10 Bộ quản 1 giấy chứng nhận

10 Bộ quản lý chuyên ngành gồm: Lao động – Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Y tế được phân công thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Danh mục hàng phải kiểm định trong lĩnh vực lao động là quá nhiều. (Ảnh minh họa)

Danh mục hàng phải kiểm định trong lĩnh vực lao động là quá nhiều. (Ảnh minh họa)

Chồng chéo trong quản lý

Thay vì cải cách, nhiều điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực lao động đang được cắt giảm theo hướng cơ học như giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất.

Ông Nguyễn Minh Quân, đại diện Công ty cổ phần Kiểm định kỹ thuật an toàn Quốc gia (TPHCM):

Qua thực tế thực hiện của doanh nghiệp cho thấy, các vấn đề kiểm định chúng ta cần phải xem lại. Miếng bánh về kiểm định chia đều cho các bộ ngành quản lý, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp. Do vậy, cần phải có sự thay đổi, xem lại để tạo sự chuẩn hóa về mặt quy chuẩn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi và phát triển.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, với điều kiện kinh doanh về dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện, trước khi cắt giảm quy định “có ít nhất 5 người huấn luyện cơ hữu, huấn luyện chuyên ngành, thực hành, trong đó có ít nhất 3 người huấn luyện chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”. Sau khi cắt giảm, quy định được sửa như sau: “Có ít nhất 4 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ, trong đó có 1 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”. Có nghĩa là chỉ giảm cơ học từ con số 5 người xuống 4, từ 3 xuống 1 người.

Đặc biệt, theo bà Thảo, điều kiện kinh doanh còn thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, trước đây các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thì nay phải xin giấy phép của 10 Bộ với cùng một nội dung công việc. Cụ thể có 10 Bộ quản lý chuyên ngành gồm: Lao động – Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Quốc phòng; Công an và Y tế được phân công thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Cũng theo bà Thảo, trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu,… về kiểm định an toàn lao động giống nhau nhưng các Bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo mà doanh nghiệp phải trả phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/người.

Dẫn chứng thêm về sự chồng chéo giữa các Bộ trong việc quản lý, bà Thảo cho biết, với các thiết bị nâng áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng (TCVN 4244:2005 và QCVN 7:2012) thì cần trục tháp thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, các cần trục còn lại lại thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong khi đó các phương tiện, thiết bị này dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy… thì lại thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

“Trong danh mục mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn có quy định các danh mục máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động có 18 nhóm sản phẩm thì 11 nhóm sản phẩm, hàng hóa thực hiện kiểm tra nhà nước trước thông quan. Trong đó có thang máy và thang cuốn, làm sao chúng ta kiểm tra những hàng hóa này về độ an toàn khi chưa vận hành, lắp đặt? Vấn đề không phải là doanh nghiệp bị phạt vài triệu mà nếu vi phạm thời gian thông quan thì lần nhập khẩu hàng hóa tiếp theo sẽ bị đưa vào luồng Đỏ, không cho đưa hàng vào kho bảo quản dẫn tới chi phí lưu hàng tại cảng sẽ đội lên rất nhiều. Do vậy, quy định này vừa thiếu thực tế và có khả năng gây tăng chi phí tăng cho doanh nghiệp”, bà Thảo nói.

Gánh nặng chi phí

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ góc nhìn doanh nghiệp phản ánh cho thấy danh mục hàng phải kiểm định trong lĩnh vực lao động là quá nhiều. Việc phân chia thẩm quyền chồng chéo, không chỉ ở công đoạn mà còn cùng một mặt hàng. Ví dụ mặt hàng bình khí nén lúc thì Bộ Công Thương quản lý nhưng cũng cùng bình khí nén đó sang công ty khác thì lại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Một ví dụ khác được ông Đậu Anh Tuấn khẳng định là phi thực tế khi nội dung quy chuẩn và quy trình kiểm định điều hòa tổng cho tòa nhà bắt buộc phải rút toàn bộ dung môi ra. Để làm đúng phương pháp thì tòa nhà phải tắt điều hòa, thông gió trong 3-5 ngày gây chi phí lớn cho doanh nghiệp. Hay tại Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định mọi cơ sở sử dụng lao động đều phải có tổ chức y tế lao động hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế (thông báo hợp đồng với Sở Lao động – Thương binh và Lao động).

“Hiện cả nước có khoảng trên 800.000 doanh nghiệp, đó là chưa kể 5 triệu hộ kinh doanh, cứ cho 2 triệu hộ hoạt động kinh doanh có đăng ký thì việc ký hợp đồng với các cơ sở y tế cũng khiến việc quản lý hồ sơ thủ tục là con số khổng lồ và gây tốn kém, đó là chưa kể hiệu quả có thực chất hay không. Do đó, theo tôi chỉ nên quy định một số ngành nghề còn những cơ sở có quy mô nhỏ, ngành nghề nguy cơ thấp như văn phòng, thương mại, dịch vụ phổ thông… thì không bắt buộc phải ký loại hợp đồng này”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, chỉ nên tập trung kiểm định đối với hàng hóa có nguy cơ mất an toàn cao và sử dụng dành cho mục đích công cộng. Theo đó, cần loại bỏ các thiết bị áp lực thể tích và áp suất nhỏ, các thiết bị nâng công suất nhỏ, các thiết bị sử dụng nội bộ, không dành cho cộng đồng. Từ đó rà soát danh mục hàng hóa tiến tới cắt giảm, tìm cách đảm bảo quản lý an toàn hơn, nhưng gánh nặng ít hơn cho doanh nghiệp.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/10-bo-quan-1-giay-chung-nhan-116625.html