1 triệu trường hợp tử vong vì biến chứng do phẫu thuật

Trung bình mỗi năm trên toàn cầu diễn ra khoảng 187 - 281 triệu ca phẫu thuật, trong đó có khoảng 7 triệu ca gặp biến chứng. Đáng chú ý, trong số này có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong.

Ngày 25/9, Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Bình Dân tổ chức hội thảo kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn trong phẫu thuật với sự tham gia của 200 bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên kiểm soát nhiễm khuẩn.

TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết, kiểm soát nhiễm khuẩn là hoạt động quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, vi khuẩn đề kháng kháng sinh đang là vấn đề thách thức của y tế toàn cầu. Thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn người bệnh.

Theo bác sĩ Hưng, tháng 8/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật tình hình tai biến y khoa, đề cập đến một số vấn đề mang tính cấp thiết có liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong đó, có khoảng 10% người bệnh ở các nước đang phát triển bị nhiễm khuẩn bệnh viện, có tỉ lệ không nhỏ là nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

Chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật tại bệnh viện

Chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật tại bệnh viện

Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, trung bình mỗi năm trên toàn cầu diễn ra khoảng 187 triệu - 281 triệu ca phẫu thuật, trong đó có khoảng 7 triệu ca gặp biến chứng. Đáng chú ý, trong 7 triệu trường hợp biến chứng có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong.

Bác sĩ Thư cho biết, thất bại trong an toàn phẫu thuật có nguyên nhân lớn do nhiễm khuẩn vết mổ. Không chỉ thế, nhiễm khuẩn vết mổ còn làm tăng thời gian nằm viện thêm từ 7-10 ngày, tăng gấp 5 lần khả năng nhập viện lại, tăng 2 lần nguy cơ tử vong và việc phải sử dụng kháng sinh do nhiễm khuẩn vết mổ dẫn đến đề kháng kháng sinh cũng tăng lên.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM cho rằng, biện pháp căn cơ nhất là phải triển khai kiểm soát nhiễm khuẩn khu vực phẫu thuật. Thực tế hiện nay ở hầu hết bệnh viện Việt Nam, khu vực phẫu thuật chưa thực sự an toàn; trong đó lỗi thường gặp nhất là không tuân thủ việc phân luồng di chuyển trong phòng mổ.

Nhiễm khuẩn vết mổ dễ dẫn đến thất bại trong phẫu thuật

Ngoài ra, cần cải tạo cơ sở vật chất phòng mổ, thiết kế hệ thống thông khí, vệ sinh tay, sàng lọc tụ cầu trước phẫu thuật, sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý cũng là những yếu tố quan trọng trong kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn trong phẫu thuật.

Bác sĩ Trần Vĩnh Hưng cho biết, trong thời gian gần đây, Bệnh viện Bình Dân cũng đã có những đầu tư chiến lược trong nâng cao kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong đó, bệnh viện đã ứng dụng phương pháp tiệt khuẩn nhiệt độ cao bằng hơi nước, cho phép tiêu diệt hơn 1 triệu vi khuẩn với khung thời gian ngắn. Bên cạnh hiệu quả trong tiệt khuẩn, kỹ thuật này còn bảo đảm độ bền của dụng cụ phẫu thuật, đặc biệt là các dụng cụ nội soi tinh vi có đường kính nhỏ. Ngoài ra, cách thức này còn giúp tiết kiệm thời gian và thân thiện với môi trường do sử dụng hơi nước thay cho hóa chất ngâm rửa.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bình Dân còn hoàn thiện quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách nghiêm ngặt với các kiểm nghiệm khách quan và theo hướng tự động hóa với các máy chuyên dụng. Với các bộ công cụ này, bệnh viện tiêu chuẩn hóa chất lượng tiệt khuẩn dụng cụ phẫu thuật xuyên suốt từ đơn vị tiệt khuẩn trung tâm, lưu trữ, cấp phát, vận chuyển đến tận tay các bác sĩ phẫu thuật.

Minh Nguyệt

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ky-nang/1-trieu-truong-hop-tu-vong-vi-bien-chung-do-phau-thuat-post64913.html