10 loại thuốc có thể gây mất ngủ

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số làm gián đoạn giấc ngủ, một số gây mất ngủ, thậm chí có thể gây mộng du. Dưới đây là danh sách các loại thuốc là thủ phạm phổ biến gây ra những rối loạn trong giấc ngủ.

1. Vì sao thuốc gây mất ngủ?

Mất ngủ không chỉ tiêu hao năng lượng, ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn có thể khiến sức khỏe, hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống giảm sút.

Nội dung

1. Vì sao thuốc gây mất ngủ?
2. Các loại thuốc có thể gây mất ngủ
2.1 Thuốc cảm lạnh
2.2 Thuốc chống trầm cảm
2.3 Thuốc huyết áp
2.4 Thuốc chống viêm corticosteroid
2.5 Thuốc điều trị Parkinson
2.6 Liệu pháp thay thế nicotine
2.7 Thuốc ngủ
2.8 Thuốc giảm đau
2.9 Thuốc hen suyễn và COPD
2.10 Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Chu kỳ ngủ-thức rất phức tạp và liên quan đến nhiều tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh. Bất kỳ loại thuốc nào có hoạt động trong hệ thần kinh trung ương đều có khả năng ảnh hưởng đến chu kỳ này.

Những thay đổi về chất lượng và / hoặc chu kỳ giấc ngủ do thuốc gây ra có thể gây rối loạn giấc ngủ. Trong một số trường hợp, những thay đổi này có thể cần điều trị, trong khi những thay đổi khác có thể lành tính hoặc không rõ nguyên nhân.

Nếu nghi ngờ loại thuốc đang sử dụng ảnh hưởng đến giấc ngủ, người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị để tìm ra nguyên nhân.

2. Các loại thuốc có thể gây mất ngủ 2.1 Thuốc cảm lạnh

Thuốc cảm không kê đơn thường chứa một loại thuốc thông mũi là pseudoephedrine, có thể làm giảm nghẹt mũi. Pseudoephedrine được biết là gây mất ngủ, ngay cả khi được sử dụng dưới dạng thuốc xịt mũi.

Một số loại thuốc cảm lạnh chứa caffeine, cũng có thể làm rối loạn giấc ngủ.

Nhiều loại thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nhiều loại thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

2.2 Thuốc chống trầm cảm

Trong số các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chống trầm cảm là những tác dụng liên quan đến giấc ngủ. Một số thuốc chống trầm cảm có thể làm trầm trọng thêm hoặc gây ra các rối loạn giấc ngủ nguyên phát như hội chứng chân không yên, chứng nghiến răng khi ngủ, rối loạn hành vi giấc ngủ REM, ác mộng và ngưng thở khi ngủ.

Một số người cũng có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ nếu họ đột ngột ngừng dùng thuốc mà không giảm liều lượng.

2.3 Thuốc huyết áp

Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc làm giảm nhịp tim, đồng thời làm giảm huyết áp; là một lựa chọn điều trị phổ biến cho các bệnh tim mạch, bao gồm suy tim, loạn nhịp tim, đau ngực và huyết áp cao. Tuy nhiên thuốc chẹn beta có tác dụng phụ bao gồm trầm cảm, lo lắng, buồn ngủ, mất ngủ, ảo giác và ác mộng.

Ngoài ra thuốc chẹn beta làm giảm sự tiết hormone melatonin của cơ thể vào ban đêm. Melatonin là hormone có vai trò quan trọng trong điều chỉnh chu kỳ ngủ / thức.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) cũng là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Thuốc làm giảm huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu. Những loại thuốc này cũng có tác dụng phụ gây ho, đau nhức và khó ngủ.

2.4 Thuốc chống viêm corticosteroid

Corticosteroid thường được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng sức khỏe, như dị ứng, rối loạn viêm, tình trạng tự miễn dịch và một số bệnh ung thư. Các loại thuốc corticosteroid thông thường, như prednisone và prednisolone, có thể được dùng bằng đường uống, tiêm, hít hoặc bôi ngoài da.

Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở những người dùng corticosteroid, đặc biệt là những người dùng thuốc 2 lần một ngày hoặc vào ban đêm. Những rắc rối về giấc ngủ có thể xảy ra vì thuốc làm rối loạn mô hình sản xuất hormone của cơ thể. Corticosteroid cũng có thể gây hưng cảm, một tình trạng khiến một người ngủ ít hơn.

2.5 Thuốc điều trị Parkinson

Thuốc chủ vận dopamine được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson nhẹ hoặc trung bình và một số tình trạng sức khỏe tâm thần. Những loại thuốc này kích hoạt các thụ thể dopamine trong não.

Mặc dù các chất chủ vận dopamine khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi hơn, nhưng các loại thuốc này cũng có liên quan đến chứng mất ngủ. Ngoài ra, chất chủ vận dopamine có thể gây ra các tác dụng phụ, như buồn nôn, nôn và chóng mặt, có thể khiến người bệnh thức đêm.

