1 người tử vong, 5 người nguy kịch do ăn bún riêu chay

Ngày 27/3, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, có đủ bằng chứng cho thấy các bệnh nhân ngộ độc do thức ăn (bún riêu chay) chứa độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.

5 người này (1 phụ nữ 53 tuổi và 3 người khác) đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, 1 bé gái 16 tuổi đang điều trị tại Bệnh vện Nhi đồng 2. Một người phụ nữ đã tử vong trước đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tất cả họ đều có bệnh cảnh nguy kịch như suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi,.... sau khi ăn bún riêu chay và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Hai bệnh nhân nữ 53 tuổi và bé gái 16 tuổi có biểu hiện cải thiện rõ rệt sau khi truyền huyết thanh kháng độc tố do các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai mang vào vào tối 25/3.

Với các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân sau truyền huyết thanh kháng độc, Sở Y tế TP.HCM chính thức khẳng định đủ bằng chứng cho thấy các bệnh nhân ngộ độc do thức ăn (bún riêu chay) chứa các độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại TP.HCM

Bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại TP.HCM

Bộ Y tế cho biết vừa có một công ty đồng ý tài trợ 6 lọ thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum, để các bệnh viện kịp thời cứu chữa bệnh nhân ăn bún riêu chay nghi chứa độc tố Clostridium Botulinum ở Bình Dương.

Trước đó, lô thuốc BAT 10 lọ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam hiện đã dùng hết. Để kịp thời điều trị cho các bệnh nhân, trước mắt có một công ty đề xuất với Bộ Y tế và một số bệnh viện sẽ tài trợ 6 lọ thuốc.

Đây là loại thuốc rất hiếm có tên Botulism antitoxin heptavalent (BAT) do Canada sản xuất, có tác dụng giải độc tố do vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ra, giá 8.000 USD/lọ và có thời hạn sử dụng 8 năm.

Hiện Bộ Y tế đang gấp rút các thủ tục để nhập khẩu thuốc này điều trị cho các bệnh nhân đồng thời cũng dự phòng 1 phần cho các ca tương tự.

Liên quan tới chùm ca ngộ độc Botulinum này, theo PGS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, vụ việc xảy ra tại Bình Dương. Trong khi đó, việc ăn uống diễn ra từ 20/3 nên sẽ không còn mẫu để xét nghiệm.

Bà Lan cho rằng với các bằng chứng gia đình đưa ra đó là ăn pate chay đã biến đổi hộp phồng, có vị chua có thể là nguyên nhân gây ngộ độc.

Theo PGS Lan hiện không rõ loại pate này là gì. Tốt nhất để phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum người dân cần thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nghi ngộ độc Botulinum cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trước đó, khi xảy ra vụ ngộ độc Pate Minh Chay, TP.HCM đã đẩy mạnh thu hồi và tuyên truyền để người dân không ăn các sản phẩm đồ hộp có biểu hiện bất thường.

Hiện Chi cục An toàn thực phẩm Bình Dương đã tiến hành rà soát và kêu gọi những người đã ăn bún tiêu chay ngày 20/3 tại miếu Chiêu Liêu nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Tỉnh Bình Dương cũng mở rộng xét nghiệm truy tìm nguồn gây độc với thực phẩm chả chay và pate chay - hai nguyên liệu chính để nấu bún riêu.

Trước đó, người phụ nữ 53 tuổi tên H. cùng em gái tên M, 46 tuổi ra miếu Chiêu Liêu nấu bún riêu. Miếu Chiêu Liêu ở thành phố Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương. Sau khi nấu có bà H, bà M. và khoảng 20 người khác ăn cùng, tất cả đều là phật tử sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu do cha của bà H, bà M trụ trì.

Sau khi ăn, bà H, bà M và con gái 16 tuổi có biểu hiện cứng lưỡi, mờ mắt, khó nói nên được đưa đi cấp cứu. Bà M. tử vong. Còn trường hợp bà H và bé gái 16 tuổi hiện đang hồi sức tích cực. Đêm 25/3, tiếp tục thêm 3 ca ngộ độc liên quan tới bữa bún riêu chay ngày 20/3 nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/1-nguoi-tu-vong-5-nguoi-nguy-kich-do-an-bun-rieu-chay-lien-quan-toi-doc-to-botulinum-280215.html