10 bức tranh được ưa thích nhất thời Liên Xô

Nhằm hướng người dân theo cách sống lành mạnh và tình yêu đối với Tổ quốc, các họa sĩ Liên Xô đã phác họa một cách tài tình những giá trị của con người Xô viết qua những bức tranh.

1. Bức tranh “Người Bolshevik” của họa sĩ Boris Kustodiev, năm 1920

 Ảnh: Bảo tàng tranh Tretyakov.

Ảnh: Bảo tàng tranh Tretyakov.

Bức tranh ẩn dụ của họa sĩ Boris Kustodiev vẽ hình một người Bolshevik to lớn đang vẫy lá cờ đỏ, dẫn dắt quần chúng hướng đến tương lai của chủ nghĩa cộng sản. Bức tranh này rất được chính quyền Liên Xô ưa thích, về sau được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng tranh Tretyakov.

2. Bức tượng thánh “Đức Mẹ Petrograd” của họa sĩ Kuzma Petrov-Vodkin, năm 1920

Bảo tàng tranh Tretyakov.

Những tác phẩm của họa sĩ Kuzma Petrov-Vodkin rất gần gũi với phong cách vẽ tượng thánh: Từ bố cục, màu sắc cho đến hình tượng. Ông là họa sĩ vẽ tượng thánh thực thụ của chế độ cộng sản thời đó, một trong những bức tượng thánh đặc trưng của ông là bức tranh “Năm 1918 ở Petrograd”, hay còn gọi là “Đức Mẹ Petrograd”. Nền sau bức tranh mô tả tình trạng hỗn loạn của cách mạng bao trùm thành phố với những tờ truyền đơn, đám đông biểu tình, cửa sổ nhà bị vỡ. Trong tình trạng hỗn loạn như vậy, một người phụ nữ khiêm nhường đội khăn trắng, trên tay bế đứa trẻ đã trở thành biểu tượng của một cuộc sống mới và nước Nga mới.

3. Bức tranh “Bảo vệ Petrograd” của họa sĩ Aleksandr Deineka, năm 1928

Bảo tàng tranh Tretyakov.

Mặc dù sau này phong cách hội họa của họa sĩ Aleksandr Deineka trở nên gần gũi hơn với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tại thời điểm nhân dịp kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ông đã sử dụng trong tác phẩm của mình “thủ pháp hình bóng trang trí”. Bố cục bức tranh dường như theo kiểu vòng tròn. Theo đó, hàng trước (hàng dưới) bức tranh là những binh sĩ đang bước ra mặt trận trong cuộc nội chiến, còn hàng sau (hàng trên) thì di chuyển ngược lại – đó là hình ảnh những người bị thương vận kín áo ca-pốt đang trở về nhà.

4. Bức tranh “V.I. Lenin trên khán đài” của họa sĩ Aleksandr Gerasimov, năm 1930

Ảnh: Aleksey Bushkin/Sputnik.

Lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga Vladimir Ilyich Lenin dĩ nhiên được coi là một vị thánh và là thần tượng của đất nước Xô viết. Hình ảnh của Người được khắc họa một cách tỉ mỉ nhất, thường là được thần thoại hóa thêm. Khi thì hình ảnh Lenin bên trong túp lều tranh, khi thì đứng trên khán đài, trên xe bọc thép hoặc đích thân tham gia ngày thứ Bảy lao động cộng sản. Một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất của Người là lúc đứng trên khán đài cùng với lá cờ đỏ Liên Xô.

5. “Kirov chỉ huy cuộc diễu hành thể dục” của họa sĩ Aleksandr Samokhvalov, năm 1935

Ảnh: Bảo tàng Nga.

Từ những năm đầu sau khi thành lập nhà nước, chính quyền Xô viết đã rất chú trọng đến việc tăng cường sức khỏe của người dân nhằm đạt hiệu quả lao động tốt nhất. Việc tuyên truyền hoạt động thể dục, thể thao là một trong những nhiệm vụ chính của cả giới họa sĩ. Vì vậy, họa sĩ Aleksandr Samokhvalov đã được đặt vẽ một số bức tranh về thể thao Liên Xô.

6. Bức tranh “Moskva mới” của họa sĩ Yury Pimenov, năm 1937

Ảnh: Bảo tàng tranh Tretyakov.

Bức tranh này là một trong những biểu tượng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và nền nghệ thuật Xô viết. Những đại lộ rộng thênh thang, xe ô tô, thành phố đã được cải tạo tràn ngập ánh sáng, nơi phụ nữ ngồi sau tay lái ô tô-thể hiện một đất nước Liên Xô bình đẳng.

7. Bức tranh “Bảo vệ Sevastopol” của họa sĩ Aleksandr Deineka, năm 1941

Ảnh: I. Kogan/Sputnik.

Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật Xô viết là ca ngợi sự anh dũng của người lính Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một trong những bức họa chiến tranh nổi tiếng nhất về lòng quả cảm là bức tranh “Bảo vệ Sevastopol” của họa sĩ Aleksandr Deineka.

8. Bức tranh “Người mẹ của du kích quân” của họa sĩ Sergei Gerasimov, năm 1943-1950

Ảnh: O. Ignatovich/Sputnik.

Trong tác phẩm của mình, họa sĩ Sergei Gerasimov đã ca ngợi làng quê, nông trang tập thể và những người nông dân. Bức tranh nổi tiếng nhất của ông mang tên “Người mẹ của du kích quân” vẽ về một người phụ nữ nông thôn bình dị, không hề sợ hãi khi nhìn vào mắt kẻ thù.

9. “Bức thư từ tiền tuyến” của họa sĩ Aleksandr Laktionov, năm 1947

Ảnh: Bảo tàng tranh Tretyakov.

Thời Liên Xô, bức tranh này nổi tiếng đến nỗi Bảo tàng tranh Tretyakov đã mua lại. Ngoài ra, nó còn được in trên sách giáo khoa, những tấm áp phích và tem thư.

10. Bức tranh “Buổi sáng” của nữ họa sĩ Tatyana Yablonskaya, năm 1954

Ảnh: Bảo tàng tranh Tretyakov.

Nội dung bức tranh là hình ảnh một bé gái đang tập thể dục buổi sáng. Cô bé không những “tăng cường thể lực và tinh thần”, mà còn bắt đầu một ngày mới đúng cách, hướng đến một tương lai tươi

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/10-buc-tranh-duoc-ua-thich-nhat-thoi-lien-xo-662291