10 cuốn sách hay nhất năm 2020 do New York Times bình chọn

Ban biên tập của tờ New York Times đã chọn ra những cuốn sách hư cấu và phi hư cấu hay nhất của năm.

Là một trong những tờ báo lớn và có uy tín không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, New York Times có chuyên mục giới thiệu đánh giá sách được yêu thích.

Khi năm 2020 đang dần khép lại, ban biên tập của tờ báo đã chọn ra những cuốn sách hư cấu và phi hư cấu hay nhất của năm.

A Children’s Bible - Lydia Millet

Trong khi cha mẹ cả ngày chỉ chìm đắm trong rượu chè, ma túy và tình dục, những đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và vô cùng ngột ngạt. Trong một ngày nổi bão, chúng quyết định chạy trốn, dấn thân vào một chuyến hành trình mà không đứa trẻ nào lường trước được những chuyện sẽ xảy ra.

Với giọng văn nhẹ nhàng, Millet mang đến một câu chuyện ngụ ngôn về biến đổi khí hậu, thấm nhuần những tư tưởng trong Thánh kinh và cuối cùng là hy vọng.

A Children’s Bible của Lydia Millet, nhà văn từng được đề cử giải Pulitzer, nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn. Cuốn sách được đề cử giải Sách Quốc gia Mỹ 2020, đồng thời lọt vào Top 10 sách hay nhất năm của tạp chí TIME cũng như New York Times.

Deacon King Kong - James McBride

James McBride đã tái hiện lại Brooklyn vào những năm 1960 qua một tiểu thuyết trinh thám tội phạm nhiều tầng ý nghĩa. Một ông trùm ma túy đột ngột bị bắn chết dẫn đến cuộc điều tra trên diện rộng và mở ra một xã hội đầy hỗn loạn.

Bằng ngòi bút đanh thép của mình, McBride cho chúng ta thấy rằng không phải tất cả bí mật đều nên được che giấu, rằng cách tốt nhất để trưởng thành là đối mặt với sự thay đổi. Chỉ khi đó hạt giống tình yêu nằm trong hy vọng và lòng trắc ẩn mới nảy nở giữa con người với con người.

Tác giả James McBride đã được bạn đọc Việt biết đến qua cuốn hồi ký cảm động Màu của nước. Ông cũng từng chiến thắng giải Sách quốc gia Mỹ với cuốn sách The Good Lord Bird được chuyển thể thành phim năm 2020.

Hamnet - Maggie O’Farrell

Cuốn sách mang về cho Maggie O’Farrell giải Women’s Prize for Fiction năm 2020 kể về câu chuyện của con trai Shakespeare được viết trên những sự kiện có thật.

Tác phẩm mở đầu bằng cái chết của một cậu bé 11 tuổi và đi sâu vào mối quan hệ giữa Hamnet, mẹ của cậu là Agnes và người cha (nhà viết kịch nổi tiếng William Shakespeare). Và chính Hamnet có thể đã là nguồn cảm hứng để William Shakespeare viết nên vở kịch Hamlet nổi tiếng sau này.

Cuốn sách mô tả lại nỗi đau bất tận của người mẹ khi nhìn thấy con mình lìa xa cõi đời mà không có cha ở bên cạnh. Tuy vậy, điểm độc đáo của cuốn sách nằm ở chỗ, xuyên suốt Hamnet, tên của nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare không được nhắc đến dù chỉ một lần.

Homeland Elegies - Ayad Akhtar

Là một tác phẩm mang tính cá nhân sâu sắc về bản sắc nhưng cũng đầy tính chính trị, Homeland Elegies pha trộn giữa thực tế và hư cấu để kể một câu chuyện sống động sau sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ.

Cuốn sách xoay quanh những cuộc tranh luận giữa một người con trai Mỹ và người cha nhập cư về đất nước mà cả hai đều gọi là quê hương. New York Times đánh giá Homeland Elegies là một cuốn tiểu thuyết rất Mỹ, mang âm hưởng của Đại gia Gatsby với tất cả những mối liên kết về chính nước Mỹ.

The Vanishing Half - Brit Bennett

Hai chị em sinh đôi giống hệt nhau đến từ một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Mỹ. Nhưng một người sống trong cộng đồng người da màu, còn người còn lại ở trong nhà của người da trắng với một thế giới rộng lớn hơn.

