10 khoảnh khắc định hình cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm 2020

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm 2020 đang trở nên đầy kịch tính với nhiều diễn biến nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người.

Dưới đây là 10 khoảnh khắc được xem là bước ngoặt định hình cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm nay, theo thống kê từ trang tin Times of India.

1. Tổng thống Trump được Thượng viện Mỹ tuyên vô tội

Cuối năm 2019, Tổng thống Trump bị Hạ viện Mỹ điều tra luận tội với các cáo buộc lạm dụng chức vụ và cản trở Quốc hội. Vụ việc xảy ra sau khi một cá nhân ẩn danh tiết lộ ông Trump đã thúc ép chính phủ Ukraina mở cuộc điều tra đối với con trai của ứng cử viên tổng thống năm 2020 Joe Biden, để đổi lấy một khoản viện trợ quân sự từ chính phủ Mỹ.

Quá trình luận tội Tổng thống Trump kéo dài từ tháng 9 năm 2019 đến tận tháng 1 năm 2020, và chỉ kết thúc sau khi đa số Thượng nghị sĩ nhất trí bỏ phiếu tha bổng cả 2 tội danh đối với ông Trump.

Ông Trump cầm trang nhất tờ báo Washington Post với dòng tít tuyên bố ông vô tội. Ảnh: AP

Ông Trump cầm trang nhất tờ báo Washington Post với dòng tít tuyên bố ông vô tội. Ảnh: AP

Việc được Quốc hội Mỹ tuyên “trắng án”, cùng với một nền kinh tế đang bùng nổ tại Mỹ, giúp cho triển vọng tái đắc cử của ông Trump trở nên thuận lợi, trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này và thay đổi mọi thứ.

2. Ông Joe Biden giành chiến thắng tại bang Nam Carolina

Sau những màn thể hiện đáng thất vọng tại các vòng bầu cử sơ bộ ở bang Iowa và New Hampshire, cánh cửa vào Nhà Trắng của cựu Phó Tổng thống Mỹ bị cho là đang dần khép lại. Nhưng các trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Biden khẳng định rằng cục diện sẽ thay đổi sau khi các cử tri Mỹ gốc Phi bắt đầu xuất hiện tại phòng bỏ phiếu với số lượng lớn.

Và họ đã đúng. Sau chiến thắng áp đảo tại Nam Carolina, ông Biden ngay lập tức khiến nhiều đối thủ khác của đảng Dân chủ bỏ cuộc, và tạo nên một màn nước rút ấn tượng chỉ trong vài tuần lễ để trở thành người so găng cuối cùng với Tổng thống Trump.

Ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng trước những người ủng hộ tại Nam Carolina. Ảnh: AP

Cựu Phó Tổng thống Mỹ vẫn chứng tỏ mình là ứng cử viên phù hợp nhất của đảng Dân chủ trong việc lôi kéo các cử tri trung lập ở các bang miền Trung Tây và những nơi khác rời bỏ ông Trump và đảng Cộng hòa.

3. Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19

Sau nhiều tuần cố gắng hạ thấp mức độ nguy hiểm của virus corona, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố tình trạng khẩn trên toàn quốc tại Nhà Trắng vào ngày 13/3. Ở thời điểm đó, dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại nước Mỹ với hàng trăm nghìn ca dương tính tại các thành phố lớn.

Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch Covid-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Dịch Covid-19 đã làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ, và cũng đồng thời làm thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ông Trump và Biden. Ứng cử viên của đảng Dân chủ giờ đây lại được cho là nắm nhiều lợi thế, nhờ những phát biểu được cho là được lòng nhiều cử tri Mỹ hơn trong việc phòng chống Covid-19.

4, Ông Bernie Sanders từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng được kỳ vọng là ứng cử viên nặng ký của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, sau những thắng lợi liên tiếp tại các bang New Hampshire, Nevada cùng với một lực lượng hùng hậu những người ủng hộ trẻ tuổi.

