1 triệu người mắc Covid-19 và bài toán khó với Indonesia

Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 hàng đầu Đông Nam Á. Quốc gia đang loay hoay với bài toán chống dịch, khi số người mắc bệnh này ở đây đã đạt con số 1 triệu.

Nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan mạnh tại đảo quốc này

Với số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong tháng đầu tiên của năm 2021, ngày 26/1 vừa qua, Indonesia đã vượt mốc 1 triệu người mắc Covid-19. Lực lượng chức năng Indonesia cho rằng kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020 là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này tăng vọt với các cụm lây lan trong gia đình chiếm đa số. Không chỉ số ca mắc bệnh ngày càng tăng mà số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Indonesia cũng nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với gần 29.000 trường hợp.

Quan tài bệnh nhân chết do Covid-19. Ảnh: CNN Indonesia.

Quan tài bệnh nhân chết do Covid-19. Ảnh: CNN Indonesia.

Mặc dù, chính phủ Indonesia cũng đã thực hiện một số biện pháp để kiềm chế đại dịch trong đó có giới hạn xã hội quy mô lớn và các hạn chế hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát mạnh mẽ hơn tại quốc gia này. Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc khó kiểm soát sự lây lan của đại dịch.

Thứ nhất, Indonesia là quốc gia có số dân đông thứ tư thế giới. Với địa hình là quốc gia vạn đảo, Indonesia rất khó để có thể kiểm soát sự di chuyển của người dân khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan từ nơi này qua nơi khác và việc truy vết của Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, trong giai đoạn đầu khi dịch bủng phát, Indonesia đã rất chần chừ trong việc lựa chọn giữa bài toán kinh tế và việc phong tỏa đất nước. Cuối cùng, Indonesia đã không chọn phong tỏa.

Thứ ba, khi không thể phong tỏa đất nước, đáng lẽ việc cần làm là ngay lập tức truy vết và cách ly các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng càng sớm càng tốt thì Indonesia lại có những phản ứng rất chậm. Ngay cả hiện nay, việc truy vết của Indonesia cũng không được thực hiện sát sao, đi kèm với đó là một chính sách cách ly thiếu triệt để. Tại Indonesia chỉ có các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng mới được đến cơ sở cách ly, đại bộ phận người dân cách ly ở nhà. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện tại, Indonesia vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm Covid-19 theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Với số dân 267 triệu người, Indonesia phải xét nghiệm được cho 267.000 người một tuần, song hiện nay nước này mới chỉ đáp ứng được 88,6% tiêu chuẩn của WHO. Với dân số đông và có tới 40% là người nghèo như Indonesia, việc người dân thực hiện nghiêm lệnh giới hạn xã hội của chính phủ để làm việc tại nhà là một điều khó khăn. Đây quả thật là một bài toán khó đối với Indonesia.

Quá tải cho hệ thống y tế

Với sự bùng nổ của đại dịch như vậy, hệ thống y tế của Indonesia đã sớm trở nên quá tải. Những ngày qua, khi truy cập hệ thống dữ liệu giường trống bệnh viện ở thủ đô Jakarta, người dân khó có thể tìm được một bệnh viện nào còn giường trống dành cho bệnh nhân Covid-19. Thực tế, có nhiều bệnh nhân đã tử vong trên xe taxi vì liên tục bị nhiều bệnh viện từ chối mặc dù đã trong tình trạng nguy cấp. Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Covid-19, Giáo sư Wiku Adisasmito cho biết, mặc dù chính phủ Indonesia đã chỉ thị cho các bệnh viện tăng công suất phòng nội trú lên đến 50%, nhưng trên thực tế, số lượng bệnh nhân cũng đã ngày một tăng. Thủ đô Jakarta hiên nay là một trong những tỉnh có số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất cả nước và lệ lấp đầy giường tại các bệnh viện chuyển tuyến Covid-19 ở thủ đô đã đạt gần100%.

