10 cái Tết lan tỏa giá trị nhân văn vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động 'Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo' và phong trào 'Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam' giai đoạn 2009 - 2018 do T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động, đến nay nhiều địa phương trên cả nước đã giúp đỡ cho hàng chục triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ với tổng giá trị các cuộc vận động, các phong trào trong toàn quốc lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Nhiều việc làm thiết thực

Một trong những địa phương điển hình trong cuộc vận động và phong trào trên là TP Hà Nội với tổng trị giá công tác Hội CTĐ và phong trào CTĐ năm 2018 của TPHà Nội (tính đến ngày 31/10) đạt hơn 398 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội CTĐ TP Nguyễn Sỹ Trường, cùng với Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, năm 2018, các cấp Hội đã tổ chức cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; công tác vận động nguồn lực đạt kết quả cao, trong năm đã kết nối, phối hợp được với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực để tổ chức các hoạt động nhân đạo.

Ngoài ra, Hội CTĐ TPHà Nội còn tổ chức thành công chương trình “Chung sức vì nhân đạo”, phát động Tháng Nhân đạo năm 2018 và kỷ niệm Ngày CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5 với chủ đề “Nhân đạo - từ nhận thức tới hành động”.

Nhân dịp Tháng Nhân đạo, toàn TP đã vận động, ủng hộ cho các hoạt động nhân đạo đạt hơn 2,3 tỷ đồng. Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào CTĐ năm 2018, Hội CTĐ TP Hà Nội đã phát động Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2019.

Ngay sau lễ phát động, phong trào nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, tiếp nhận 3 tỷ 702 triệu đồng và các cụm thi đua ủng hộ 73.200.000 suất quà Tết.

Tại Cao Bằng, hôm qua (26/12), Hội CTĐ tỉnh này đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và phát động ủng hộ phong trào “Tết nhân ái, sẻ chia, đùm bọc” xuân Kỷ Hợi năm 2019.

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động do T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phát động, các cấp Hội CTĐ tỉnh đã trợ giúp và vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh trợ giúp được hơn 4.600 địa chỉ với tổng giá trị trên 17 tỷ đồng.

Để không ai “bị bỏ lại phía sau”

Trước đó (ngày 25/12), Hội CTĐ tỉnh Phú Thọ tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình công tác xã hội nhân đạo giai đoạn 2008 - 2018. Báo cáo tại Hội nghị cho biết, tổng giá trị các cuộc vận động, các phong trào trong toàn tỉnh trong 10 năm là hơn 143 tỷ đồng, trợ giúp cho trên 1 triệu lượt người.

Thời gian tới, Hội CTĐ của tỉnh tiếp tục tập trung vận động nguồn lực trợ giúp trực tiếp, kịp thời và thiết thực các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu đến năm 2022, có 100% địa chỉ nhân đạo đã lập hồ sơ được nhận trợ giúp.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Hội CTĐ tỉnh Phú Thọ, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam nhấn mạnh, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là hoạt động mang tính chiến lược của toàn Hội, có tính xuyên suốt của Hội CTĐ Việt Nam với sự tham gia của toàn dân, với kết quả toàn quốc đã trợ giúp trên 1.140.000 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”, với tổng giá trị đạt trên 3 nghìn tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội CTĐ tỉnh đã phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2019 và tiếp nhận tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm, với số tiền thu được tại Lễ phát động gần 2 tỷ đồng, dự kiến trao 25.000 suất quà Tết cho các gia đình.

Phát biểu tại một Hội nghị tổng kết phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” giai đoạn 2009-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu chính quyền địa phương không được để tình trạng đến khi Hội CTĐ đến tặng quà Tết thì mới có Tết mà sao cho quà của Hội chỉ làm Tết thêm vui, thêm ấm cúng.

Không chỉ trợ giúp vật chất cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam vào những dịp nhất định mà các cấp ủy Đảng, chính quyền phải coi việc chăm lo cho những đối tượng này là việc làm thường xuyên, liên tục.

Từ đó góp phần vào thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người nghèo, đối tượng bị thiệt thòi để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Vân Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/10-cai-tet-lan-toa-gia-tri-nhan-van-vi-nguoi-ngheo-va-nan-nhan-chat-doc-da-cam-431733.html