10 lễ hội Xuân được mong đợi nhất dịp tết Nguyên đán ở Hà Nội

Cứ đến dịp đầu năm mới, các lễ hội lớn lại diễn ra với những nét văn hóa vô cùng độc đáo. Người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, dù bận rộn đến đâu cũng cố sắp xếp thời gian để tham dự, hẹn hò nhau đến hội xuân và cảm nhận văn hóa truyền thống của dân tộc. Sưới đây là 10 lễ hội Xuân được mong đợi nhất dịp tết Nguyên đán ở Hà Nội.

1. Hội đền Hai Bà Trưng

Tết đến, xuân về, mời bạn ngược sông Hồng, về vùng đất cổ Mê Linh thăm viếng Hai Bà Trưng để tĩnh tâm và bồi đắp lòng tự hào, tự tôn của dòng giống Lạc Hồng.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã).

Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, lúc bình sinh, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên.

Lễ hội được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nét độc đáo nhất của lễ hội là lễ giao kiệu. Hội được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Trước đó, từ mồng 4 tháng giêng, dân làng đã làm lễ mộc dục, thay bao sái tượng Vua Bà chứ không theo lệ thường ra sông múc nước về tắm tượng Thánh. Sau đó ngày mồng 4 và 5 làng Hạ Lôi tổ chức lễ tế Hai Bà ở đình làng cùng với Thành hoàng làng là 4 vị tướng - 4 anh em ruột Đô, Hồ, Bạch, Hạc đã phù Thánh Tản Viên dựng lại nghiệp đế họ Hùng.

Cùng với người dân địa phương, hàng nghìn du khách trong, ngoài nước đã về đây tụ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao chống giặc giữ nước của Hai Bà.

2. Lễ hội Cổ Loa

Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.

Ngoài ra trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo...

Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.

3. Hội rước pháo làng Đồng Kỵ

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là hoạt động tiêu biểu nhất mà người dân vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được đến ngày nay. Đây là nghi thức truyền thống được nhiều người mong đợi, diễn ra từ ngày mùng 4 đến 6 tháng Giêng Âm lịch.

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) để tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương – vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc.

Mọi công việc cho Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sáng sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng, hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì mới được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng ban Khánh tiết) ra trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương.

Ngoài ra, du khách cũng không thể bỏ qua các hoạt động văn hóa, thể thao xung quanh khu vực như hát quan họ, hát tuồng cùng các cuộc so tài môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà…

4. Hội gò Đống Đa

Hàng năm, vào ngày mùng 5 Tết Âm lịch, nhân dân ta lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại khu gò Đống Đa thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ. Đặc biệt, tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang…

5. Hội đền Gióng

Hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày liên tiếp với các nghi lễ truyền thống: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Theo truyền thuyết xưa, nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời.

Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc. Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

6. Hội rước “ông” Lợn

Hàng năm, cứ vào ngày 13 tháng giêng Âm lịch, làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tổ chức lễ hội rước “ông” lợn. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của làng.

Tất cả các thôn xóm đều sửa soạn lễ để ra đình cúng tế một vị thần hoàng làng – nguyên là một bộ tướng dưới thời vua Hùng có công dẹp giặc. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn được mổ và để nguyên con, sau đó trang trí thật đẹp mắt rồi đưa vào đình cúng tế và dự thi. Lễ cúng bắt đầu từ 20h30 cho đến đêm.

“Ông” lợn của xóm nào to và đẹp nhất sẽ đạt giải nhất. Như vậy, cả làng có đến hàng chục con lợn lần lượt được rước ra đình, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ, và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.

7. Hội chùa Hương

Từ tháng 1 - 3 âm lịch diễn ra lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Trong đó, đặc sắc nhất là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Thời gian này bạn sẽ có cơ hội tham dự những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của lễ hội và hòa mình vào trong không khí tưng bừng nơi đây.

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc nằm theo chuỗi trong thung lũng Suối Yến gồm các di tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.

Ban Quản Lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương cho biết, về mức phí tham quan thắng cảnh và phí vận chuyển thuyền, đò năm 2018, sẽ không thay đổi mà vẫn giữ nguyên mức phí như năm 2017.

Vé thắng cảnh 80.000/khách cho toàn khu vực di tích thắng cảnh chùa Hương. Vé thuyền, đò 50.000/lượt tuyến chính (Tuyến Hương tích); 35.000/lượt tuyến phụ (Tuyến chùa: Thanh Sơn, Long Vân, Tuyết Sơn).

Những ngày không thu phí tham quan gồm: Ngày Di sản Văn hóa; Ngày 30, mùng 1, mùng 2 tết Nguyên Đán. Ngày lễ Phật Đản (15/04 Âm Lịch).

8. Lễ hội Võng La

Lễ hội Võng La tổ chức từ ngày 13 đến 15/1 âm lịch hàng năm, tại Đình Đại Độ, làng Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh. Lễ hội nhằm suy tôn Ngũ vị Tôn Thần: Quốc Công Đại Vương và Lã Nương Phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn (Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục (Đệ Tam Linh Tố Đại Vương).

Hàng năm, xã Võng La có hai kỳ hội. Hội tháng Giêng âm lịch (hội chính) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 để tưởng niệm ngày hóa của ba vị Đại Vương. Hội tháng Tám âm lịch diễn ra vào ngày 15 để tưởng niệm ngày sinh cũng là ngày hóa của phụ thân và phụ mẫu ba vị Đại Vương.

9. Hội đền bà Tấm

Hội đền bà Tấm diễn ra từ ngày 19 - 22/2 và 25/7 âm lịch. Chính hội 19/2 âm lịch. Hội lớn 5 năm một lần.

Ngày 19-2 (âm lịch tương truyền là ngày sinh của bà Tấm. Ngày hội được mở đầu bằng một đám rước long trọng - rước nước. Đám rước khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Sủi (Phú Thị) cách đền khoảng 2km. Đường đi từ đền theo đường 179 ngày nay lên Sủi. Đám rước rất lớn và dài, nên kéo dài tới bốn hoặc năm tiếng đồng hồ.

10. Hội đền Sái (Hội rước vua sống)

Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, đền Sái (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) đều tổ chức lễ rước vua giả (hay còn gọi là rước vua sống) để tưởng nhớ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã giúp An Dương Vương trừ yêu, xây thành Cổ Loa.

Tương truyền lễ hội đã có “ngót nghét” 2.000 năm và để tạc ghi công đức của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, nhà vua cho xây dựng đền Sái trên núi Thất Diệu Sơn và hàng năm cứ vào mùa xuân nhà vua lại đích thân xa giá về bái yết tại đền. Về sau, việc đi lại khó khăn, tốn kém tiền bạc của nhân dân nên nhà vua ban chiếu cho làng Thụỵ Lôi thực hành nghi lễ này.

Mỗi năm Vua, Chúa và các quan giả đều được chọn mới. Điều kiện để được vào vai Vua, Chúa là phải từ 70 tuổi trở lên, gia đình văn hóa, con cháu đề huề, nội ngoại đầy đủ và vào vai quan phải trên 60 tuổi.

Hạnh Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/10-le-hoi-xuan-duoc-mong-doi-nhat-dip-tet-nguyen-dan-o-ha-noi-310259.html