Brit Bennett đã khéo léo xây dựng nên một cốt truyện chặt chẽ và tinh tế để kể về vấn đề nhức nhối trên đất Mỹ - nạn phân biệt chủng tộc. Qua đó, mỗi nhân vật có cơ hội để suy ngẫm lại về danh tính và bản sắc của chính mình.

Hidden Valley Road - Robert Kolker

Hidden Valley Road là câu chuyện có thật của một gia đình có 12 người con, nhưng 6 người trong số đó bị tâm thần phân liệt. Đây cũng là gia đình đầu tiên được Viện sức khỏe tâm thần Mỹ nghiên cứu, với hy vọng có những lời giải đáp khoa học cho hiện tượng này.

Quan sát dưới con mắt của một nhà báo, Robert Kolker đã khám phá ra di sản khó quên của một gia đình đầy đau khổ nhưng cũng ngập tràn tình yêu và hy vọng.

A Promised Land - Barack Obama

Điều khiến cuốn hồi ký của Barack Obama khác với những cuốn hồi ký của các vị tổng thống khác nằm ở những suy nghĩ nội tâm. Obama dẫn dắt người đọc vào trong đầu của mình khi ông suy nghĩ về các vấn đề sinh tử của an ninh quốc gia, xem xét từng chi tiết trong quá trình ra quyết định của mình.

Ông cũng mô tả cảm giác phải chịu đựng hệ thống lập pháp đầy cam go và đưa ra suy nghĩ của mình về cải cách chăm sóc sức khỏe người dân cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cuốn sách là một thành công lớn về mặt thương mại, khi bán được hơn 1,7 triệu bản trong tuần đầu tiên ra mắt. Tuy vậy, phần nội dung cũng được đánh giá rất cao khi ông Obama gắn câu chuyện của mình với những giai thoại gia đình đầy tình cảm cùng những bức phác thảo thu nhỏ về các nhà lãnh đạo thế giới.

Shakespeare in a Divided America - James Shapiro

James Shapiro là một nhà nghiên cứu Shakespeare thực thụ với nhiều cuốn sách nghiên cứu về nhà viết kịch lừng danh này. Tuy vậy, trong cuốn sách mới Shakespeare in a Divided America, ông vẫn không lặp lại chính mình.

Bằng một lời kể xuyên suốt nhiều thế kỷ, James Shapiro lần theo dấu vết của những vở kịch Shakespeare hơn 400 năm tuổi, và vai trò quan trọng của nó dẫn đến các sự kiện lịch sử tại Mỹ. Có thể nói cuốn sách không chỉ là về Shakespeare và các vở kịch của ông, mà nó là về lịch sử của chính nước Mỹ.

Uncanny Valley - Anna Wiener

Uncanny Valley là cuốn hồi ký của Anna Wiener kể về hành trình cô từ công việc của một biên tập viên đến khi đặt chân tới những công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon nhằm tái hiện lại chân dung của một thời đại đã qua.

Hồi ký của Anna Wiener là một cái nhìn đầu tiên hiếm hoi về văn hóa khởi nghiệp liều lĩnh, bay bổng vào thời điểm tham vọng không được kiểm soát cũng như sự đi lên của quyền lực chính trị.

Bằng những câu chữ dí dỏm và chân thành, nhưng cũng quyết liệt không ngần ngại, Uncanny Valley là lời cảnh báo cho một thế giới không lường trước được hậu quả ở tương lai.

War - Margaret MacMillan

Đây là một cuốn sách mỏng nhưng lại đi sâu chi tiết vào một chủ đề hấp dẫn: chiến tranh. MacMillan nhận định rằng, chiến tranh dù đã dẫn đến nhiều thảm họa lớn trong lịch sử loài người nhưng cũng dẫn đến nhiều thành tựu lớn nhất của nền văn minh nhân loại.

Rút ra bài học từ các cuộc chiến tranh trong suốt quá khứ, từ lịch sử cổ đại cho đến ngày nay, MacMillan tiết lộ nhiều khía cạnh của chiến tranh - cách nó quyết định quá khứ, tương lai, quan điểm của chúng ta về thế giới và chính bản thân mình.

Thu Hoài

Ảnh: New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-cuon-sach-hay-nhat-nam-2020-do-new-york-times-binh-chon-post1163616.html