Thuốc điều trị huyết áp cao cũng có thể gây mất ngủ.

2.6 Liệu pháp thay thế nicotine

Liệu pháp thay thế nicotine giúp cai thuốc lá. Thuốc hỗ trợ thay thế nicotine có dạng kẹo cao su, miếng dán, ống hít, viên ngậm hoặc thuốc xịt mũi. Những phương pháp điều trị này cung cấp nicotine vào máu và ngăn chặn cảm giác thèm ăn và các triệu chứng cai nghiện.

Nicotine được biết là làm cho mọi người tỉnh táo hơn. Nicotine cũng làm tăng huyết áp và nhịp tim. Những người cố gắng bỏ thuốc có thể khó ngủ, gặp ác mộng và bồn chồn khi cơ thể điều chỉnh. Tuy nhiên, một số loại thuốc hỗ trợ thay thế nicotine cũng có thể khiến người sử dụng khó ngủ hơn.

Các tác dụng phụ của phương pháp điều trị thay thế nicotine phụ thuộc vào liều lượng và công thức. Ví dụ, dạng hít thường không gây rối loạn giấc ngủ. Các hình thức khác, như miếng dán hoặc kẹo cao su, có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và ác mộng.

Một số phương pháp điều trị thay thế nicotine cũng có tác dụng phụ bao gồm nghẹt mũi, ợ chua và đau đầu.

2.7 Thuốc ngủCó thể ngạc nhiên khi thấy thuốc ngủ nằm trong danh sách các loại thuốc gây mất ngủ. Tuy nhiên, thuốc điều trị chứng mất ngủ có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ở một số người.

Hầu hết các loại thuốc ngủ kê đơn được phân loại là benzodiazepine hoặc nonbenzodiazepine. Cả hai loại thuốc đều có thể giúp đi vào giấc ngủ và ngủ ngon. Nhưng đối với một số người, những loại thuốc ngủ này cũng có thể làm rối loạn giấc ngủ. Ví dụ, benzodiazepine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Những người ngừng dùng thuốc ngủ theo toa có thể bị mất ngủ trở lại. Chứng mất ngủ tái phát khiến khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ hơn sau khi ngừng sử dụng thuốc hơn là trước khi dùng thuốc.

Thuốc ngủ không kê đơn, như doxylamine và diphenhydramine, cũng có những rủi ro và chỉ nên sử dụng ngắn hạn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

2.8 Thuốc giảm đauThuốc giảm đau không kê đơn hầu hết thuộc 2 loại: T huốc chống viêm không steroid (NSAID) và paracetamol.

NSAID, đặc biệt với liều lượng cao, có thể gây kích ứng dạ dày, đau bụng, tăng axit, đầy bụng, tiêu chảy và các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Do đó, một số người bị gián đoạn giấc ngủ khi dùng NSAID. Nếu đang dùng NSAID, cần dùng thuốc trong bữa ăn để hạn chế các tác dụng phụ này.

2.9 Thuốc hen suyễn và COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một nhóm các bệnh phổi gây ra tắc nghẽn luồng không khí từ phổi. Một tình trạng phổi mãn tính khác gây ra các vấn đề về hô hấp là bệnh hen suyễn. Các triệu chứng của cả hai tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc theo toa.

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị COPD và hen suyễn, như albuterol và prednisone, có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Thuốc hen suyễn bao gồm thuốc giãn phế quản như albuterol, ipratropium và levalbuterol , có tác dụng phụ bao gồm căng thẳng, mất ngủ và nhịp tim nhanh.

Nếu phương pháp điều trị đầu tiên không hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất theophylline, một loại thuốc điều trị COPD và hen suyễn giúp kiểm soát tình trạng viêm trong phổi để giảm bớt các triệu chứng. Nhưng theophylline có đặc tính kích thích tương tự như caffeine, gây khó chịu, khó đi vào giấc ngủ và bồn chồn.

Nếu thuốc hen suyễn hoặc COPD gây mất ngủ, người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể giảm liều để giảm thiểu tác dụng phụ.

2.10 Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

PPI như omeprazole hoặc lansoprazole là những loại thuốc làm giảm lượng axit trong dạ dày, dùng để điều trị khó tiêu, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản, viêm loét dạ dày. Một trong những tác dụng phụ phổ biến của PPI là mất ngủ và giấc ngủ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến 1/10 người dùng thuốc.

Nếu đang dùng các thuốc này, người bệnh thấy có sự thay đổi về giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ...) cần thông báo cho bác sĩ biết, để có tư vấn và xử trí phù hợp...

DS. Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//10-loai-thuoc-co-the-gay-mat-ngu-169220728203530619.htm