Trong khi đó, Hiệp hội bác sĩ Indonesia đánh giá hệ thống y tế ở Indonesia thực tế đã gặp khủng hoảng từ tháng 10/2020 khi các ca mắc Covid-19 gia tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Giường chăm sóc hồi sức tích cực và các phòng và cách ly trong bệnh viện hầu như đã không còn từ thời điểm đó. Nhiều bệnh nhân Covid-19 không được điều trị khiến số ca tử vong tăng nhanh chóng. Hiện nay, cả các khu chôn cất nạn nhân Covid-19 tại Indonesia cũng đã quá tải. Chính phủ đã phải mở thêm rất nhiều nơi chôn cất mới cho nạn nhân Covid-19. Tình trạng đáng lo ngại cũng thể hiện rõ khi nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức và tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại có 600 nhân viên y tế hi sinh trong cuộc chiến chống đại dịch. Rõ ràng, nếu số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng hệ thống y tế của Indonesia sẽ bị tê liệt. Điều này không chỉ gây hại cho những người bị Covid-19 mà còn cả những người cần điều trị do các bệnh khác ngoài Covid-19.

Biện pháp của chính phủ Indonesia

Ngay sau khi các ca mắc Covid-19 tại Indonesia vượt mốc 1 triệu ca, Tổng thống Joko Widodo đã triệu tập cuộc họp nội các kín. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Indonesia, tế Budi Gunadi Sadikin cho biết có ba bước mà chính phủ Indonesia sẽ thực hiện.

Thứ nhất là thắt chặt giao thức y tế trong thời gian đại dịch. Những nỗ lực này cần sự hợp tác chặt chẽ của cả cộng đồng.

Thứ hai, tích cực truy vết, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Việc đẩy nhanh xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân sẽ giúp giảm tốc độ lây lan của virus. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ cung cấp thêm các khu vực cách ly ái cho những bệnh nhân được xác nhận dương tính với Covid-19 để kịp thời chữa trị, từ đó tăng tỷ lệ chữa khỏi cho các ca bệnh, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Thứ ba là tăng tốc tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tito Karnavian cho biết, Indonesia sẽ tăng tốc và đồng bộ hóa chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 để xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng. Khả năng miễn dịch cộng đồng được hình thành càng sớm thì đại dịch càng sớm kết thúc. Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu dân trong vòng 15 tháng. Giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân đã bắt đầu vào ngày 13/1, đến nay đã tiêm chủng được 179.000 liều trong tổng số 1,48 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc được phân phối cho các tỉnh.

Giai đoạn đầu tiên của việc tiêm chủng Covid-19 tại Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho cho 1,3 triệu nhân viên y tế, 17,4 triệu nhân viên dịch vụ công và 21,5 triệu người cao tuổi cho đến tháng 4 năm 2021. Giai đoạn hai sẽ diễn ra từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 63,9 triệu người dễ bị phơi nhiễm dịch Covid-19 ở các khu vực có nguy cơ lây truyền cao và 77,4 triệu người khác. Hiện nay, Indonesia đã đàm phán thành công việc mua 426 triệu liều vaccine Covid-19 của nhiều công ty quốc tế để đảm bảo nguồn cung vaccine, tuy nhiên có 3 triệu liều vaccine Sinovac đã đến Indonesia cuối tháng 12 năm 2020. Để ngăn chặn dịch Covid-19 và các biến thể của virus SARS-CoV-2, Indonesia đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với toàn bộ công dân nước ngoài

Cuối cùng, Indonesia đã tăng ngân sách chi tiêu cho lĩnh vực y tế, trợ giúp xã hội và phục hồi kinh tế để nhanh chóng ngăn chặn đại dịch cũng như khắc phục hậu quả do đại dịch toàn cầu gây ra./.

Hương Trà/VOV-Jakarta Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/1-trieu-nguoi-mac-covid-19-va-bai-toan-kho-voi-indonesia-833871.vov