Nhưng sau đó, ông Sanders đã trở nên hụt hơi trong cuộc so găng trực tiếp với ông Biden vào ngày bầu cử Siêu thứ Ba. Và trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thượng nghị sĩ bang Vermont đã phải tuyên bố bỏ cuộc và quay sang ủng hộ ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ứng cử viên Bernie Sanders của đảng Dân chủ. Ảnh: Chicago Tribune

Động thái này cho phép ông Joe Biden có thêm thời gian tập trung vào giai đoạn tổng tuyển cử. Bên cạnh đó, việc bắt tay với ông Bernie Sanders giúp cựu Phó Tổng thống Mỹ giành được nhiều thiện cảm hơn đối với nhóm cử tri trẻ, đồng thời có cơ hội đưa những tiếng nói cấp tiến vào các nhóm hoạch định chính sách của mình.

5. Đề xuất “tiêm thuốc tẩy” vào bệnh nhân Covid-19 của ông Trump

Trong cuộc họp báo về tình hình Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 23/4, Tổng thống Trump đã gây sốc khi cho rằng việc tiêm các loại chất khử trùng, như thuốc tẩy, vào cơ thể bệnh nhân Covid-19 có thể loại bỏ virus corona.

Câu nói trên nhanh chóng khiến ông Trump trở thành đề tài châm biếm của báo chí và các đối thủ chính trị, dù Tổng thống Mỹ sau đó biện hộ rằng ông chỉ “nói đùa”. Các chuyên gia y tế và những công ty thuốc tẩy ngay lập tức cảnh báo người dân không được thử nghiệm việc nguy hiểm này.

Ông Trump từng tuyên bố thuốc tẩy có thể "chữa" được Covid-19. Ảnh: India Times

Hậu quả là ông Trump đã quyết định đình chỉ toàn bộ các cuộc họp báo sau này tại Nhà Trắng, dù các cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 4 đã cho thấy sự tán thành của công chúng đối với việc xử lý Covid-19 của ông Trump là tương đối cao.

6. Tuyên bố “luật pháp và trật tự” của ông Trump

Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, sau vụ việc người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát thành phố Mineapolis lấy chân chèn vào cổ gây tử vong, từng làm rung chuyển toàn nước Mỹ trong suốt thời điểm tháng 5-6 vừa qua.

Tại thủ đô Washington D.C, những người biểu tình quá khích đã tìm cách xâm nhập vào Nhà Trắng, làm bị thương một số nhân viên mật vụ và buộc Tổng thống Trump phải di chuyển xuống boong ke dưới tầng hầm Nhà Trắng trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên vào ngày 1/6, chỉ một hôm sau sự cố trên, ông Trump đã tự đi bộ đến nhà thờ St. John’s bên ngoài Nhà Trắng, nơi vừa bị những người biểu tình quá khích đập phá.

Ông Trump tuyên bố "luật pháp và trật tự" trước nhà thờ St. John's hôm 1/6. Ảnh: Nhà Trắng

Tại đây, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ vãn hồi lại trật tự trên cả nước với khẩu hiệu nổi tiếng: "luật pháp và trật tự" – thứ đã và đang được ông sử dụng trong phần còn lại của chiến dịch tái tranh cử của mình.

Khẩu hiệu trên dù khiến ông Trump phần nào mất điểm với các cử tri cấp tiến, song đã khiến ông giành được sự ủng hộ rộng rãi của giới cảnh sát cùng các lượng thực thi pháp luật khác trên toàn nước Mỹ.

7. Bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên Phó Tổng thống

Từng là đối thủ của ông Joe Biden tại các vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, song Thượng nghị sĩ Kamala Harris mới đây đã được cựu Phó Tổng thống Mỹ chọn làm người đồng hành trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris. Ảnh: AP

Thực tế, sự lựa chọn này không phải là điều gì ngạc nhiên, khi bà Kamala Harris từng được nhiều người dự đoán là phù hợp nhất để làm trợ lý cho ông Biden. Và bà đã nhanh chóng chứng tỏ năng lực của mình trong việc đánh bóng hình ảnh và tiếp thêm sinh khí cho đảng Dân chủ, cũng như phát huy khả năng khả năng vận động gây quỹ đáng kinh ngạc của mình cho chiến dịch của ông Biden.

8. Nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời

Điều tồi tệ nhất đối với những người ủng hộ đảng Dân chủ đã trở thành sự thật, sau khi nữ thẩm phán cao tuổi nhất của Tòa án Tối cao Mỹ qua đời trước thời điểm bầu cử vì căn bệnh ung thư.

Tổng thống Trump và các đồng minh đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này, khi đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett để cán cân tại Tòa án Tối cao Mỹ ngả hẳn về hướng có lợi cho đảng Cộng hòa.

Cố thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: TIME

Động thái trên giúp phe Cộng hòa nắm được những lợi thế nhất định trước ngày bầu cử, và cũng đồng thời gây ra một số khó khăn đối với chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden cũng như các đạo luật về chăm sóc sức khỏe của đảng Dân chủ.

9. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và Biden đầu tiên

Để tạo thêm cú hích cho những nỗ lực tái tranh cử cửa mình, Tổng thống Trump bước vào cuộc tranh luận đầu tiên với những “đòn phủ đầu” liên tiếp đối với ứng cử viên Joe Biden.

Nhưng sự quyết liệt của ông Trump bị cho là đã “phản tác dụng”. Việc liên tục ngắt lời của ông Joe Biden và những màn đấu khẩu tay đôi với điều phối viên Chris Wallace đã làm không khí của buổi tranh luận tổng thống đầu tiên trở nên căng thẳng ngoài mức kiểm soát. Các cuộc thăm dò được tiến hành sau buổi tranh luận còn cho thấy ông Trump đang mất điểm khá nhiều trong mắt các cử tri còn đang lưỡng lự.

Toàn cảnh cuộc tranh luận đâu tiên giữa ông Trump và Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ đã bỏ lỡ cuộc tranh luận thứ 2 sau khi bị chẩn đoán dương tính với Covid-19, nhưng vẫn kịp thời tham gia buổi tranh luận cuối cùng vào ngày 22/10. Tại sự kiện này, ông Trump đã áp dụng một giọng điệu kiềm chế hơn và phần nào giành lại những lợi thế đã mất từ tay đối thủ của mình.

10. Tổng thống Trump bị chẩn đoán mắc Covid-19

Sau nhiều tuần tổ chức các cuộc mít tinh rầm rộ mà bỏ qua những quy tắc đảm bảo an toàn trước dịch Covid-19, ông Trump và một số phụ tá đã xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.

Điều đó gây ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch vận động tranh cử của ông Trump, đồng thời khiến ông bỏ lỡ luôn cuộc tranh luận tổng thống thứ 2 với đối thủ Joe Biden.

Ông Trump rời Nhà Trắng đến Trung tâm Y tế Walter Reed sau khi bị chẩn đoán nhiễm Covid-19. Ảnh: AP

Cho đến nay, quá trình hồi phục nhanh chóng khỏi Covid-19 của ông Trump vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến khen ngợi đây là một tín hiệu tích cực đối với người đứng đầu nước Mỹ, song vẫn có ý kiến lo ngại về tình trạng y tế và sức khỏe các nhân viên trong Nhà Trắng.

Dù thế nào đi nữa, thì Covid-19 vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của trong chiến dịch tranh cử của cả 2 ứng viên, khi nước Mỹ chỉ còn cách thời điểm bầu cử đúng vài ngày nữa.

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/bau-cu-tong-thong-my-2020-10-khoanh-khac-dinh-hinh-cuoc-dua-vao-nha-trang-trong-nam-2020-684055.html