10 điều cha mẹ ngăn cản con khiến tuổi thơ trẻ bớt vui

Nhiều phụ huynh ngăn cản con làm những điều họ cho rằng không tốt. Việc này có thể khiến trẻ thiếu hụt một số kỹ năng và trải qua tuổi thơ bớt vui vẻ.

1. Làm rách, bẩn quần áo: Trẻ tìm hiểu thế giới bên ngoài bằng cách đi dạo, khám phá môi trường xung quanh. Những lúc này, trẻ không để ý bộ quần áo mình mặc đắt, rẻ hay khó mua hay không. Cha mẹ thỉnh thoảng nên gác vấn đề tiền bạc sang một bên, chấp nhận con làm rách, bẩn quần áo để học hỏi thêm điều mới. Họ cũng có thể phân loại quần áo, chọn bộ bình thường để con mặc khi hoạt động ngoài trời. Ảnh: Brightside.

2. Ăn thực phẩm không tốt cho sức khỏe: Thực tế, hầu hết trẻ thích đồ ăn nhanh, trong khi cha mẹ lại cấm mấy loại thực phẩm “rác”. Phụ huynh càng cấm, trẻ càng tranh thủ mọi cơ hội để ăn. Vì thế, chuyên gia cho rằng cha mẹ nên thỉnh thoảng mua loại đồ ăn này, thay vì cấm hoàn toàn, để con không cần cố một lần ăn nhiều hay giấu giếm, ăn vụng. Ảnh: Getty Images.

3. Tiêu tiền riêng vào thứ vô ích: Trẻ em thời nay thường tiêu tiền riêng khi đi chơi với bạn, mua thiết bị kỹ thuật số hoặc tải phần mềm từ mạng, mua quần áo, giày dép, đồ ăn hoặc trả phí đi lại. Nhiều phụ huynh cảm thấy lãng phí khi chi tiền vào thứ vô ích nên hạn chế, thậm chí cấm hẳn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng họ không nên làm vậy. Thứ nhất, đó là tiền riêng của con, con nên có quyền quyết định. Thứ hai, đây là quá trình để trẻ học cách kiểm soát bản thân, tiêu tiền thông minh hơn. Ảnh: Brightside.

4. Vô lo vô nghĩ: Các nhà tâm lý học lo ngại trẻ em dễ lo âu, phiền muộn hơn thế hệ trước, một phần do phải “chạy đua” trong học tập. Chương trình học ngày càng khó, nhiều xu hướng mới xuất hiện, mạng xã hội khiến trẻ cảm thấy mình tụt hậu so với người xung quanh. Vì thế, phụ huynh cần cho con khoảng không để thả lỏng hoặc làm thứ mình thích. Ảnh: MomJunction.

5. Trốn học: Khi thấy con căng thẳng hoặc buồn chán, cha mẹ nên cho phép con nghỉ ngơi. Học hành không phải thứ quan trọng nhất, đặc biệt khi so với sức khỏe tinh thần, tâm lý trẻ. Do vậy, nếu con cần nghỉ ngơi, phụ huynh cần cho con cơ hội sống chậm lại, ngẫm xem mình muốn, thích gì. Việc nghỉ học, trốn học cũng không có gì quá nghiêm trọng. Ảnh: Brightside.

6. Tranh luận với người lớn: Trí tuệ, công bằng không phụ thuộc tuổi tác. Người lớn cũng có lúc phạm sai lầm hoặc hành xử thô lỗ. Do đó, phụ huynh không nên cấm tuyệt đối việc con tranh luận với người lớn. Trẻ cũng cần học cách bảo vệ quan điểm, giới hạn của bản thân. Đương nhiên, cha mẹ nên dạy con giữ thái độ đúng mực khi tranh cãi. Ảnh: Brightside.

7. Tự chọn trang phục: Cha mẹ nhiều khi bất đồng quan điểm với con khi mua quần áo, muốn con theo ý mình. Trong khi đó, các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh nên để con tự chọn vì nó giúp trẻ tự hình thành cá tính, trở thành cá thể độc lập, có chỗ đứng riêng trong xã hội. Hơn nữa, trẻ thường thích mặc đồ mình chọn và có thói quen giấu kỹ đồ bố mẹ mua trái ý mình. Ảnh: Brightside.

8. Không nghe lời: Người lớn thích con “gọi dạ bảo vâng” mà quên mất đứa trẻ luôn vâng lệnh, làm mọi thứ theo yêu cầu của người khác sẽ đánh mất cơ hội đứng lên vì bản thân mình khi trưởng thành. Vì vậy, dù khá đau đầu, cha mẹ cần chấp nhận con thỉnh thoảng không nghe lời để trẻ trưởng thành tự tin, chủ động. Ảnh: Brightside.

9. Sống kiểu ông cụ non: Trẻ em ngày nay thường trưởng thành sớm hoặc đôi khi tỏ ra ông cụ non. Cha mẹ không nên can thiệp, cứ để con trưởng thành theo tốc độ của riêng mình. Ảnh: Brightside.

10. Chơi video game: “Một vài trẻ muốn chơi bóng chày cả ngày nhưng tôi muốn chơi video game. Đáng buồn, bộ mẹ sợ tôi đốt hết não bộ vào trò chơi điện tử nên hạn chế tôi chỉ được ngồi trước máy tính một giờ mỗi tối. Tôi tìm mọi cách để chơi lén, quên hết thời gian”, Chris Bergman, Giám đốc điều hành một công ty phần mềm, chia sẻ. Ông không bao giờ cấm con chơi trò chơi trên máy tính, di động. Các nghiên cứu cũng chỉ ra video game giúp trẻ phát triển trí não tốt hơn tivi vì nó buộc não phản ứng nhanh chóng, nắm bắt thông tin. Ảnh: Thedigitalbridges.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-dieu-cha-me-ngan-can-con-khien-tuoi-tho-tre-bot-vui-post1075448.html