tù, rao đi khắc phố. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người dân đua nhau chửi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù.

Thượng hoàng xuống chiếu trị tội nhưng miễn tử hình, bắt đi làm lính. Tuy nhiên, không lâu sau, Tử Bình lại được phục chức. Tháng 5/1378, Chế Bồng Nga đưa hàng vương Trần Húc về nước, đánh cướp ở vùng Nghệ An, Trần Nghệ Tông lại phục chức cho Đỗ Tử Bình, sai ra chống giữ. Cũng như lần trước, Đỗ Tử Bình đánh không lại và Chế Bồng Nga tiến vào Thăng Long lần thứ ba, bắt người cướp của rồi rút về.

Đỗ Tử Bình bị đóng cũi, rao phố. Tranh: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Năm 1380, vua Chiêm lại dụ dân Tân Bình và Thuận Hóa đi cướp phá Nghệ An và tiến lên Thanh Hóa. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly lĩnh quân thủy và Đỗ Tử Bình dẫn quân bộ ra chống. Tới tháng 5, quân Chiêm không đánh được phải rút lui. Sau trận đánh này, Đỗ Tử Bình cáo ốm, xin rút lui không giữ binh quyền nữa.

Tháng 11 năm đó, Trần Nghệ Tông phong ông ta làm Nhập nội hành khiển tả tham tri chính sự, lĩnh chức Kinh lược sứ Lạng Giang, được vài năm thì Đỗ Tử Bình qua đời.

Theo các tài liệu lịch sử, trước khi nhận hối lộ 10 mâm vàng, Đỗ Tử Bình từng đem quân đi đánh Chiêm Thành vào năm 1367 nhưng thất bại nặng nề, phải rút quân về.

Viết về Đỗ Tử Bình, sử thần Ngô Thì Sĩ nhận định: “Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.

Vua Trần Duệ Tông bỏ mạng khi đánh Chiêm Thành Không nghe những lời can ngăn của đại thần, vua Trần Duệ Tông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Nguyễn Thanh Điệp
Video: VTV

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/10-mam-vang-va-cai-chet-tham-cua-vi-vua-giua-tran-tien-post947457.html