10 điểm khiến siêu mô tô Honda NR đi trước thời đại

Dù trong lịch sử đã có nhiều mẫu siêu mô tô tới từ các hãng lớn được bán ra, tuy nhiên hiếm có chiếc superbike nào đi trước thời đại như Honda NR.

Vào năm 1992 khi Honda NR được công bố, những chiếc mô tô vẫn còn rất lạc hậu khi so với ngày nay. Ngay cả những superbike cao cấp nhất trên thị trường cũng chỉ sử dụng chế hòa khí thay vì hệ thống phun nhiên liệu điện tử. Sợi carbon mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong đường đua, và khung nhôm chỉ xuất hiện trên những mẫu xe đắt tiền nhất.

NR không phải là một mẫu xe đem tới lợi nhuận cao cho Honda, và nó cũng sở hữu hiệu năng không hơn nhiều so với các dòng siêu mô tô rẻ hơn 1/4, thậm chí là 1/5 giá trị vào thời điểm đó. Tuy nhiên với NR, Honda đã đập tan những giới hạn thiết kế thông thường, và khiến những người yêu xe có được tầm nhìn về những chiếc mô tô trong tương lai. Nếu không có Honda NR, những mẫu siêu mô tô như Kawasaki H2R hay BMW HP4 Race có thể sẽ hoàn toàn khác biệt, thậm chí là không tồn tại như chúng ta thấy ngày nay.

Sau đây là 10 điểm khiến Honda NR đi trước thời đại và trở thành một trong những superbike tuyệt vời nhất từng được chế tạo:

Đèn pha kép với kiểu dáng hấp dẫn:

Trước đây, thiết kế phần đầu của mô tô thường chỉ có đèn pha đơn/kép với chóa hình tròn hoặc vuông đơn giản. Mặc dù NR không phải là mẫu xe đầu tiên với thiết kế hộp đèn đi chệch xu hướng này, tuy nhiên đèn pha kép của chiếc xe có kiểu dáng nhỏ gọn, sắc sảo và hấp dẫn hơn. Tới năm 1994, thiết kế đèn pha kép tương tự đã được áp dụng cho những chiếc xe nổi tiếng như Cagiva Mito và Ducati 916. Thực chất, NR vẫn sử dụng đèn pha đơn, tuy nhiên dải nhựa cắt dọc đã khiến nó có kiểu dáng đèn "đôi mắt" nổi tiếng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, thiết kế đèn pha đôi ngày càng trở nên đa dạng. Hiện nay, gần như mọi mẫu sportbike hay superbike đều có đèn pha kép với kiểu dáng dữ dằn.

Gắp đơn phía sau:

Một lần nữa, NR không phải là chiếc xe đầu tiên có gắp đơn phía sau. Trong thập niên 80, BMW từng dùng thiết kế gắp đơn với trục các-đăng cho chiếc R80G/S và chính Honda cũng đã tạo ra dòng VFR750R RC30 gắp đơn vào năm 1987. Tuy nhiên, điểm khiến NR trở nên khác biệt đó là việc sử dụng gắp đơn trên chiếc xe hoàn toàn có tác dụng trang trí. Trong khi đó, Honda đã dùng gắp đơn cho RC30 với mục đích thay bánh nhanh trong các giải đua đường trường.

Tương tự như đèn pha kép, Ducati 916 đã chịu ảnh hưởng thiết kế của Honda NR và đem thiết kế gắp đơn tới nhiều khách hàng hơn. Kể từ đó tới nay, gắp đơn đã trở thành đặc điểm mang tính truyền thống trên các dòng Ducati cao cấp nhất.

Ống xả đút đuôi:

Trước đây đã từng có nhiều mẫu sportbike 2 kỳ từ 2 xi-lanh trở lên đặt ống xả dưới đuôi, do cấu tạo của loại động cơ này không cho phép gộp nhiều cổ xả thành một đường. Tuy nhiên Honda NR mới là mẫu xe 4 kỳ đầu tiên ứng dụng thiết kế này. Nhà thiết kế Massimo Tamburini đã sửa đổi lại phần đuôi của chiếc Ducati 916 do ông thiết kế khi Honda NR ra mắt, dẫn tới việc mẫu superbike nước Ý cũng có ống xả đặt dưới đuôi. Nếu như NR không xuất hiện, nhiều khả năng phần đuôi của Ducati 916 còn giống Cagiva Mito hơn nữa.

Kính chắn gió tráng titan:

Chiếc kính chắn gió tráng titan ánh 7 màu của NR là một trong những điểm nổi bật của chiếc xe, và cũng góp phần khiến mẫu siêu mô tô này có giá cực đắt. Giá trị của chiếc kính này lên tới 1.572 Bảng Anh (tương đương 48,2 triệu đồng). Với lớp tráng titan, tay nài sẽ không bị chói mắt khi ở trong tư thế núp gió. Hiện nay, các hãng phụ kiện như Puig hay Magical Racing rất thành công với những mẫu kính chắn gió tráng titan tương tự cho nhiều dòng superbike khác nhau.

