10 gián điệp Trung Quốc bị Mỹ 'truy nã' vì đã đánh cắp công nghệ mật

10 gián điệp Trung Quốc đã bị Mỹ buộc tội xâm nhập vào hệ thống máy tính của các doanh nghiệp hàng không của Anh, Mỹ, Pháp và Australia để đánh cắp bí mật thương mại.

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã công bố cáo trạng đối với những nhân viên tình báo Trung Quốc khi họ đánh cắp những thông tin nhạy cảm “để chế tạo động cơ phản lực giống hoặc tương tự mà không cần phải thực hiện nghiên cứu sâu rộng và chi trả những chi phí phát triển lớn”.

Phó Tổng chưởng lý Mỹ John Demers công bố cáo trạng đối với 10 gián điệp Trung Quốc.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với Trung Quốc, cũng như việc hai nước đang trải qua thời kỳ căng thẳng thương mại. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh thực hiện chiến dịch kinh tế và quân sự quy mô lớn nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và đánh cắp sở hữu trí tuệ từ các nước phương Tây.

“Đây mới chỉ là điểm khởi đầu”, ông John Demers, Phó Tổng chưởng lý Mỹ phụ trách vấn đề an ninh quốc gia cho biết. “Cùng với nhiều cơ quan liên bang khác, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực của mình để bảo vệ công nghệ và tài chính của Hoa Kỳ”.

Được biết, các nhân viên tình báo này đều thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc và đã đánh cắp thiết kế động cơ phản lực và những thông tin mật từ 13 công ty khác nhau, trong đó có 2 công ty hàng không của Mỹ. Chỉ có 1 trong số những công ty này được nêu tên trong bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, đó là Capstone Turbine, một nhà sản xuất động cơ tuabin khí ở Los Angeles (Mỹ).

Theo Bộ Tự pháp Mỹ, từ năm 2010 đến ít nhất là tháng 5/2015, nhóm gián điệp Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của các công ty phương Tây bằng cách giả mạo những đối tác chính thống để gửi thư điện tử nhằm thu thập thông tin mật. Ngoài ra, các hacker cũng biến trang web của các công ty phương Tây nêu trên thành những trang độc hại có thể xâm phạm máy tính của bất kỳ người nào truy cập vào đây.

Vào thời điểm đó, một công ty hàng không của chính phủ Trung Quốc đang phát triển một mẫu động cơ phản lực tương tự để sử dụng trên các máy bay dân dụng được sản xuất ở Trung Quốc, ví dụ như C919 và ARJ21. Cả hai loại máy bay của Trung Quốc này đều sử dụng động cơ sản xuất ở nước ngoài và từ lâu Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc chế tạo một loại động cơ hiệu quả tương đương.

Cả 10 cá nhân được nêu ra trong cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ đều được cho là đang ở Trung Quốc. Nếu vậy, rất có thể chính phủ Trung Quốc sẽ không giao những người này cho chính phủ Mỹ xét xử khi giữa hai nước không có thỏa thuận dẫn độ tội phạm hình sự nào.

Vào tháng 10/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết một văn bản cam kết nhằm ngăn chặn hai bên xâm nhập vào hệ thống mạng của nhau. Những tuyên bố mới đây của Washington cho thấy Bắc Kinh đang vi phạm cam kết trên.

Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận tất cả các cáo buộc trên. Bộ ngoại giao của nước này cho biết: “Các cáo buộc trên đều không có căn cứ xác đáng và hoàn toàn được thêu dệt”.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/10-gian-diep-trung-quoc-bi-my-truy-na-vi-da-danh-cap-cong-nghe-mat-post280506.info