1 triệu bản kê khai tài sản, chỉ phát hiện 5 người vi phạm, xử lý được 4 người

Số liệu năm 2017 cho thấy, trong tổng số hơn 1 triệu bản kê khai hàng năm thì mới chỉ xác minh được 78 trường hợp, phát hiện 5 người vi phạm và xử lý 4 người.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội thảo: “Góp ý hoàn thiện dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) diễn ra tại Đà Nẵng trong hai ngày 19 và 20/3.

“Phát hiện tham nhũng chưa đạt yêu cầu”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của luật phòng chống tham nhũng là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng chủ động, toàn diện và sâu rộng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nhiều quy định của Luật phòng chống tham nhũng hiện hành chưa phù hợp thực tiễn, không đi vào cuộc sống. Ảnh: TA

Nhằm hướng tới xây dựng các thể chế về quản lý nhà nước và xã hội công khai, minh bạch để “không tham nhũng”.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.

Theo báo cáo của Chính phủ về việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham những, việc xác minh tài sản, thu nhập trong thời gian qua chỉ được thực hiện với 4.859 trường hợp, phát hiện và xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực.

Ông Kim cũng dẫn số liệu năm 2017 cho thấy, trong tổng số hơn 1 triệu bản kê khai hàng năm thì mới chỉ xác minh được 78 trường hợp, phát hiện 5 người vi phạm và xử lý 4 người.

“Những con số này cho thấy việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập còn rất hạn chế”, ông Kim đánh giá.

Đồng thời, việc thiếu cơ quan, đơn vị giữ vai trò đầu mối trong thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập (để thực hiện việc quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập…) dẫn đến việc kê khai tài sản rất hình thức, kém hiệu quả và không khách quan.

Bởi trong nhiều trường hợp có hiện tượng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nể nang, né tránh hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm trong cơ quan, đơn vị mình – ông Kim nói thêm.

Bất cập trong luật phòng chống tham nhũng hiện hành

Tại hội thảo lần này, các đại biểu, chuyên gia về luật đã chỉ ra những hạn chế của Luật phòng chống tham nhũng hiện hành. Cụ thể:

Về minh bạch, kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn: Thực tiễn thời gian qua cho thấy, đây là vấn đề quan trọng song việc thực hiện còn hình thức và chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập.

Để qua đó phòng ngừa, phát hiện tham nhũng có hiệu quả cũng như giúp thu hồi tài sản tham nhũng.

Về phát hiện hành vi tham nhũng: các cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng hoạt động chưa hiệu quả, việc thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng của các cơ quan hữu quan chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Về trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng: Kết quả phòng chống tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức đơn vị trong phòng chống tham nhũng.

Tương tự như biện pháp minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người đứng đầu, việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng có tác động đến việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng nói chung.

Về xử lý vi phạm pháp luật: Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng cho thấy, việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm rất hạn chế, hiệu lực thực hiện Luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thực trạng này xuất phát từ một trong những nguyên nhân chính là thiếu quy định về các hình thức xử lý cụ thể.

“Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Tổng kết 10 năm thi hành luật phòng chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng.

Một trong những nguyên nhân chính là nhà nước không giám sát, kiểm soát được những biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Không phát hiện, xác minh và xử lý được các khoản thu nhập có nguồn gốc không minh bạch của nhóm đối tượng này”, ông Kim thông tin thêm.

Ngoài ra, thẩm quyền quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập và ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập còn phân tán và mang tính nội bộ, thiếu cơ chế kiểm soát soát từ bên ngoài.

(bản kê khai tài sản, thu nhập do bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ/cấp ủy với cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người kê khai quản lý, thẩm quyền quyết định việc xác minh thuộc về thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người kê khai tài sản, thu nhập).

Do đó, việc dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này sẽ lấy ý kiến, góp ý của các chuyên gia để tạo ra một cái lồng “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, luật pháp.

Tấn Tài

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/1-trieu-ban-ke-khai-tai-san-chi-phat-hien-5-nguoi-vi-pham-xu-ly-duoc-4-nguoi-post184604.gd