Bảng đồng hồ kỹ thuật số:

Một trong những lý do khiến NR sử dụng kính chắn gió titan là nhằm che nắng cho đồng hồ tốc độ điện tử của xe, khiến người lái có thể đọc nó ngay cả dưới ánh nắng mạnh. Vào năm 1992, bảng đồng hồ kỹ thuật số vẫn còn rất xa lạ với Thế giới mô tô, tuy nhiên đồng hồ của Honda NR còn đặc biệt hơn nữa. Với các chữ số phản chiếu trên tấm kính bảo vệ, bảng đồng hồ trên Honda NR tạo cảm giác như những thông tin hiển thị đang lơ lửng trong không gian.

Ứng dụng sợi carbon:

Ngày nay, sợi carbon đang dần được phổ cập hóa, và chúng ta thậm chí đã còn được nhìn thấy những chiếc xe có khung bằng loại vật liệu này như BMW HP4 Race hay Ducati 1299 Superleggera. Tuy nhiên vào năm 1992, sợi carbon hiếm khi xuất hiện trên các dòng xe thương mại, chính vì vậy bộ vỏ của Honda NR đã được nhiều người nhắc tới vào thời điểm đó. Không giống như những superbike hiện nay, bộ vỏ này chỉ sử dụng sợi carbon ở một số vị trí quan trọng. Cũng giống như kính chắn gió, chúng có giá cực đắt.

Piston hình oval:

Đương nhiên, điểm độc đáo nhất của NR chính là động cơ V4 của chiếc xe, bắt đầu từ những piston hình oval thay vì hình tròn như truyền thống. Ý tưởng này đã được Honda áp dụng từ thập niên 70 với chiếc xe đua MotoGP NR500, với mục tiêu nâng hiệu suất động cơ 4 kỳ lên ngang với các loại máy 2 kỳ phổ biến trên đường đua lúc đó. Luật của giải GP không cho phép sử dụng động cơ V8, chính vì vậy Honda đã tìm cách "lách luật" bằng các piston hình oval. Tuy nhiên hãng lại rất vất vả để khiến gioăng piston kín và động cơ vận hành một cách tin cậy.

2 tay biên mỗi xi-lanh:

Dù luật của giải GP giới hạn số xi-lanh của xe, tuy nhiên nhà sản xuất lại hoàn toàn tự do lựa chọn số lượng tay biên trong động cơ. Chính vì vậy ở bên dưới những piston kỳ lạ của NR là 2 tay biên. Honda cần phải sử dụng thiết kế này để tránh cho piston bị rung lắc bên trong lòng xi-lanh.

Nhiều hơn 4 xú-páp cho mỗi xi-lanh:

Thiết kế piston hình oval của Honda NR còn kéo theo việc mỗi trái của xe có tới 8 van: 4 nạp và 4 xả - khiến cho tổng số xú-páp của động cơ lên tới 32 chiếc. Mỗi xú-páp được điều chỉnh bằng các miếng chêm độc lập, chính vì vậy việc cân chỉnh các van của động cơ là một quá trình tốn thời gian. Đồng thời, mỗi xi-lanh cũng có tới 2 bu-gi đánh lửa.

Ý tưởng đằng sau thiết kế này là nhằm giúp động cơ có thể đạt số vòng tua siêu cao. Trên lý thuyết, máy 4 kỳ cần phải đạt số vòng tua cao gấp đôi so với động cơ 2 kỳ cùng dung tích, số lượng và cách bố trí xi-lanh. Tổng hợp lại những điều trên, Honda NR có nắp quy-lát cực kỳ phức tạp, khiến mỗi chiếc có giá lên tới khoảng 11.000 Bảng vào thời điểm hiện tại (tương đương 337 triệu đồng).

Mức giá siêu đắt:

Khi còn được bán ra, một chiếc NR có giá niêm yết lên tới 38.000 Bảng ở Anh. Nếu tính với sự thay đổi tỷ giá theo thời gian, con số này tương đương với 72.000 Bảng với mệnh giá 2018 (tương đương 2,21 tỷ đồng). Điều này khiến cho Honda NR được xếp chung đẳng cấp với những Ducati 1299 Superleggera hay BMW HP4 Race ngày nay. Vào năm 1992, mức giá 38.000 Bảng được coi là "điên rồ" cho một chiếc xe máy, chính vì vậy không ngạc nhiên khi Honda đã rất vất vả để bán hết 300 chiếc NR.

Tại thời điểm đó, số tiền mua một chiếc Honda NR có thể giúp khách hàng mua một số dòng xe thể thao cao cấp như Jaguar XJS Convertible hay Porsche 968 Cabriolet. Tuy nhiên bằng cách "thét giá" cực cao, NR cũng đã đặt ra mặt bằng giá chung cho những superbike tương lai và phần nào đó chứng minh rằng khách hàng có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn tới như vậy. Trong khi Honda chật vật NR, vào năm ngoái Ducati đã bán hết 500 chiếc 1299 Superleggera chỉ ngay sau khi ra mắt.

Nguyễn Huy

(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/nhip-song/10-diem-khien-sieu-mo-to-honda-nr-di-truoc-thoi-dai-23502.html